Hà Nội vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm sinh kế cho dân

Mặc dù dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, nhưng thành phố đã quy định cụ thể từng loại hình, lĩnh vực, cách thức hoạt động bảo đảm an toàn để duy trì sản xuất, kinh doanh.
Hà Nội vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm sinh kế cho dân ảnh 1Lực lượng chức năng phường Lý Thái Tổ (quận Hoàn Kiếm) vận chuyển mỳ tôm và trứng hỗ trợ các hộ trong khu vực phong tỏa tạm thời. (Ảnh: Minh Quyết/TTXVN)

Trước tình hình dịch COVID-19 đang diễn biến phức tạp trên địa bàn, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng khẳng định thành phố đã chủ động áp dụng biện pháp mạnh nhằm tận dụng tối đa "thời điểm vàng" ngăn không cho số ca mắc mới tăng lên.

Mặc dù dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu, nhưng thành phố đã quy định cụ thể từng loại hình, lĩnh vực, cách thức hoạt động bảo đảm an toàn để duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế. Đây cũng là điểm riêng thể hiện sự chủ động, linh hoạt của thành phố trong vận dụng một số biện pháp theo Chỉ thị 16/CT-TTg.

Tận dụng tối đa "thời điểm vàng" để chặn dịch lây lan

Hiện, trên địa bàn Hà Nội xuất hiện nhiều ca mắc mới trong cộng đồng, trong đó có một số ca chưa xác định được nguồn lây.

Không giống các chủng virus SARS-CoV-2 trước đây, cơ quan y tế khẳng định chủng mới Delta có khả năng lây nhiễm rất nhanh. Theo đó, Hà Nội cần có giải pháp mạnh để tận dụng tối đa "thời điểm vàng", quyết tâm chặn đứng dịch lây lan diện rộng.

Thường trực Thành ủy Hà Nội đã giao Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố chỉ đạo quyết định thực hiện một số biện pháp theo Chỉ thị số 16. Chiều 18/7, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân thành phố đã ban hành Công điện số 15/CĐ-CTUBND cụ thể hóa tinh thần này nhằm tăng cường các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh trên cả nước.

[Lượng khách đến siêu thị tăng sau khi Hà Nội siết chặt phòng dịch]

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng nêu rõ mặc dù công điện yêu cầu dừng tất cả hoạt động kinh doanh dịch vụ không thiết yếu nhưng đã quy định cụ thể từng loại hình, lĩnh vực, cách thức hoạt động bảo đảm an toàn nhằm duy trì sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế, bảo đảm sinh kế cho dân. Đây cũng là điểm riêng thể hiện sự chủ động, linh hoạt của thành phố trong vận dụng một số biện pháp theo Chỉ thị 16.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng kêu gọi người dân thành phố tiếp tục đoàn kết, chung sức, chung lòng, ủng hộ và thực hiện nghiêm các biện pháp mới mà thành phố áp dụng, nhất là không tụ tập đông người; chỉ ra đường khi thực sự cần thiết và tuân thủ Thông điệp "5K" của Bộ Y tế khi bắt buộc phải đi ra ngoài.

"Mọi chủ trương, biện pháp nếu không có sự đồng lòng, chấp hành từ người dân sẽ không có hiệu quả," Bí thư Thành ủy Hà Nội nhấn mạnh.

Hà Nội vừa phòng, chống dịch, vừa bảo đảm sinh kế cho dân ảnh 2Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng. (Ảnh: Văn Điệp/TTXVN)

Bí thư Thành ủy Hà Nội đề nghị cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ chủ chốt các cấp và đảng viên toàn Đảng bộ thành phố nêu cao ý thức trách nhiệm; bản thân và gia đình phải là những tấm gương, đi đầu trong thực hiện nghiêm, thực hiện đúng và thực hiện đều các biện pháp phòng, chống dịch. Mỗi đồng chí, mỗi gia đình cán bộ, đảng viên phải trở thành "điểm sáng" lan tỏa tinh thần đoàn kết, ý chí quyết tâm vượt qua khó khăn, đẩy lùi và chiến thắng dịch bệnh.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng tiếp tục yêu cầu cán bộ, chiến sỹ công an, quân đội, y bác sỹ làm nhiệm vụ tuyến đầu; các cán bộ tham gia Ban Chỉ đạo phòng, chống COVID-19 các cấp; các tổ COVID cộng đồng... tiếp tục phát huy thành tích, kinh nghiệm thời gian qua, nỗ lực hoàn thành mọi công việc được giao; tạo thành lá chắn vững chắc cho thành phố.

Xây dựng phương án tổ chức 1.200 dây chuyền tiêm vaccine

Về giải pháp lâu dài, mang tính quyết định để đẩy lùi dịch COVID-19, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu Ban Cán sự đảng Ủy ban Nhân dân thành phố Hà Nội chỉ đạo ngành Y tế thành phố chuẩn bị sẵn sàng các phương án tiếp nhận và sử dụng kịp thời, hiệu quả cao nhất khi được Chính phủ phân bổ vaccine. Trong đó, có việc xây dựng các phương án tổ chức các điểm tiêm chủng cố định và lưu động trên toàn địa bàn thành phố với tổng số 1.200 dây chuyền tiêm và 100 tổ cấp cứu lưu động tham gia ứng trực xử lý các tình huống bất thường sau tiêm.

Đồng thời, các cấp, ngành đẩy mạnh tuyên truyền sâu rộng để người dân nắm rõ và đăng ký tiêm chủng qua chính quyền cơ sở hoặc trên ứng dụng "Sổ sức khỏe điện tử" (đường link https://hssk.kcb.vn/#/sskdt).

Bên cạnh đó, để bảo đảm an toàn, sức khỏe cho người dân, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng yêu cầu tất cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Theo đó, người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cán bộ chủ chốt toàn thành phố phải nắm bắt ngay yêu cầu mới, bám sát địa bàn phụ trách, triển khai tổ chức thực hiện hiệu quả đến từng người dân.

Lưu ý một số biện pháp các cấp, ngành cần tập trung thực hiện trong những ngày tới, Bí thư Thành ủy Hà Nội yêu cầu phải làm tốt hơn nữa công tác tuyên truyền khơi dậy phong trào toàn dân, toàn diện phòng, chống dịch COVID-19; tuyên truyền để người dân bình tĩnh, không chủ quan, lơ là chống dịch, nhưng cũng không hoang mang, lo sợ thái quá.

Người dân không nên mua gom hàng hóa, chỉ cần mua đủ dùng vì các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng tiện ích, chợ dân sinh vẫn được phép hoạt động và thành phố đã tăng từ 30-50% lượng hàng thiết yếu phục vụ người dân.

Cấp ủy, chính quyền phải kích hoạt các tổ công tác phòng, chống COVID-19, nòng cốt là lực lượng công an để tăng cường kiểm tra, giám sát vừa chấn chỉnh những biểu hiện chủ quan, lơ là; vừa phát hiện, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định phòng, chống dịch kết hợp với truyền thông rộng rãi để giáo dục, răn đe.

Bí thư Thành ủy Đinh Tiến Dũng cũng nhắc nhở phải chuẩn bị ngay các phương án kỹ thuật, quy mô các điểm cách ly cho các tình huống dịch phức tạp hơn. Các cấp, ngành chủ động "4 tại chỗ" chuẩn bị trước mọi điều kiện cần thiết nếu dịch diễn biến xấu.

Ngày 20/7, Kỳ họp thứ nhất Quốc hội khóa XV sẽ khai mạc. Khẳng định đây là sự kiện chính trị quan trọng của Quốc hội và đất nước, trong đó Hà Nội tự hào là nơi diễn ra, Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng đề nghị các cấp ủy Đảng từ thành phố đến cơ sở phải tập trung lãnh đạo, chỉ đạo bảo đảm thực hiện hiệu quả cao công tác phòng, chống dịch COVID-19, qua đó bảo đảm an toàn cho kỳ họp.

Các cơ quan chức năng thành phố phối hợp chặt chẽ và chuẩn bị sẵn sàng các phương án, kịch bản ứng phó với mọi tình huống, bảo đảm tuyệt đối an ninh, an toàn trước, trong và sau kỳ họp.

Trước mắt, các cơ quan chức năng thành phố phối hợp để thực hiện xét nghiệm COVID-19 cho toàn bộ đại biểu Quốc hội và các lực lượng tham gia tổ chức phục vụ; tiến hành khử khuẩn, bố trí lực lượng y tế ứng trực tại nơi tổ chức họp Quốc hội và các địa điểm khách sạn nơi đại biểu lưu trú.

Bí thư Thành ủy Hà Nội Đinh Tiến Dũng tin tưởng với giải pháp mạnh mẽ, kịp thời cùng sự chung sức, chung lòng của cán bộ và nhân dân, Hà Nội sẽ sớm khống chế đà lây lan của dịch, bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng nhân dân, thực hiện tốt "mục tiêu kép," tạo đà đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Nghị quyết Đại hội lần thứ XVII Đảng bộ thành phố./.

Dù thành phố Hà Nội đã có Công điện số 15 yêu cầu người dân nếu không có việc cấp bách không ra khỏi nhà, song ghi nhận của phóng viên tại tuyến phố Phạm Ngọc Thạch thời điểm 9 giờ sáng vẫn khá đông đúc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Dù thành phố Hà Nội đã có Công điện số 15 yêu cầu người dân nếu không có việc cấp bách không ra khỏi nhà, song ghi nhận của phóng viên tại tuyến phố Phạm Ngọc Thạch thời điểm 9 giờ sáng vẫn khá đông đúc. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một số tuyến phố khác thời điểm 9 giờ sáng vẫn tấp nập xe cộ qua lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một số tuyến phố khác thời điểm 9 giờ sáng vẫn tấp nập xe cộ qua lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Rất đông các phương tiện lưu thông trên đường như ngày bình thường. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Rất đông các phương tiện lưu thông trên đường như ngày bình thường. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngã tư Thái Hà-Chùa Bộc vẫn đông người đi lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Ngã tư Thái Hà-Chùa Bộc vẫn đông người đi lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thậm chí, một số người dân còn không tuân thủ nguyên tắc 5K khi đeo khẩu trang không đúng quy cách khi ra ngoài. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thậm chí, một số người dân còn không tuân thủ nguyên tắc 5K khi đeo khẩu trang không đúng quy cách khi ra ngoài. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trong khi đó, ghi nhận trong sáng 19/7, hàng loạt các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu đã đóng cửa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Trong khi đó, ghi nhận trong sáng 19/7, hàng loạt các cửa hàng kinh doanh các mặt hàng không thiết yếu đã đóng cửa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cảnh vắng lặng trên phố Chùa Bộc, một trong những con phố buôn bán thời trang sầm uất nhất Thủ đô. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cảnh vắng lặng trên phố Chùa Bộc, một trong những con phố buôn bán thời trang sầm uất nhất Thủ đô. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các cửa hàng kinh doanh đồ điện tử cũng phải tạm ngưng kinh doanh, nhiều cửa hàng đã chuyển sang bán trực tuyến cho khách hàng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các cửa hàng kinh doanh đồ điện tử cũng phải tạm ngưng kinh doanh, nhiều cửa hàng đã chuyển sang bán trực tuyến cho khách hàng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các cửa hàng đồ điện tử trên phố Thái Hà. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Các cửa hàng đồ điện tử trên phố Thái Hà. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Lực lượng chức năng cũng tiến hành ra quân nhắc nhở các cửa hàng thực hiện nghiêm quy định của thành phố. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Lực lượng chức năng cũng tiến hành ra quân nhắc nhở các cửa hàng thực hiện nghiêm quy định của thành phố. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu vẫn cố mở cửa sẽ bị nhắc nhở và xử phạt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Nhiều cửa hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu vẫn cố mở cửa sẽ bị nhắc nhở và xử phạt. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tại chợ Kim Liên, người dân muốn mua hàng phải tiến hành đo thân nhiệt khử khuẩn mới được vào bên trong. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Tại chợ Kim Liên, người dân muốn mua hàng phải tiến hành đo thân nhiệt khử khuẩn mới được vào bên trong. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khu vực chợ hiện tại cũng không hoạt động hết công suất khi nhiều quầy hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu phải đóng cửa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Khu vực chợ hiện tại cũng không hoạt động hết công suất khi nhiều quầy hàng kinh doanh mặt hàng không thiết yếu phải đóng cửa. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Với công điện số 15, người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, các dịch vụ không thiết yếu phải tạm dừng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Với công điện số 15, người dân chỉ ra ngoài khi thực sự cần thiết, các dịch vụ không thiết yếu phải tạm dừng. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cùng với đó, người dân phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Cùng với đó, người dân phải thực hiện nghiêm thông điệp 5K, giữ khoảng cách tối thiểu 2m khi giao tiếp; không tụ tập quá 5 người ngoài phạm vi công sở, trường học, bệnh viện. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thế nhưng, trên phố Huế, vẫn có một số cửa hàng vẫn mở cửa dù không kinh doanh mặt hàng, dịch vụ thiết yếu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Thế nhưng, trên phố Huế, vẫn có một số cửa hàng vẫn mở cửa dù không kinh doanh mặt hàng, dịch vụ thiết yếu. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một số cửa hàng đã dán thông báo tạm dừng hoạt động cho đến khi được phép mở cửa trở lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)
Một số cửa hàng đã dán thông báo tạm dừng hoạt động cho đến khi được phép mở cửa trở lại. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục