Hàn Quốc từng bước lấy lại quyền chỉ huy tác chiến thời chiến

Hàn Quốc đang tiến dần tới việc giành lại quyền chỉ huy tác chiến thời chiến khi lãnh đạo Mỹ-Hàn nhất trí bắt đầu các cuộc tham vấn về việc Seoul sở hữu các loại khí tài do thám quân sự tân tiến.
Hàn Quốc từng bước lấy lại quyền chỉ huy tác chiến thời chiến ảnh 1Các binh sỹ Hàn Quốc tham gia diễn tập. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Với việc lãnh đạo cấp cao nhất của Hàn Quốc và Mỹ ngày 7/11 nhất trí bắt đầu ngay các cuộc tham vấn về việc Seoul sở hữu và phát triển các loại khí tài do thám quân sự tân tiến, Hàn Quốc đang tiến dần tới việc giành lại quyền chỉ huy tác chiến thời chiến hiện nằm trong tay Mỹ.

Thỏa thuận về thương vụ vũ khí giữa Hàn Quốc và Mỹ đạt được trong bối cảnh các mối đe dọa từ phía Triều Tiên đang gia tăng và Hàn Quốc phải tự tăng cường khả năng phòng vệ của mình. Hàn Quốc mong muốn phát triển các loại vệ tinh do thám để theo dõi các hoạt động hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên và đang nghiên cứu khả năng phát triển tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân.

Mỹ chưa bao giờ bán các loại khí tài này cho nước ngoài và điều này có nghĩa là Hàn Quốc có thể sẽ phải tìm cách có được thông qua việc chuyển giao công nghệ hay dạng hợp tác khác với Mỹ.

Hàn Quốc đã chi hơn 36.000 tỷ won (tương đương 32 tỷ USD) để mua các loại vũ khí của Mỹ trong thập kỷ qua. Các loại vũ khí này bao gồm 4 máy bay không người lái RQ-4 và 40 máy bay chiến đấu F-35 có khả năng tàng hình.

Danh sách các loại vũ khí mà Hàn Quốc muốn mua bao gồm hệ thống radar giám sát và tấn công mục tiêu (JSTARS), tên lửa đánh chặn SM-3 lắp đặt trên tàu, máy bay tuần tiễu biển P-8A và thêm 20 F-35 nữa./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục