Từ đầu năm đến nay, dịch COVID-19 và diễn biến phức tạp, Hà Nội phải thực hiện giãn cách xã hội 2 tháng, làm cho một số doanh nghiệp phải ngừng sản xuất, lao động không có việc làm.
Tuy nhiên, nhờ cơ quan Bảo hiểm xã hội có nhiều cách làm sáng tạo, cùng với nhận thức tốt về giá trị của tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, nên sau khi mất việc, nhiều người dân tại Hà Nội vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội với mục tiêu được hưởng lương hưu khi về già.
Tại Hà Nội, có nhiều người dân sau khi mất việc do dịch COVID-19 nhưng vẫn tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện chứ không thực hiện rút, hưởng bảo hiểm một lần.
Chị Nguyễn Thị Ngọc, sinh năm 1984 ở Yên Sở (Hoàng Mai), từng là kế toán của một doanh nghiệp tư nhân từ nhiều năm nay. Do dịch bệnh, công ty bị phá sản nên chị cũng bị nghỉ việc và không được đóng bảo hiểm xã hội.
Chị Ngọc cho biết đã nhiều lần định làm hồ sơ thanh toán bảo hiểm một lần nhưng được người thân và nhân viên Bảo hiểm xã hội quận tư vấn về lợi ích lâu dài khi tiếp tục đóng bảo hiểm, nên chị quyết định tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện với mức đóng hơn 900 nghìn đồng/tháng. Chị lựa chọn hình thức đóng 3 tháng/lần, chuyển khoản cho đại lý thu.
“Tôi dự định đóng bảo hiểm tự nguyện đến khi tìm được công việc mới. Như vậy, tôi sẽ được cộng nối thời gian tham gia bảo hiểm, không bị ngắt quãng" - chị Ngọc giãi bày và cho biết thêm, mức đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hằng tháng không lớn, hình thức đóng thuận tiện nên người mất việc, nghỉ việc do dịch COVID-19 cần tham gia đóng tự nguyện, sẽ đảm bảo lợi ích về lâu dài.
[Đề xuất giải pháp tháo gỡ nợ bảo hiểm xã hội để bảo vệ người lao động]
Là lái xe đường dài, trú tại quận Hoàng Mai, anh Lê Trung Kiên chia sẻ, bản thân đã tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện được 15 năm. Dù dịch bệnh khiến kinh tế khó khăn anh vẫn duy trì dành dụm đóng 754.000 đồng/tháng tiền bảo hiểm xã hội tự nguyện. Không chỉ có vậy, anh còn vận động các đồng nghiệp từ bỏ ý định rút bảo hiểm xã hội một lần, tiếp tục đóng đủ thời gian để được hưởng lương hưu khi về già.
Cùng tham gia đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện để được hưởng lưu hưu, anh Vũ Quang Đạt (xã Vạn Kim, huyện Mỹ Đức) chia sẻ, khi tham gia bảo hiểm tự nguyện anh rất yên tâm vì đây là loại hình bảo hiểm được Nhà nước bảo hộ và hỗ trợ mức đóng nên người tham gia hoàn toàn yên tâm, cứ duy trì đủ thời gian là được hưởng lương hưu.
Cho biết về cách thức vận động người dân mất việc nhưng không ngừng đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội quận Hoàng Mai Ngô Thị Thanh Hà chia sẻ, trong thời gian giãn cách xã hội, Bảo hiểm xã hội quận đã tổ chức nhiều buổi tư vấn trực tuyến về tham gia bảo hiểm xã hội.
Ngoài tư vấn lợi ích của bảo hiểm xã hội tự nguyện, giúp yên tâm khi về già có lương hưu và các khoản trợ cấp khác, Bảo hiểm xã hội quận còn gửi danh sách các cá nhân đang tham gia bảo hiểm xã hội sắp hết hạn tới Ủy ban Nhân dân các phường trên địa bàn và đầu mối tổ dân phố liên lạc với các hộ dân, vận động, mời tham gia bảo hiểm xã hội.
Nhờ cách làm này đã có hàng trăm hộ dân từ chỗ có ý định dừng tham gia bảo hiểm lại tiếp tục duy trì, góp phần đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Theo Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội đến hết tháng 8/2021, toàn thành phố có 51.952 người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, tăng 8.616 người so với cùng kỳ năm 2020.
Trong bối cảnh dịch COVID-19 kéo dài, thành phố phải thực hiện giãn cách xã hội, không thể tổ chức các hội nghị tuyên truyền về phát triển người tham gia bảo hiểm tự nguyện, không thể tổ chức lễ ra quân tuyên truyền về phát triển bảo hiểm xã hội tự nguyện, Bảo hiểm xã hội thành phố đã phối hợp với Bưu điện Hà Nội thực hiện linh hoạt nhiều giải pháp.
Tại những vùng thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-Ttg của Thủ tướng Chính phủ, nhân viên đại lý thu bưu điện gọi điện thoại tư vấn tới những người dân chưa thực hiện thủ tục gia hạn bảo hiểm xã hội tự nguyện, chưa gia hạn thẻ bảo hiểm y tế hộ gia đình; đồng thời hướng dẫn người dân nộp tiền tham gia bảo hiểm thông qua cổng dịch vụ công quốc gia, dịch vụ trực tuyến Ebanking của các ngân hàng BIDV, MB, Vietcombank.
Đối với những vùng thực hiện theo Chỉ thị 15/CT-Ttg của Chính phủ, nhân viên đại lý thu bưu điện ngoài việc gọi điện, nhắn tin cho người dân còn tổ chức hội nghị khách hàng theo nhóm nhỏ hoặc tư vấn 1-1 để vận động người dân tham gia.
Theo ông Nguyễn Đức Hòa, Giám đốc Bảo hiểm xã hội thành phố Hà Nội, ngày 21/9, ngay sau khi thành phố dỡ bỏ giãn cách xã hội, Bảo hiểm xã hội thành phố đã tổ chức hội nghị giao ban trực tuyến với các đơn vị về triển khai một số nhiệm vụ trọng tâm 3 tháng cuối năm.
Bảo hiểm xã hội thành phố yêu cầu, các bộ phận chuyên môn, bảo hiểm xã hội quận, huyện phải tăng tốc vào cuộc thực hiện nhiệm vụ đảm bảo số thu theo quy định; tập trung phát triển đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội, nhất là bảo hiểm xã hội tự nguyện.
Ngành Bảo hiểm xã hội phân công cán bộ phối hợp chặt chẽ với các đại lý thu bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế bám sát cơ sở, “đi từng ngõ, vào từng nhà, rà từng trường hợp;” kiên trì vận động người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, bảo hiểm y tế hộ gia đình; giải quyết tốt các chính sách về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế cho người tham gia.
Ông Nguyễn Đức Hòa nhấn mạnh thêm do ảnh hưởng của dịch COVID-19, nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn về sản xuất, kinh doanh khiến nhiều người lao động phải tạm hoãn, chấm dứt hợp đồng lao động, dẫn tới nhiều người lao động hoang mang chưa biết làm thế nào để duy trì việc tham gia bảo hiểm xã hội.
Chính vì vậy, người dân cần đến cơ quan bảo hiểm xã hội nơi cư trú để được tư vấn, hỗ trợ. “Việc lựa chọn tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện là quyết định hợp lý mà người lao động đã nghỉ việc, người làm việc tự do không theo hợp đồng lao động cần quyết định ngay lúc này để đảm bảo quyền lợi về lâu dài,” ông Nguyễn Đức Hòa khuyến nghị./.