Hiệu ứng địa chính trị của việc Trung Quốc gia nhập CPTPP

Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, đến năm 2030, thu nhập quốc dân của Trung Quốc có thể tăng thêm 298 tỷ USD, và các nước thành viên khác của CPTPP cũng được hưởng lợi, có thể tăng 632 tỷ USD.
Hiệu ứng địa chính trị của việc Trung Quốc gia nhập CPTPP ảnh 1

Theo báo Liên hợp buổi sáng, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị khu vực châu Á-Thái Bình Dương ngày càng trầm trọng, Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) có thể tăng cường kết nối Trung Quốc và các nước liên quan, trở thành nền tảng mới điều phối quan hệ địa lý châu Á-Thái Bình Dương.

Vừa qua, sau khi Mỹ, Anh và Australia thành lập liên minh an ninh AUKUS, hội nghị thượng đỉnh trực tiếp lần đầu tiên của cơ chế Đối thoại an ninh Bộ tứ (Quad), gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ, Australia, cũng đã được tổ chức tại Washington, Mỹ.

Tổng thống Joe Biden đã thể hiện rõ ý định thành lập các liên minh để ứng phó sự trỗi dậy của Trung Quốc. Tuy nhiên, so với xây dựng liên minh quân sự có thể dẫn đến phổ biến hạt nhân đe dọa an ninh khu vực, thậm chí làm trầm trọng cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực, việc mở rộng liên minh kinh tế và tham gia cạnh tranh kinh tế là phương thức cạnh tranh cùng có lợi và an toàn hơn.

Chạy đua vũ trang có thể làm trầm trọng thêm căng thẳng đối đầu và xa cách, trong khi cạnh tranh kinh tế sẽ mang lại sự hội nhập và kết nối nhiều hơn. Xây dựng quy tắc kinh tế thương mại đòi hỏi các bên liên quan đối thoại, thương lượng và đàm phán có chiều sâu.

Việc cạnh tranh về chính sách quốc gia và dự án kinh tế thương mại cụ thể cũng thúc đẩy các nước tăng cường đổi mới công nghệ, cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường kết nối hợp tác…

Điều này có tác dụng tích cực và bền vững hơn đối với các nước trong khu vực cần giải quyết những vấn đề như phát triển kinh tế, việc làm và nghèo đói…, phù hợp với lợi ích phát triển dài hạn của các bên và khu vực.

Vừa qua, Trung Quốc đã chính thức đệ đơn xin gia nhập CPTPP. Việc tuyên bố nộp đơn xin gia nhập một ngày sau khi Mỹ, Anh và Australia thành lập AUKUS, khiến cho động thái của Trung Quốc nhuốm màu sắc cạnh tranh địa chính trị ngay từ đầu.

Sau đó, việc vùng lãnh thổ Đài Loan (Trung Quốc) cũng tuyên bố nộp đơn xin gia nhập, và biểu hiện ủng hộ của Nhật Bản, Australia… càng làm đậm thêm màu sắc ý thức hệ của CPTPP.

Là một hiệp định kinh tế thương mại khu vực tiêu chuẩn cao, sự kiện Trung Quốc đệ đơn xin gia nhập sau khi Mỹ rút lui được truyền thông phương Tây lý giải phổ biến là Trung Quốc tìm cách phát triển quan hệ kinh tế thương mại với các đồng minh và đối tác của Mỹ, làm suy yếu biện pháp liên kết đồng minh cùng kiềm chế Trung Quốc của Mỹ.

Kênh đối thoại mới

Không thể phủ nhận, trong bối cảnh căng thẳng địa chính trị châu Á-Thái Bình Dương trầm trọng, CPTPP có thể tăng cường kết nối Trung Quốc và các nước liên quan. Từ đó, Trung Quốc có thể thực hiện cách tiếp cận lấy lợi ích chung về kinh tế thương mại giữa các nước trong khu vực để phòng ngừa rủi ro địa chính trị.

Hiện nay xét về mặt khách quan, tiêu chuẩn của CPTPP và Trung Quốc vẫn có khoảng cách, nên việc Trung Quốc gia nhập CPTPP cũng sẽ không “thuận buồm xuôi gió.” Mặc dù vậy, đệ đơn xin gia nhập CPTPP là cơ hội mới để Trung Quốc thúc đẩy cải cách sâu rộng bên trong.

[Ẩn ý đằng sau nguyện vọng gia nhập CPTPP của Trung Quốc?]

Muốn gia nhập CPTPP, Trung Quốc phải nhận được sự đồng ý của tất cả các nước thành viên. Trong bối cảnh quan hệ giữa Trung Quốc và một số nước thành viên liên quan như Nhật Bản, Australia, Canada… căng thẳng, việc Trung Quốc đệ đơn xin gia nhập sẽ mở ra một kênh mới để Trung Quốc đối thoại và phối hợp với các nước thành viên CPTPP. Đối thoại sẽ mở ra cánh cửa mới để xoa dịu căng thẳng quan hệ địa lý.

Giữa Mỹ và Trung Quốc không nhất thiết phải có một cuộc chiến tranh, khi phát biểu tại Đại hội đồng Liên hợp quốc vào tháng Chín, Tổng thống Mỹ Joe Biden cũng cho biết, không có ý định tiến hành Chiến tranh Lạnh với bất cứ nước nào. Các đồng minh của Mỹ như Canada, Australia, Nhật Bản… cũng có nhu cầu khá lớn đối với thị trường Trung Quốc, mối liên hệ kinh tế thương mại và văn hóa giữa các nước càng chặt chẽ sẽ khó chia cắt.

Sau khi nguyên thủ hai nước điện đàm và đạt được đồng thuận tăng cường kết nối, động thái Trung Quốc tích cực đệ đơn gia nhập CPTPP cũng đã chuyển đến thế giới thông điệp Trung Quốc mong muốn tiếp tục hướng đến CPTPP tiêu chuẩn cao trong thế kỷ XXI do Mỹ và các nước thành viên TPP cũ xây dựng, thể hiện sự tự tin và quyết tâm tiếp tục mở cửa của Trung Quốc với tư cách là cường quốc thương mại.

Đồng thời, việc Giám đốc tài chính của tập đoàn công nghệ Huawei Mạnh Vãn Châu đạt được thỏa thuận với Chính phủ Mỹ trở về nước thuận lợi sau gần 3 năm bị giam giữ cũng là một tín hiệu tích cực và sự kiện mang tính bước ngoặt. Rất có thể cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung sẽ bước sang một trang mới.

Nhiều số liệu trong hơn bốn năm bùng phát cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung cũng cho thấy Mỹ không đạt được mục tiêu kỳ vọng ban đầu. Theo số liệu thống kê liên quan của Forbes, từ năm 2018-2020, mức thuế của Mỹ đối với hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc đã tăng gần 6 lần.

Trong năm đầu tiên diễn ra cuộc chiến thương mại, có hơn 1.800 công ty con của Mỹ tuyên bố đóng cửa, trong khi các công ty đa quốc gia cũng không rời bỏ Trung Quốc với quy mô lớn.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn báo chí ngày 24/9, Bộ trưởng Thương mại Mỹ Gina Raimondo cho biết sẽ tìm cách cải thiện quan hệ kinh tế thương mại Mỹ-Trung, nhấn mạnh điều này có lợi đối với hai bên.

Bà Raimondo cho rằng với quy mô khổng lồ của thị trường Trung Quốc, Mỹ cần có trao đổi thương mại với Trung Quốc. Bà Raimondo nói: “Trên thực tế tôi cho rằng, quan hệ thương mại tích cực sẽ có lợi cho việc xoa dịu mọi căng thẳng tiềm tàng.”

Châu Á-Thái Bình Dương vẫn luôn là một mắt xích quan trọng trong chiến lược đối ngoại của Mỹ. Điều này thể hiện trong chiến lược “quay trở lại châu Á”, “tái cân bằng châu Á-Thái Bình Dương” dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama, đến “kế hoạch ổn định châu Á-Thái Bình Dương,” “chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump, rồi đến định hình lại chiến lược châu Á-Thái Bình Dương, xây dựng lại quan hệ đồng minh dưới thời ông Joe Biden.

Ý nghĩa của việc Mỹ quay lại CPTPP

Mặc dù Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki đã nói rõ trong cuộc họp báo gần đây rằng, Chính quyền của ông Joe Biden sẽ không gia nhập CPTPP, nhưng Mỹ gia nhập CPTPP phù hợp với lợi ích cơ bản của Mỹ ở châu Á-Thái Bình Dương.

Hiện nay Mỹ nói sẽ không quay lại CPTPP, nhưng không có nghĩa là sau này sẽ không trở lại. Trong tương lai, Mỹ và Trung Quốc có thể sẽ triển khai nhiều cuộc đối thoại kinh tế thương mại trong khuôn khổ CPTPP, và càng nhiều cuộc đối thoại thương lượng kinh tế thương mại cũng có thể phát huy tác dụng xoa dịu quan hệ căng thẳng Mỹ-Trung.

Trước đó, một số quan chức thuộc các tổ chức tư vấn của Mỹ từng tham gia xây dựng và đàm phán TPP (tiền thân của CPTPP) đã cho biết trong cuộc trao đổi với Trung tâm Trung Quốc và Toàn cầu hóa (CCG), ban đầu Chính quyền của ông Obama thiết kế TPP không phải vì muốn loại trừ Trung Quốc, mà hy vọng nếu Trung Quốc muốn tham gia, thì phải tuân thủ các quy tắc thương mại tiêu chuẩn cao của TPP.

Hiện nay, đà phục hồi kinh tế toàn cầu dưới ảnh hưởng của dịch bệnh còn yếu, nhu cầu hợp tác trong khu vực châu Á-Thái Bình Dương tăng cao. Đối với Mỹ, việc quay trở lại CPTPP quan trọng hơn so với đóng tàu ngầm hạt nhân.

Điều này liên quan đến việc liệu Mỹ có thể tiếp tục tham gia dẫn dắt quy tắc kinh tế thương mại khu vực hay không, có thể phát huy vai trò quan trọng trong tiến trình hội nhập kinh tế và tự do hóa thương mại khu vực châu Á-Thái Bình Dương hay không, đồng thời cũng mang lại triển vọng tăng trưởng kinh tế lạc quan cho Mỹ.

Theo dự đoán của Viện nghiên kinh tế quốc tế Peterson, trong kịch bản tham gia TPP, đến năm 2030, thu nhập quốc dân của Mỹ sẽ tăng trưởng với tốc độ 130 tỷ USD/năm. Vừa qua, các nước như Singapore, Malaysia… đã đi đầu thể hiện sự ủng hộ đối với việc Trung Quốc đệ đơn xin gia nhập CPTPP.

Bộ trưởng Thương mại New Zealand Damien O'Connor cũng đã tiếp nhận đơn chính thức của Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào về việc Trung Quốc xin gia nhập CPTPP.

Những biện pháp chính sách và tiến bộ của Trung Quốc trên các lĩnh vực như quyền sở hữu trí tuệ, tiêu chuẩn lao động, doanh nghiệp nhà nước, môi trường và lưu chuyển dữ liệu… trong những năm gần đây đã giúp Trung Quốc có đủ thực lực và năng lực kết nối CPTPP.

Thông qua tăng cường mở cửa hơn nữa, đẩy mạnh bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, cải thiện môi trường kinh doanh, khả năng gia nhập CPTPP của Trung Quốc là không nhỏ. Trung Quốc cũng có thể một lần nữa dựa vào mở cửa đối ngoại để thúc đẩy cải cách trong nước, đẩy mạnh hơn nữa tiến trình cải cách mở cửa sâu rộng trong nước.

Trung Quốc là một trong những nền kinh tế chủ chốt có tốc độ tăng trưởng kinh tế nhanh nhất toàn cầu, ASEAN cũng đã trở thành đối tác hợp tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc, không gian hợp tác giữa Trung Quốc và các nước thành viên CPTPP mở rộng. Theo báo cáo nghiên cứu của Viện kinh tế quốc tế Peterson, nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, đến năm 2030, thu nhập quốc dân của Trung Quốc có thể tăng thêm 298 tỷ USD, và các nước thành viên khác của CPTPP cũng được hưởng lợi, có thể tăng 632 tỷ USD.

Hiện nay, CPTPP bao gồm 11 nước thành viên với quy mô dân số khoảng 500 triệu người, Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hơn 13.500 tỷ USD, chiếm khoảng 13% tổng lượng kinh tế toàn cầu. Nếu Trung Quốc gia nhập CPTPP, hệ thống thương mại này sẽ bao trùm thị trường khổng lồ gần 2 tỷ dân, GDP hơn 25.000 tỷ USD, tổng lượng kinh tế xấp xỉ 30% toàn cầu.

Đồng thời, dưới tác động của các làn sóng phản đối toàn cầu hóa bao gồm chủ nghĩa bảo hộ thương mại, thúc đẩy hội nhập kinh tế khu vực đã trở thành lộ trình quan trọng để các nước tìm kiếm sự hợp tác.

Những năm gần đây, hội nhập kinh tế châu Á-Thái Bình Dương có sự phát triển đáng kể, và việc Trung Quốc gia nhập CPTPP sẽ thúc đẩy hơn nữa tiến trình này.

Những năm qua, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) điều phối không hiệu quả, quan hệ quốc tế khu vực châu Á-Thái Bình Dương, đặc biệt là căng thẳng trong quan hệ giữa Trung Quốc với các nước bao gồm Australia tiếp tục diễn ra.

Tính bất trắc do cạnh tranh địa chính trị nước lớn đã khiến cho việc phát triển hòa bình ổn định và tiến trình hội nhập kinh tế của khu vực châu Á-Thái Bình Dương luôn bị bao phủ bởi sương mù.

Từ năm 2020 đến nay, dịch COVID-19 đẩy nhanh việc chuyển dịch và tái cấu trúc chuỗi sản xuất và giá trị khu vực, sự phát triển của nền kinh tế kỹ thuật số đặc biệt là các dịch vụ số xuyên biên giới bùng nổ. Đồng thời những thách thức mang tính toàn cầu như biến đổi khí hậu, khủng hoảng dịch bệnh đã làm nghiêm trọng thêm tình trạng bất ổn kinh tế.

Trong bối cảnh đó, Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và CPTPP đã cung cấp nền tảng cho các nước khu vực châu Á-Thái Bình Dương triển khai đối thoại và hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, tăng thêm sự hiểu biết và tin tưởng lẫn nhau của các bên. Mối liên hệ kinh tế thương mại giữa các nước trong khu vực ngày càng chặt chẽ và có trật tự sẽ tạo ra một khu vực châu Á-Thái Bình Dương hòa bình và ổn định hơn./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục