Học tập tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những điều giản dị

Việc học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh từ những việc làm rất nhỏ trở thành phong trào thiết thực trong hoạt động của nhân dân Thủ đô.
Học tập tấm gương Chủ tịch Hồ Chí Minh từ những điều giản dị ảnh 1Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện thân mật với đại biểu Thanh niên xung phong dự Đại hội thanh niên xung phong chống Mỹ cứu nước toàn miền Bắc (tháng 1/1967). (Nguồn: Ảnh tư liệu TTXVN)

Thực hiện Chỉ thị 03 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội đã triển khai rộng khắp nội dung này ra các sở, ban, ngành và các cấp địa phương. Việc học tập và làm theo tấm gương của Bác đã từng bước trở thành việc làm thường xuyên, nề nếp, tự giác trong sinh hoạt chi bộ và trong công tác của đội ngũ cán bộ, đảng viên và đã đạt được những kết quả cụ thể trên các lĩnh vực.

Gần dân, hiểu dân và được dân tin

Trong nhiều năm qua, Đảng bộ phường Thạch Bàn (quận Long Biên, Hà Nội) chú trọng triển khai thực hiện “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” thông qua nhiều việc làm cụ thể, thực hiện từ những việc làm nhỏ nhất… đã đạt được kết quả toàn diện trên nhiều lĩnh vực. Điều quan trọng hơn cả là cán bộ, chính quyền địa phương ngày càng gần dân, hiểu dân hơn và được nhân dân tin yêu.

Xuất phát từ tình hình thực tế, Đảng ủy phường Thạch Bàn đã lựa chọn xây dựng mô hình “chi bộ 4 tốt, đảng viên nêu gương”: Đảng viên trong chi bộ luôn gương mẫu trong công việc, liên hệ chặt chẽ với quần chúng, nội bộ đoàn kết; Một lòng một dạ phục vụ nhân dân; Lãnh đạo đảng viên, cán bộ và người dân thực hiện có hiệu quả các Nghị quyết, Chỉ thị của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Thực hiện tốt công tác xây dựng đảng, đẩy mạnh tự phê bình, phê bình.

Mô hình này đã được đưa xuống 23 chi bộ, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể phường thảo luận với sự tham gia trực tiếp của các đồng chí đảng ủy viên. Phường đã chọn chi bộ tổ dân phố số 3, chi bộ cơ quan và chi bộ trường mầm non Hoa Mai tổ chức làm điểm từ tháng 1 đến tháng 6/2013 để rút kinh nghiệm và sau đó triển khai rộng rãi đến tất cả các bộ.

Với “kim chỉ nam” ấy, 17 chi bộ ở tổ dân phố triển khai cụ thể cho mỗi đảng viên phụ trách từ 10 đến 15 hộ với phương châm “gần dân, hiểu dân, trọng dân, lắng nghe ý kiến và học dân”. Đây thực sự là cầu nối hữu hiệu để nắm bắt kịp thời tâm tư nguyện vọng cũng như những vấn đề dân sinh bức xúc để phản ánh, tham mưu kịp thời cho chi bộ, đảng ủy phường giải quyết kịp thời, hiệu quả.

Đảng ủy phường còn chủ động kết hợp việc thực hiện Chỉ thị số 03 với việc thực hiện các giải pháp khắc phục khuyết điểm, hạn chế sau khi kiểm điểm phê bình và tự phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) về xây dung Đảng.

Thạch Bàn là phường đầu tiên kiểm điểm phê bình và tự phê bình các lãnh đạo chủ chốt của phường định kỳ hằng quý, dựa trên kết quả công việc cụ thể. Sau khi làm thí điểm ở lãnh đạo chủ chốt, Ðảng ủy sẽ triển khai đối với các đồng chí là trưởng các đoàn thể trong phường. Trong mối quan hệ với nhân dân, các đảng viên luôn thể hiện sự tôn trọng và lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của người dân.

Cách làm hiệu quả, sát thực tế đã giúp cho phường Thạch Bàn trong những năm qua thu hoạch được nhiều “quả ngọt”. Kết quả thu ngân sách hàng năm trên địa bàn đạt 130%; tỷ lệ công trình xây dựng có phép, đúng phép đạt 100%.

Thành công nhất là công tác giải phóng mặt bằng khi đảng viên gương mẫu, người dân đồng thuận, không phát sinh điểm nóng, không phải tổ chức cưỡng chế bất cứ trường hợp nào. Đơn cử như dự án đường Thạch Bàn, mặc dù phải giải phóng mặt bằng 258 phương án đất ở, 56 phương án đất nông nghiệp, nhưng chỉ trong 6 tháng tất cả các hộ dân đã nhận tiền, bàn giao mặt bằng, tạo điều kiện cho đơn vị thi công rút ngắn được thời gian hoàn thành 2 tháng.

Tiết kiệm nhỏ, hiệu quả lớn

Từ việc xây dựng chuẩn mực đạo đức Hồ Chí Minh tại các địa phương, đơn vị thật cụ thể, sát tình hình, đội ngũ cán bộ, đảng viên cũng đã làm tốt việc vận động gia đình, nhân dân thực hiện đúng các chủ trương, nghị quyết của Đảng, chính sách, pháp luật của nhà nước, các quy định, quy ước, hương ước của địa phương nơi cư trú, nhất là việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang và lễ hội.

Việc phát hiện và biểu dương các tập thể, cá nhân điển hình tiên tiến kịp thời đã có tác dụng lớn trong giáo dục, vận động cán bộ, đảng viên và nhân dân tạo ra sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc.

Nổi bật trong só những tấm gương tiêu biểu này là bà Khuất Thị Hiền (tổ trưởng phụ nữ tổ dân phố Lạc Sơn, phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây, Hà Nội). Bằng hiệu quả thiếu thực, những việc làm nhỏ bé của bà, của tổ dân phố Lạc Sơn đã được nhiều người biết đến, tạo sức lan tỏa rộng khắp trong cuộc vận động thực hiện Học và làm theo Bác.

Bà Hiền tâm sự: “Trước khi nghỉ hưu, là một giáo viên, tôi đã dạy cho nhiều lớp học trò về tình cảm yêu thương, tấm lòng khoan dung, nhân hậu, lối sống giản dị và ý chí, nghị lực phi thường của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Thấm nhuần điều đó, nên ngay khi nghỉ hưu năm 1999, tôi đã tham gia công tác phụ nữ, với mong muốn đóng góp công sức nhỏ bé của mình cho địa phương và làm lan tỏa hơn nữa tấm gương đạo đức của Bác đến với mỗi người.”

Để làm được điều đó, bản thân bà Hiền luôn gương mẫu đi đầu trong phong trào phụ nữ tổ dân phố Lạc Sơn, thường xuyên thực hành tiết kiệm, gần gũi với hội viên, quan tâm chia sẻ trước những khó khăn của mỗi chị em và tìm hướng khắc phục. Bà đã chủ động tổ chức cho chi hội sinh hoạt, học tập chuyên đề về Bác với những câu chuyện hết sức giản dị mà đầy ý nghĩa. Qua đó, việc vận động hội viên thuận lợi hơn bằng nhiều cách làm cụ thể, thiết thực.

Hào hứng kể về phong trào “nuôi lợn nhựa tiết kiệm”, bà Hiền chia sẻ: “Ban đầu nhiều người chưa hiểu hết ý nghĩa nên không hào hứng tham gia. Học Bác ở đức tính gần gũi, chân thành, nên dù sức khỏe đã giảm sút, công việc gia đình bận bịu, nhưng tôi vẫn cố gắng sắp xếp thời gian vào buổi tối, buổi trưa, đến từng nhà nói chuyện để chị em hội viên hiểu rõ hơn ý nghĩa của phong trào.”.

Mưa dầm thấm lâu, mọi người đều nhiệt tình ủng hộ, thực hiện bằng cách tiết kiệm trong sinh hoạt, giảm bớt chi tiêu, mỗi ngày dành ra từ 1.000-2.000 đồng để nuôi lợn nhựa. Riêng bà Hiền gương mẫu đi đầu, ngày nào cũng như ngày nào, “bỏ lợn” từ 5.000 đồng đến 10.000 đồng. Những số tiền tưởng chừng rất nhỏ bé ấy, nhưng khi tổng kết lại, cũng được khoản tiền đáng kể.

Đến nay, 100% hội viên trong tổ đều “nuôi lợn nhựa tiết kiệm”, có năm toàn chi hội tiết kiệm được gần hàng trăm triệu đồng, trong đó trích ra một phần đáng kể cho những phụ nữ nghèo có hoàn cảnh khó khăn, học sinh nghèo vượt khó học giỏi và giải quyết cho 94 lượt hội viên vay vốn phát triển kinh tế, xóa đói giảm nghèo.

Thực hiện yêu cầu của Thành ủy Hà Nội và Thị ủy Sơn Tây về thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, dù công việc khá “nhạy cảm” bởi phong tục tập quán và nhận thức của gia đình khác nhau, bà Hiền cùng với các cán bộ hội, tổ dân phố vẫn quyết tâm làm. Chi hội đã tổ chức phát tờ rơi, tổ chức ký cam kết cho cả 146 chị em trong tổ.

Bà còn đến từng nhà, nhất là những nhà có con trong độ tuổi xây dựng gia đình để nắm bắt tình hình và tuyên truyền. Nhờ đó mà năm 2014, toàn chi hội có 15/15 đám cưới và 11/11 đám tang thực hiện đúng theo tinh thần nếp sống văn minh, trang trọng, không lãng phí.

Triển khai “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” từ những việc làm dù chỉ là rất nhỏ, đã thật sự trở thành phong trào ý nghĩa, thiết thực trong hoạt động của các cấp, các ngành và nhân dân Thủ đô. Qua đó, tạo động lực tinh thần mạnh mẽ, hăng say thi đua, phấn đấu hoàn thành tốt nhiệm vụ, xây dựng Thủ đô ngày càng văn minh, hiện đại./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục