Hiệp ước gây quỹ 20 tỷ USD hỗ trợ Indonesia đạt các mục tiêu khí hậu

Thỏa thuận được ký giữa các nước Mỹ, Nhật Bản, Canada và 6 nước thành viên EU với Indonesia bên lề Hội nghị thượng đỉnh G20 được đánh giá là mô hình đối tác riêng lẻ lớn nhất từng được công bố.
Hiệp ước gây quỹ 20 tỷ USD hỗ trợ Indonesia đạt các mục tiêu khí hậu ảnh 1Tổng thống Indonesia Joko Widodo phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) ở Bali, ngày 15/11/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 15/11, các nước phát triển đã cam kết sẽ gây quỹ ít nhất 20 tỷ USD để hỗ trợ Indonesia dần từ bỏ than đá và đạt mục tiêu trung hòa khí carbon vào năm 2050, sớm hơn 10 năm so với dự kiến.

Theo thông báo từ Nhà Trắng, các nước Mỹ, Nhật Bản, Canada và 6 nước thành viên Liên minh châu Âu (EU) đã ký một thỏa thuận với Indonesia bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đang diễn ra ở Bali.

Thỏa thuận có tên gọi là Hiệp ước đối tác chuyển đổi năng lượng chính xác Indonesia (JETP), được đánh giá là mô hình hỗ trợ tài chính khí hậu hoặc mô hình đối tác riêng lẻ lớn nhất từng được công bố. Hiệp ước này đảm bảo quá trình chuyển đổi năng lượng phù hợp cho nền kinh tế còn phụ thuộc nhiều vào carbon của Indonesia.

JETP được hình thành dựa trên sáng kiến trị giá 8,5 tỷ USD hỗ trợ Nam Phi đẩy nhanh quá trình phi carbon hóa lĩnh vực năng lượng được triển khai tại Hội nghị lần thứ 26 Các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP26) ở Anh năm 2021, với sự tham gia của Mỹ, Anh và EU.

[[Infographics] Hội nghị thượng đỉnh G20 tập trung vào các vấn đề nóng]

Theo JETP, Indonesia cam kết sẽ đạt mục tiêu trung hòa khí thải carbon vào năm 2050 và tăng gần gấp đôi công suất năng lượng tái tạo vào năm 2030. Tổng thống Indonesia Joko Widodo đã hoan nghênh thỏa thuận trên như một mô hình có thể nhân rộng tại các quốc gia khác để thế giới đạt được các mục tiêu khí hậu toàn cầu.

Ông nêu rõ Indonesia cam kết dựa vào quá trình chuyển đổi năng lượng để đạt được mục tiêu trở thành nền kinh tế xanh, phát triển bền vững.

Các nhà tài trợ của thỏa thuận cho biết Jakarta đã cam kết chuyển đổi sang sử dụng năng lượng sạch để đổi lại sẽ nhận được hỗ trợ tài chính 10 tỷ USD cho lĩnh vực công và 10 tỷ USD vốn tư nhân trong 3-5 năm.

Các khoản hỗ trợ sẽ được cung cấp dưới các hình thức như tài trợ, các khoản vay ưu đãi, các khoản vay tính theo lãi suất thị trường, các khoản đảm bảo và đầu tư tư nhân.

Indonesia là quốc gia có diện tích rừng nhiệt đới lớn thứ 3 thế giới và cũng là một trong những khu vực có trữ lượng than đá lớn nhất thế giới./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục