Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc họp khẩn về vấn đề Triều Tiên

Mỹ cũng đề nghị bỏ phiếu cho nghị quyết do Mỹ soạn thảo về việc gia tăng lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên trong tháng Năm. Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc phản đối việc áp thêm các lệnh trừng phạt.
Người dân theo dõi tư liệu về một vụ phóng tên lửa đạn đạo của Triều Tiên được phát trên truyền hình, tại nhà ga Seoul, Hàn Quốc ngày 7/5/2022. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 11/5, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đã tổ chức phiên họp khẩn để thảo luận vấn đề Triều Tiên trước khả năng Bình Nhưỡng sẽ tiếp tục tiến hành thêm các vụ thử tên lửa, hạt nhân trong thời gian tới.

Cuộc họp khẩn cấp của Hội đồng Bảo an được tổ chức theo đề nghị của Mỹ, một trong 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an đồng thời cũng là nước Chủ tịch luân phiên Hội đồng Bảo an tháng Năm.

[Mỹ cam kết phối hợp với Hàn Quốc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên]

Theo phóng viên TTXVN tại New York, tại cuộc họp, Mỹ lên tiếng kêu gọi các nước trong Hội đồng Bảo an không thể tiếp tục giữ im lặng khi mà Bình Nhưỡng liên tục thử tên lửa và được cho là chuẩn bị thử hạt nhân tới lần thứ 7.

Đại sứ Linda Thomas-Greenfield, Trưởng phái đoàn thường trực Mỹ tại Liên hợp quốc nhấn mạnh đã đến lúc Hội đồng Bảo an phải cùng nhau hành động.

Theo phân tích của Washington, rất có thể Triều Tiên sẽ tiếp tục tiến hành một vụ thử tên lửa mới trong tháng này.

Mỹ cũng đề nghị Hội đồng Bảo an sẽ bỏ phiếu cho nghị quyết do Mỹ soạn thảo về việc gia tăng lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên trong tháng Năm.

Tuy nhiên, Nga và Trung Quốc kiên quyết phản đối việc áp đặt thêm lệnh trừng phạt đối với Bình Nhưỡng, ngoài những lệnh trừng phạt mà Triều Tiên đã phải hứng chịu từ năm 2006, vì lý do nhân đạo.

Cuộc họp diễn ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng đã có tới 15 vụ thử tên lửa kể từ đầu năm tới nay, trong đó có cả tên lửa đạn đạo xuyên lục địa tầm xa, và vụ thử mới đây nhất là vào ngày 7/5.

Washington gần đây đã đề xuất Hội đồng Bảo an cần có các biện pháp trừng phạt Triều Tiên mạnh hơn, chẳng hạn như giảm lượng dầu Triều Tiên được phép nhập khẩu vì mục đích dân sự từ 4 triệu thùng/1 năm xuống 2 triệu thùng/1 năm.

Tuy nhiên, những biện pháp do Mỹ đề xuất không có cơ hội được thông qua tại Hội đồng Bảo an bởi chắc chắn vấp phải sự phản đối của 2 nước Ủy viên thường trực khác nắm quyền phủ quyết là Nga và Trung Quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục