Hành trình 'Về Nguồn -2 trong 1' để phấn đấu, cống hiến nhiều hơn

Làng Sen quê Bác: 'Địa chỉ đỏ' trong tim 93 triệu người Việt

Ngày 16/5, Báo Điện tử VietnamPlus đã tổ chức hành trình Về Nguồn thăm “làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha”-nơi Bác Hồ đã cất tiếng khóc chào đời và sống quãng đời ấu thơ bên gia đình.
Tập thể ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên Báo điện tử VietnamPlus chụp ảnh lưu niệm trước ngôi nhà của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở làng Sen. (Ảnh: Nguyễn An/Vietnam+)
Tập thể ban lãnh đạo và cán bộ nhân viên Báo điện tử VietnamPlus chụp ảnh lưu niệm trước ngôi nhà của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc ở làng Sen. (Ảnh: Nguyễn An/Vietnam+)

Hòa chung không khí cả nước kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, 95 năm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam (21/6/1925-21/6/2020), trong hai ngày 16 và 17/5, tập thể Báo Điện tử VietnamPlus (Thông tấn xã Việt Nam) tổ chức chuyến hành trình ''Về Nguồn 2 trong 1” thăm quê Bác tại huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và thăm quê hương nhà báo Trần Kim Xuyến tại Hương Sơn, Hà Tĩnh- (người có công trực tiếp xây dựng Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam), liệt sĩ đầu tiên của nền báo chí cách mạng Việt Nam đã hy sinh vì Tổ quốc.

Bài 1: Làng Sen quê Bác: 'Địa chỉ đỏ' trong tim 93 triệu người Việt

“Đi khắp phương trời vẫn nhớ tới quê hương/ Người về đây thăm làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha/ Xúc động bồi hồi người rơi giọt lệ/ Thương mái nhà tranh thương đất mẹ nghèo…” những ca từ trong bài hát “Người về thăm quê” do nghệ sỹ nhân dân Thu Hiền cất lên ngay trên chiếc xe chở 43 thành viên Báo Điện tử VietnamPlus hướng "Về Nguồn” với cảm xúc, sâu lắng và da diết...

Chuyến "Về Nguồn” xúc động

Chiều 16/5, ngay khi đặt chân đến Di tích Lịch sử Khu Lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại xã Kim Liên, đoàn Báo Điện tử VietnamPlus đã đến dâng hoa, thắp nén hương thơm tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh; thăm quan “làng Trù quê mẹ và làng Sen quê cha” - nơi Bác Hồ đã cất tiếng khóc chào đời và sống quãng đời ấu thơ bên gia đình.

Kim Liên những ngày này trời trong xanh vời vợi. Dẫu nắng nóng nhưng nhiều đoàn xe chở người dân ở khắp mọi miền trên khắp đất nước Việt Nam vẫn hướng “về nguồn” tưởng nhớ, bày tỏ lòng biết ơn. Trong dòng chảy tri ân ấy, có ân tình của những người con xứ Nghệ xa quê lâu ngày trở về.

Đến thăm nơi đây, ngoài khung cảnh thanh bình của những mảnh vườn nhỏ với đủ loại cây, trái xum xuê (gồm nhãn, cau, chuối, mít, lạc...), những mái nhà tranh thấp thoáng dưới bóng lũy tre, ngào ngạt hương sắc sen hồng tỏa ra từ phía ao làng quyện vào hương lúa ngày mùa và làn điệu dân ca xứ Nghệ,… nhữngvị khách lạ còn được nghe thuyết minh chia sẻ những câu chuyện về thời thơ ấu của Bác Hồ bên những người thân yêu; những hy sinh, mất mát mà Bác đã phải trải qua từ lúc sinh ra cho tới lúc trở về thăm quê hương mình.

Tất cả đều gợi lên trong sâu thẳm trái tim mỗi người niềm xúc động, tự hào trước một cuộc đời giản dị, một nhân cách vĩ đại, một tấm gương sáng ngời về ý chí đã làm thay đổi vận mệnh của một quốc gia, dân tộc.

[Giữ gìn và phát triển khúc hát dân ca ví, giặm trên quê Bác]

Tại “làng Sen quê cha” hiện vẫn lưu giữ những khung cảnh, hiện vật gắn với cuộc sống, sinh hoạt bình dị. Đó là ngôi nhà tranh của cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc, thân sinh của Bác Hồ, ngôi nhà do chính nhân dân làng Sen cùng nhau xây dựng, làm quà mừng nhân dịp cụ đỗ Phó Bảng khoa thi Hội năm 1901.

Trong căn nhà ba gian này còn lưu giữ nhiều hiện vật có giá trị lịch sử như hai bộ phản gỗ, chiếc giường, rương đựng lương thực, chiếc tủ đứng hai ngăn đựng đồ dùng, mâm bằng gỗ sơn đen… gắn bó với một thời thơ ấu của Bác, khiến bất cứ du khách nào đến thăm cũng có cảm giác gần gũi, thân thương và xúc động.

Làng Sen quê Bác: 'Địa chỉ đỏ' trong tim 93 triệu người Việt ảnh 1Nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo Điện tử VietnamPlus thắp hương tại Nhà tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh tại làng Sen. (Ảnh: Nguyễn An/Vietnam+)

Ở “làng Trù quê mẹ,” Bác đã trải qua một tuổi thơ êm đềm trong sự giáo dục nghiêm cẩn của người cha (cụ Nguyễn Sinh Sắc) và tình yêu thương cũng như đức hy sinh cao cả của mẹ. Đó là cụ Hoàng Thị Loan, một người mẹ tảo tần, hiền hậu, mẫu mực và vĩ đại, đã hết lòng vì chồng vì con. Dù vất vả trăm bề vì cuộc mưu sinh, nhưng cụ vẫn toàn tâm lo chồng ăn học thành tài, chăm cho từng con nhỏ…

Dẫu được bao bọc trong tình yêu thương, nhưng thuở niên thiếu và thanh niên của mình, Bác Hồ cũng đã chứng kiến nỗi khổ cực của đồng bào và những phong trào đấu tranh chống thực dân. Vì thế, Người đã sớm có chí đuổi thực dân, giành độc lập cho đất nước, đem lại tự do, hạnh phúc cho đồng bào…

Trở về “sáng mãi niềm tin”

Trong lịch sử thế giới và nhân loại yêu chuộng hòa bình ở thế kỷ XX và mãi mãi sau này, chưa có một lãnh tụ nào được người dân kính phục, yêu mến, nhắc nhớ và tôn vinh như Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong suốt hành trình đi tìm đường cứu nước đến khi vào cõi vĩnh hằng, Người chỉ có một khát vọng duy nhất “cơm áo cho nhân dân, hòa bình cho thế giới, tình yêu thương cho đồng bào, đồng chí và nhân loại.”

Có lẽ vì thế, trong suốt gần 2 giờ đồng hồ giới thiệu, giọng chị hướng dẫn viên tha thiết như điệu hò xứ Nghệ, trừu mến như khúc hát ru bên nôi, khiến các thành viên trong đoàn ai cũng xúc động. Những giọt nước mắt ân tình của mọi người đã nói lên tất cả. Bác Hồ, một nhân cách vĩ đại, một tấm gương sáng ngời để mọi thế hệ học tập và làm theo.

Làng Sen quê Bác: 'Địa chỉ đỏ' trong tim 93 triệu người Việt ảnh 2Tại làng Sen, đoàn được chị hướng dẫn viên giới thiệu về một thuở ấu thơ của Bác Hồ, mọi người ai cũng xúc động. (Ảnh: Nguyễn An/Vietnam+)

Để rồi sau chuyến "Về Nguồn” thăm quê Bác, mỗi người lại truyền nối cho thế hệ con cháu của mình về Chủ tịch Hồ Chí Minh như một sứ mệnh lịch sử của người Việt. Và lòng mỗi người lại trong sáng hơn, nhân văn và cố gắng nhiều hơn.

Chia sẻ về ý nghĩa của chuyến "Về Nguồn” đặc biệt này, nhà báo Trần Tiến Duẩn, Tổng Biên tập Báo điện tử VietnamPlus bày tỏ: Đã 51 năm trôi qua kể từ ngày Bác đi xa, nhưng người dân cả nước vẫn không nguôi tình cảm thương nhớ Bác. Nghĩ về vị lãnh tụ kính yêu của dân tộc, mỗi người dân Việt Nam lại dâng lên niềm tự hào, lòng tin tưởng về tương lai tươi sáng của đất nước.

Tiếp thu những lời Di huấn thiêng liêng của Người, những năm qua, chúng tôi, những người làm báo cũng tìm thấy từ trong “ánh lửa” trái tim mình sự trỗi dậy mạnh mẽ những cuộc đấu tranh bảo vệ lẽ phải, nỗ lực lao động và triển khai các cuộc vận động có sức lan tỏa lớn cùng cả nước, vì cả nước góp phần xứng đáng vào sự nghiệp bảo vệ, kiến thiết đất nước như Người vẫn hằng mong muốn.

Với từng thành viên Báo Điện tử VietnamPlus, hành trình về thăm quê Bác lần này còn là dịp để tỏ lòng tri ân sâu sắc đối với công lao to lớn vì dân, vì nước của Bác Hồ kính yêu; là động lực để đoàn viên, thanh niên tiếp tục phấn đấu, vươn tới những điều tốt đẹp trong cuộc sống, mãi khắc ghi lời dạy của Bác Hồ vĩ đại.

Trời Kim Liên về chiều lác đác những hạt mưa rơi, như nỗi niềm xúc động của hàng trăm vị khách lạ. Chúng tôi rời Làng Sen để tiếp tục đến với Hương Sơn - quê hương của nhà báo liệt sỹ Trần Kim Xuyến (người có công trực tiếp xây dựng Thông tấn xã Việt Nam và Đài Tiếng nói Việt Nam); và là nhà báo đầu tiên của nền báo chí cách mạng hy sinh vì Tổ quốc. Khi nghe tin nhà báo Trần Kim Xuyến hy sinh, Bác Hồ đã khóc./.

Làng Sen quê Bác: 'Địa chỉ đỏ' trong tim 93 triệu người Việt ảnh 3Dòng người nối nhau đến thăm làng Hoàng Trù quê ngoại, nơi Bác Hồ cất tiếng khóc chào đời. (Ảnh: PV/Vietnam+)

Bài 2: Về quê nhà báo Trần Kim Xuyến 'tiếp lửa' cho học sinh nghèo

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục