Hàn Quốc vẫn lệ thuộc phần lớn vào điện than và điện hạt nhân

Hơn 70% sản lượng điện của Hàn Quốc là từ các nhà máy nhiệt điện than đá và nhà máy điện hạt nhân, đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy quốc gia này cần thúc đẩy hơn nữa nguồn năng lượng tái tạo.
Hàn Quốc vẫn lệ thuộc phần lớn vào điện than và điện hạt nhân ảnh 1Nhà máy điện hạt nhân Hanbit của Hàn Quốc. (Ảnh: KHNP)

Theo báo cáo của tập đoàn năng lượng BP (Anh), các nhà máy nhiệt điện than đá và nhà máy điện hạt nhân đang đóng góp hơn 70% sản lượng điện của Hàn Quốc.

Đây là dấu hiệu rõ ràng cho thấy quốc gia này cần thúc đẩy hơn nữa nguồn năng lượng tái tạo.

Theo BP, thị phần của các nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện than trong tổng sản lượng điện của Hàn Quốc lần lượt là 26% và 46,2%, cao hơn so với tỷ lệ trung bình tương ứng 17,8% và 27,2% của các nước thuộc Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD).

Năm ngoái, năng lượng tái tạo chỉ chiếm 2,8% tổng sản lượng điện của Hàn Quốc, thấp hơn nhiều so với mức trung bình 12,2% của các nước OECD.

[Giá cả nhiều mặt hàng tại Hàn Quốc tăng cao do nắng nóng kéo dài]

Seoul đang đặt mục tiêu nâng tỷ lệ đóng góp của năng lượng tái tạo vào tổng sản lượng điện lên 20% vào năm 2030.

Hàn Quốc đã đóng cửa nhà máy điện hạt nhân lâu đời nhất nước này như một phần trong chính sách thúc đẩy ngành năng lượng tái tạo và thu hẹp các nhà máy điện hạt nhân và nhiệt điện than đá.

Hiện, Hàn Quốc có 24 lò phản ứng hạt nhân.

Ngân hàng trung ương Hàn Quốc (BoK) cho biết, tăng trưởng kinh tế của nước này đã giảm nhẹ trong quý 2/2018 so với quý trước chủ yếu do đầu tư vào lĩnh vực xây dựng và hạ tầng giảm sút trong bối cảnh các động thái bảo hộ thương mại của Mỹ làm gia tăng quan ngại về thương mại toàn cầu.

Trong quý 2/2018, nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này đã tăng 0,7%, thấp hơn mức tăng 1% trong quý I/2018, nhưng lại tăng 2,9% so với cùng kỳ năm trước.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm kinh tế Hàn Quốc tăng 2,85%, thấp hơn chút ít so với mục tiêu 2,9% mà BoK đưa ra đầu tháng này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục