Hợp tác chặt chẽ, sớm triển khai FTA giữa Việt Nam và Israel

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên chia sẻ Việt Nam khuyến khích, kêu gọi các doanh nghiệp Israel đầu tư nhiều hơn nữa vào các dự án sản xuất công nghiệp, nhất là các dự án công nghệ cao, công nghệ sinh học.
Hợp tác chặt chẽ, sớm triển khai FTA giữa Việt Nam và Israel ảnh 1Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm việc với Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer. (Nguồn: Bộ Công Thương)

Việt Nam sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với phía Israel để Hiệp định Thương mại tự do (FTA) giữa Việt Nam và Israel sớm đi vào triển khai và đem lại lợi ích thiết thực cho doanh nghiệp và người dân của hai bên.

Thông tin này được Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên nhấn mạnh tại cuộc gặp với Đại sứ Israel tại Việt Nam Yaron Mayer ngày 19/5 tại Hà Nội.

Tại cuộc gặp, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên và Đại sứ Yaron Mayer đã cập nhật về tình hình rà soát pháp lý văn kiện của Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel cũng như các thủ tục pháp lý khác để chuẩn bị cho việc ký kết Hiệp định.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên khẳng định đối với các cấn đề thương mại song phương khác, Bộ trưởng Bộ Công Thương đề nghị hai nước tiếp tục tăng cường triển khai hợp tác trong một số lĩnh vực.

Cụ thể như tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại và đầu tư, đẩy mạnh việc tổ chức các đoàn doanh nghiệp tham dự các sự kiện xúc tiến thương mại và đầu tư tại mỗi nước.

[Kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Israel]

Cùng với đó, tích cực phối hợp, xây dựng cơ chế trao đổi, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan hai bên về chính sách, các tiêu chuẩn, quy định kỹ thuật áp dụng đối với một số mặt hàng xuất nhập khẩu có kim ngạch lớn để tạo thuận lợi cho hàng hóa xuất nhập khẩu của cả hai bên.

Mặt khác, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như thiết bị công nghệ cao, công nghệ sinh học, chế biến nông sản, thực phẩm và tăng cường mở rộng hợp tác sang các lĩnh vực tiềm năng mà hai nước có thế mạnh trên nguyên tắc hai bên cùng có lợi.

Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên cũng chia sẻ Việt Nam khuyến khích và kêu gọi các doanh nghiệp Israel đầu tư nhiều hơn nữa vào các dự án sản xuất công nghiệp, nhất là các dự án công nghệ cao, công nghệ sinh học, công nghệ thông tin, công nghệ vật liệu mới, công nghiệp tiêu dùng và thực phẩm (như sữa, dầu ăn, các sản phẩm thực phẩm chế biến, sản phẩm dệt may, da giày), xử lý môi trường công nghiệp, khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo, đào tạo, dạy nghề, trao đổi chuyên gia, chuyển giao công nghệ và phát triển công nghệ cao tại Việt Nam.

Israel hiện là thị trường xuất khẩu đứng thứ 3, là đối tác thương mại lớn thứ 5 của Việt Nam tại khu vực Tây Á và được đánh giá là thị trường lớn, tiềm năng đối với hàng hóa Việt Nam tại khu vực Tây Á.

Cơ cấu mặt hàng của Irael và Việt Nam có sự bổ sung lẫn nhau, không cạnh tranh trực tiếp. Điều này tạo điều kiện để Việt Nam thúc đẩy xuất khẩu nhiều mặt hàng thế mạnh sang Israel, đồng thời có cơ hội tiếp cận các mặt hàng công nghệ cao của Israel, góp phần làm giảm chi phí sản xuất, kinh doanh, từ đó nâng cao sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam.

Trong cán cân thương mại, Việt Nam luôn là nước nhập siêu từ Israel. Việt Nam chủ yếu xuất khẩu các sản phẩm như điện thoại các loại và linh kiện, thủy hải sản, hạt điều, càphê, giầy dép, hạt tiêu, dệt may, gỗ và sản phẩm gỗ...

Các sản phẩm Việt Nam nhập khẩu từ Israel là máy vi tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, máy móc thiết bị và phụ tùng, phân bón các loại, hàng rau quả./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục