Học giả Campuchia: ASEAN có nhiều yếu tố tích cực hút đầu tư từ Hoa Kỳ

Chuyên gia Viện Quan hệ quốc tế Campuchia cho rằng Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ sẽ đề ra định hướng tương lai và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược vì lợi ích chung.
Học giả Campuchia: ASEAN có nhiều yếu tố tích cực hút đầu tư từ Hoa Kỳ ảnh 1(Nguồn: asean.usmission.gov)

Diễn ra vào thời điểm kỷ niệm 45 năm quan hệ đối tác đối thoại ASEAN-Hoa Kỳ, Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ (12-13/5) là hội nghị thứ hai kể từ năm 2016 và là cuộc gặp trực tiếp đầu tiên giữa các nhà lãnh đạo hai bên kể từ năm 2017.

Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN tại Campuchia, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á Phi và Trung Đông, Viện Quan hệ quốc tế Campuchia thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, ông Uch Leang cho rằng tại sự kiện này các nhà lãnh đạo ASEAN và Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden sẽ thảo luận về phương cách và biện pháp tăng cường hợp tác trong nhiều lĩnh vực, bao gồm ứng phó với giai đoạn hậu đại dịch COVID-19; an ninh toàn cầu; biến đổi khí hậu, phát triển bền vững và hợp tác hàng hải, phát triển nguồn nhân lực, giáo dục và giao lưu nhân dân, cũng như các kết nối và cam kết kinh tế.

Chuyên gia Viện Quan hệ quốc tế Campuchia cho rằng tại hội nghị cấp cao lịch sử này, các nhà lãnh đạo ASEAN và Hoa Kỳ sẽ đề ra định hướng tương lai của quan hệ ASEAN-Hoa Kỳ và thúc đẩy mối quan hệ đối tác chiến lược vì lợi ích chung.

Hội nghị cấp cao cũng sẽ tái khẳng định cam kết chung về duy trì vị trí trung tâm và thống nhất của ASEAN thông qua các cơ chế do ASEAN dẫn dắt, cũng như tăng cường sự tin cậy lẫn nhau trong việc duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng ở khu vực.

Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen, với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm 2022, hy vọng rằng quan hệ đối tác ASEAN-Hoa Kỳ sẽ phát triển hơn nữa sau hội nghị cấp cao tại thủ đô Washington D.C.

[Chuyên gia Malaysia đề cao ý nghĩa hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Mỹ]

Chuyên gia Campuchia cho rằng việc thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa ASEAN và Hoa Kỳ là điểm rất quan trọng mà hai bên đang mong đợi, nhưng vấn đề tăng cường quan hệ song phương là một điểm khó với một số nước.

Trong thời gian qua, Hoa Kỳ cũng đã cung cấp vaccine ngừa COVID-19 cho các nước trong khu vực thông qua cơ chế COVAX nhằm giúp ngăn chặn sự lây lan đại dịch, vốn gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như khu vực.

Học giả Campuchia: ASEAN có nhiều yếu tố tích cực hút đầu tư từ Hoa Kỳ ảnh 2Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á Phi và Trung Đông, Viện Quan hệ quốc tế Campuchia thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia, ông Uch Leang. (Ảnh: Trần Long/Vietnam+)

Đánh giá về tầm quan trọng của Hội nghị cấp cao đặc biệt ASEAN-Hoa Kỳ trong việc thúc đẩy cho nền kinh tế ASEAN giai đoạn phục hồi hậu đại dịch COVID-19, chuyên gia Uch Leang cho rằng dù tác động của đại dịch còn khá dai dẳng, nhưng xuất khẩu từ khu vực ASEAN sang Hoa Kỳ nói chung vẫn tiếp tục phát triển, trong đó, kim ngạch xuất khẩu của Campuchia sang Hoa Kỳ nói riêng trong lĩnh vực dệt may cũng gia tăng đáng kể.

Trong một tuyên bố mới đây, người phát ngôn Nhà Trắng Jen Psaki cũng cho biết, hội nghị cấp cao sắp tới sẽ thúc đẩy khoản viện trợ 102 triệu USD của Hoa Kỳ nhằm phục hồi nền kinh tế ASEAN sau cuộc khủng hoảng COVID-19.

Nhìn nhận về định hướng chính sách của chính quyền Tổng thống Joe Biden với khu vực Đông Nam Á nói riêng và chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương nói chung, chuyên gia Uch Leang nhấn mạnh đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) của Hoa Kỳ vào ASEAN tăng với tốc độ trung bình hằng năm 10%, đưa ASEAN trở thành điểm đến lớn nhất cho đầu tư trực tiếp của Hoa Kỳ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

ASEAN là thị trường lớn thứ tư cho hàng hóa xuất khẩu của Hoa Kỳ, ở chiều ngược lại, Hoa Kỳ là đối tác thương mại lớn thứ tư của ASEAN. Mối quan hệ đôi bên cùng có lợi này rất quan trọng đối với Hoa Kỳ, hỗ trợ gần 42.000 công ty nước này và giúp tìm kiếm khoảng 590.000 việc làm.

Cho đến nay, Hội đồng Kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN là nhân tố quan trọng thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ kinh tế và ngoại giao giữa Hoa Kỳ và Đông Nam Á.

Theo ông Uch Leang, bất chấp những thách thức hiện nay đối với đầu tư toàn cầu, vẫn còn nhiều yếu tố tích cực cho đầu tư của Hoa Kỳ vào ASEAN trong những năm tới. ASEAN hiện có lực lượng lao động lớn thứ ba thế giới và dân số trung niên dự kiến sẽ tăng gấp đôi từ 135 triệu lên 334 triệu người vào năm 2030, đưa ASEAN trở thành động lực mạnh mẽ cho tăng trưởng kinh tế trong dài hạn.

Sự phát triển của các chính sách thương mại mới đã mang lại lợi ích to lớn cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ trong khu vực, và các hiệp định thương mại tự do (FTA) như Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) sẽ mang lại lợi ích lớn cho các công ty Hoa Kỳ hoạt động trong khu vực ASEAN./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục