Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc: Thực hư về trọng lượng kinh tế

Để chính thức có hiệu lực, CAI phải vượt qua hai cửa ải quan trọng: Một là phải được Nghị viện châu Âu thông qua và hai là phải được tất cả 27 thành viên EU phê chuẩn.
Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc: Thực hư về trọng lượng kinh tế ảnh 1(Nguồn: athina984.gr)

Ngày 30/12/2020, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo “về nguyên tắc” đạt được Hiệp định đầu tư toàn diện (CAI) với Trung Quốc.

Thỏa thuận này bao gồm những gì? Vì sao châu Âu và Trung Quốc chạy đua với thời gian để có bằng được CAI cho dù đại đa số các thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã có một hiệp định song phương về đầu tư với Bắc Kinh?

Theo nhiều nhà phân tích, hiệp định đầu tư toàn diện giữa EU và Trung Quốc trước hết là một “thắng lợi về chính trị” của Bắc Kinh, nhưng tầm mức quan trọng về kinh tế thì “không nhiều."

Sau cuộc họp qua cầu truyền hình vào những ngày cuối cùng của năm 2020, Brussels và Bắc Kinh thông báo khép lại 35 vòng đàm phán trải dài trong 8 năm về một thỏa thuận bảo hộ đầu tư hai chiều.

Chủ tịch EC Ursula von der Leyen nhấn mạnh hiệp định đầu tư toàn diện - CAI “cho phép các nhà đầu tư châu Âu tham gia thị trường Trung Quốc ở mức độ quy mô chưa từng có.”

[Thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc: Kẻ thức thời mới là anh hùng?]

Pháp từng xem việc đòi hỏi Trung Quốc phê chuẩn công ước lao động quốc tế chống, lao động cưỡng bức là một “lằn ranh đỏ” nay đã phấn khởi cho rằng Bắc Kinh “nhượng bộ” dưới áp lực của châu Âu.

Ngoài ra, châu Âu lưu ý Chính quyền của ông Tập Cận Bình đã có những cam kết “mạnh mẽ” tuân thủ các chuẩn mực về môi trường của châu Âu và sẽ “minh bạch” trong chính sách trợ giá cho các doanh nghiệp…

Báo chí Trung Quốc thì nói đến một “thỏa thuận với quy mô lớn chưa từng thấy."

Điểm cộng cho EU

Theo bài viết đăng trên The Straits Times, trong nhiều thập kỷ qua, các nước thành viên EU đã xây dựng quan hệ kinh doanh với Trung Quốc thông qua một loạt thỏa thuận thương mại song phương.

Điều này không chỉ dẫn đến một loạt dàn xếp với nhiều điểm khác biệt, mà còn khiến Bắc Kinh có thể dễ dàng xoa dịu từng chính phủ EU bằng cách mang lại lợi ích cho một nhóm công ty nhất định của họ trong khi tiếp tục ngăn chặn các nước thành viên khác tiếp cận những lĩnh vực có sức hút tiềm tàng.

[Thỏa thuận đầu tư EU-Trung Quốc: Kẻ thức thời mới là anh hùng?]

Do đó, Ủy ban châu Âu (EC), cơ quan điều hành EU, đã đúng khi lập luận rằng kế hoạch thay thế 25 thỏa thuận song phương hiện có bằng CAI là một biểu hiện của sức mạnh chứ không phải sự yếu kém của châu Âu như cáo buộc của một số người chỉ trích thỏa thuận này.

Một khi CAI có hiệu lực, Bắc Kinh sẽ mất đi phần nào khả năng triển khai các chiến lược đàm phán “chia để trị” ở châu Âu. Và khi hoạt động ở Trung Quốc, công ty nhỏ nhất từ quốc gia thành viên nhỏ nhất của EU cũng sẽ được hưởng quyền lợi tương tự như tập đoàn hùng mạnh nhất từ một nước chẳng hạn như Đức.

Do đó, EC lập luận rằng thay vì họ phải đưa ra những nhượng bộ đáng kể với Trung Quốc, Trung Quốc mới là nước phải nhượng bộ nhiều với châu Âu.

Các quan chức EU coi hiệp định đầu tư này là một nỗ lực tương đối hạn chế nhằm xoa dịu quan hệ thương mại với Trung Quốc mà không tạo ra những tác động địa chính trị đáng kể.

Hiệp định này nhận được sự ủng hộ mạnh mẽ của các công ty châu Âu đang đầu tư vào Trung Quốc, vì nó sẽ dỡ bỏ những yêu cầu buộc các nhà đầu tư phải hoạt động thông qua hình thức liên doanh với các đối tác Trung Quốc và do đó buộc họ phải chia sẻ công nghệ nhạy cảm.

Hiệp định này cũng sẽ mở cửa thị trường tài chính và y tế của Trung Quốc cho các công ty EU.

Và chẳng những không né tránh những vấn đề chính trị nhạy cảm, các nhà đàm phán EU còn tuyên bố đã nhận được những nhượng bộ chính trị quan trọng từ Bắc Kinh.

Văn bản CAI đề cập đến sự cần thiết phải duy trì các tiêu chuẩn về lao động, trong đó có việc xóa bỏ tình trạng cưỡng ép lao động.

Chủ tịch EC - bà Ursula von der Leyen - nói: “Hiệp định này sẽ bảo vệ lợi ích và thúc đẩy các giá trị cốt lõi của chúng ta. Nó mang đến cho chúng ta đòn bẩy để xóa bỏ tình trạng cưỡng ép lao động.”

Trọng lượng kinh tế của CAI

Truyền thông Pháp lưu ý rằng đã hơn 10 ngày sau khi thông báo về kết quả CAI, toàn bộ nội dung thỏa thuận vẫn chưa được phổ biến rộng rãi.

Nhà nghiên cứu Philippe Le Corre trường Harvard Kennedy School ghi nhận “trên giấy tờ Trung Quốc đồng ý mở rộng thị trường nội địa cho các nhà đầu tư châu Âu trong các lĩnh vực như là dịch vụ tài chính, bệnh viện tư và kể cả về việc quản lý dữ liệu.”

Bên cạnh đó, thông cáo chính thức của EC về hiệp định đầu tư với Trung Quốc cũng cho thấy CAI không giới hạn ở lĩnh vực đầu tư mà còn trực tiếp ảnh hưởng đến từ công nghệ sản xuất xe điện, công nghiệp hóa chất, đến lĩnh vực trang thiết bị viễn thông và các nhà cung cấp dụng cụ  y tế...

Brussels bày tỏ sự hài lòng do trong tất cả những lĩnh vực này, Bắc Kinh “hứa đối xử công bằng” với các hãng của châu Âu.

Báo Le Monde lưu ý rằng Trung Quốc không nêu cụ thể là sẽ mở cửa thị trường đến mức độ nào cho các đối tác châu Âu. Ở chiều ngược lại Brussels ghi rõ sẽ dành 5% thị phần nội địa cho các “công ty Trung Quốc trong ngành năng lượng tái tạo."

Tác giả bài báo đăng trên Le Monde gián tiếp cho rằng châu Âu đã đổi “một cam kết cụ thể để nhận được một lời hứa suông.”

Vấn đề đặt ra là CAI do liên hệ đến nhiều ngành nghề sẽ tác động lâu dài đến chiến lược phát triển và kể cả đến vấn đề an ninh của 27 thành viên EU. Một cách cụ thể Trung Quốc đã nhượng bộ châu Âu trên những điểm nào để đổi lấy một “thỏa thuận về nguyên tắc” với Brussels?

Chuyên gia về Trung Quốc Valérie Niquet thuộc Quỹ nghiên cứu chiến lược của Pháp - FRS trên đài truyền hình tư nhân BFM phân tích, rốt cuộc thì Trung Quốc không cam kết gì nhiều và nhất là đã tránh động chạm đến những vấn đề gắn liền với các quyền lợi cốt lõi của Bắc Kinh.

Chẳng hạn như trong việc giải quyết tranh chấp khi cần, hay phải trừng phạt những bên không tôn trọng các quy tắc đã thông qua… Đây là điều rất khó thực hiện, do hệ thống luật pháp và hành chính của Trung Quốc khác hẳn so với của phương Tây mà Trung Quốc thì không chấp nhận các tiêu chuẩn của châu Âu hay Mỹ. Bắc Kinh theo đuổi một logic riêng mà logic đó thường mang nặng màu sắc chính trị.

Yếu tố chính trị nặng hơn kinh tế?

Chuyên gia Philippe Le Corre thuộc trường Harvard Kennedy School khi trả lời báo Le Figaro đã nhắc lại rằng thị trường châu Âu hiện đang mở rộng cửa cho các doanh nghiệp Trung Quốc, kể cả các tập đoàn nhà nước.

Trong khi đó cho dù đã gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) từ 2001, Trung Quốc vẫn còn đóng cửa nhiều lĩnh vực với các đối tác nước ngoài từ ngành xây dựng đến y tế hay giao thông vận tải.

Theo chuyên gia Valérie Niquet từ Quỹ nghiên cứu chiến lược Pháp, ít ra là bề ngoài, Trung Quốc có vẻ như đã vượt qua thử thách COVID-19 với nền kinh tế không bị ảnh hưởng quá lâu dài. Trung Quốc là một trong những nước có tỷ lệ tăng trưởng dương, các doanh nghiệp nước này đã sản xuất trở lại như trước và tiêu thụ nội địa bắt đầu khởi sắc trở lại. Cách Bắc Kinh giải quyết có vẻ đi theo hướng tốt, đặc biệt là nếu như chúng ta so sánh trường hợp của Trung Quốc với các siêu cường phương Tây.

Hiệp định đầu tư EU-Trung Quốc: Thực hư về trọng lượng kinh tế ảnh 2Hàng hóa được xếp tại cảng ở Thâm Quyến, tỉnh Quảng Đông, Trung Quốc. (Ảnh: THX/TTXVN)

Dù vậy đại dịch COVID-19 lần này đã để lại nhiều tì vết. Cộng đồng quốc tế nhận thấy là đã quá phụ thuộc vào Trung Quốc. Hơn nữa, chính thái độ của Trung Quốc với phần còn lại của thế giới và cách cư xử của Bắc Kinh với các tập đoàn Trung Quốc đã khiến mọi người lo ngại.

Ví dụ như đối với Australia, bất chấp các thỏa thuận hợp tác thương mại, Bắc Kinh vẫn dùng mọi loại vũ khí, từ biện pháp cấm vận đến áp thuế… để gây áp lực với Canberra.

Trên thực tế, giao thương với Trung Quốc vẫn có sức hấp dẫn lớn, nhất là trong bối cảnh đại dịch hiện tại.

Ngược lại, với đại dịch COVID-19 nhiều người cũng ý thức được rằng, sự phụ thuộc quá lớn vào Trung Quốc là điều nguy hiểm và không còn ai “ngây thơ” trước đối tác này. Mọi người đều hết sức cẩn thận và điều này sẽ đọng lại một cách lâu dài trong tiềm thức của công luận, đặc biệt là đối với các nhà đầu tư nước ngoài muốn làm ăn tại Trung Quốc.

Vẫn theo nhà nghiên cứu Pháp Valérie Niquet, với CAI, EU và Trung Quốc theo đuổi hai mục tiêu khác nhau. Brussels mong muốn “tái cân bằng” quan hệ về kinh tế, thương mại, đầu tư với Bắc Kinh đồng thời giữ khoảng cách với “đồng minh Mỹ.”

Điều này giải thích được phần nào EU, dưới sự dẫn dắt của Thủ tướng Đức Angela Merkel, đã hối hả ký hiệp định dù chỉ là về mặt “nguyên tắc” với Trung Quốc.

Ngược lại về phía Bắc Kinh, CAI trước hết là một “thành tích chính trị” để chứng minh với Washington, đối thủ chính của Trung Quốc, rằng “người khổng lồ” châu Á này đã lôi kéo được một đồng minh quan trọng của Mỹ về phía mình bất chấp xung khắc trên nhiều hồ sơ.

Chính điểm này là một sai lầm của châu Âu cả với Trung Quốc lẫn Mỹ, như Philippe Béja, nguyên Giám đốc Trung tâm nghiên cứu khoa học quốc gia Pháp CNRS, giảng dạy tại trường Khoa học chính trị Sciences Po Paris cho biết: “Tôi hoàn toàn không thấy có yếu tố khẩn cấp nào để đặt bút ký vào một thỏa thuận được đàm phán từ 7 năm qua vào lúc mà một chính quyền mới ở Mỹ chuẩn bị lên cầm quyền. Thủ tướng Đức Angela Merkel sắp từ giã chính trường và bà muốn đem theo một thắng lợi quan trọng trước khi chia tay.”

Những vấn đề gây tranh cãi

Báo The Straits Times chỉ ra rằng hiệp định này không toàn diện như các nhà đàm phán EU miêu tả. Mục đích của CAI chỉ giới hạn ở đầu tư trực tiếp nước ngoài và không bao gồm các điều khoản về thương mại. Có một số điều khoản mới thú vị liên quan đến việc đảm bảo tính bền vững, bảo vệ môi trường và chống biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, việc cho rằng CAI mang đến cho các nhà đầu tư châu Âu cái gọi là “sân chơi bình đẳng” mà họ khao khát có được có thể chỉ là một sự cường điệu.

Các nhà đàm phán EU ca ngợi cam kết của Trung Quốc về việc xóa bỏ các khoản trợ cấp ngầm là một thành tựu nổi bật.

Tuy nhiên, Trung Quốc chỉ cam kết xóa bỏ trợ cấp ngầm trong lĩnh vực đầu tư chứ không phải trong ngành sản xuất, và đây lại chính là ngành đầu tư chủ yếu của châu Âu. Trợ cấp ngầm trong lĩnh vực sản xuất là khó nhận diện nhất.

Như Tiến sỹ Sari Arho Havren, chuyên gia Phần Lan về thương mại với Trung Quốc, đã chỉ ra, cần phải hiểu như thế nào về cam kết trong thỏa thuận đầu tư rằng “Trung Quốc sẽ đảm bảo các doanh nghiệp nhà nước hoạt động trên thị trường sẽ chỉ đưa ra quyết định sau khi có những cân nhắc về thương mại” khi đối chiếu cam kết này với tuyên bố của Chủ tịch Tập Cận Bình kêu gọi các quan chức Trung Quốc “củng cố và nâng cao vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản đối với các doanh nghiệp nhà nước để đưa họ trở thành lực lượng đáng tin cậy nhất của đảng”?

Câu hỏi này cũng dành cho cam kết của Trung Quốc về việc xóa bỏ tình trạng cưỡng ép lao động. Kể từ khi gia nhập WTO năm 2001, Trung Quốc cam kết sẽ nỗ lực thực hiện các tiêu chuẩn của tổ chức này.

Một cam kết tương tự cũng được đưa ra trong thỏa thuận mới nhất với EU. Như vậy, những gì Bắc Kinh hứa hẹn hôm nay cũng chính là cam kết của họ hàng thập kỷ qua.

Một nhân tố khiến tình hình thêm phức tạp là việc Trung Quốc bác bỏ cáo buộc rằng họ sử dụng lao động cưỡng ép. Nếu châu Âu tin vào lời phủ nhận này, thì họ đã không cần phải khăng khăng yêu cầu những điều khoản liên quan. Tuy nhiên, nếu họ không chấp nhận lời phủ nhận của Trung Quốc, thì trong tương lai Trung Quốc sẽ khó có thể thuyết phục châu Âu rằng tình trạng mà Bắc Kinh tuyên bố là không diễn ra nay đã chấm dứt.

Chuyên gia Valérie Niquet kết luận sẽ là một sai lầm lớn nếu nghĩ rằng hiệp định đầu tư CAI sẽ buộc Trung Quốc vào khuôn phép theo như ý muốn của châu Âu: “Tôi không tin rằng Trung Quốc sẽ đưa ra những cam kết cụ thể để thúc đẩy trở lại cỗ máy kinh tế toàn cầu cho dù Bắc Kinh cần kinh tế thế giới nhanh chóng phục hồi để tăng nhập khẩu hàng của Trung Quốc. Hơn nữa tới nay Trung Quốc lệ thuộc vào thế giới từ công nghệ đến đầu tư… và cả sức tiêu thụ của châu Âu hay Mỹ. Nhưng không vì thế mà Bắc Kinh chấp nhận cải tổ theo đòi hỏi của phương Tây."

Chuyên gia này cho rằng quan hệ với Trung Quốc sẽ luôn luôn là một cuộc đọ sức về tương quan lực lượng. Trung Quốc cần phương Tây trên một số điểm và sẽ chỉ ít nhiều nhượng bộ về những mặt đó. Sau cùng cho dù phương Tây đã nói rất nhiều đến chiến lược đưa các doanh nghiệp rời Trung Quốc để giảm mức độ lệ thuộc vào cường quốc châu Á này.

Nhưng thực tế cho thấy là trong rất nhiều các lĩnh vực, đặc biệt là trang thiết bị y tế, dịch COVID-19 là lực đẩy giúp củng cố thêm vị trí của Trung Quốc. Trung Quốc vẫn là nơi có thể sản xuất với giá rẻ do đã tạo dựng được chuỗi sản xuất vững vàng từ nhiều năm qua. Do đó, đến nay vẫn chưa có một quốc gia nào có thể thay thế nước này. Có điều, các nước khác cần suy nghĩ lại về sự lệ thuộc đó để từng bước thoát khỏi ảnh hưởng quá lớn của Bắc Kinh.

Hiệp định CAI theo bà Valérie Niquet không hơn không kém là một bằng chứng mới cho thấy “Bắc Kinh đang thắng thế trên tất cả mọi mặt trận”. Có một điều cần chú ý là, để chính thức có hiệu lực, Hiệp định Đầu tư Toàn diện EU-Trung Quốc còn phải vượt qua hai cửa ải quan trọng: Một là phải được Nghị viện châu Âu thông qua và hai là phải được tất cả 27 thành viên EU phê chuẩn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục