Hướng đến kinh tế biển xanh: Tiềm năng to lớn về kinh tế biển

Kinh tế biển là động lực, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.
Hướng đến kinh tế biển xanh: Tiềm năng to lớn về kinh tế biển ảnh 1Đội tàu cá công suất lớn và cảng cá được xây dựng giúp ngư dân Quảng Trị khai thác hải sản hiệu quả. (Ảnh: Nguyên Lý/TTXVN)

Việt Nam là quốc gia biển với diện tích vùng biển thuộc chủ quyền, quyền chủ quyền và quyền tài phán quốc gia rộng gấp 3 lần diện tích đất liền, trong đó có hơn 3.000 đảo và hai quần đảo ngoài khơi - Hoàng Sa và Trường Sa.

Việt Nam có đường bờ biển dài hơn 3.260km trải dài theo hướng Bắc-Nam, cứ 100km2 đất liền có 1km bờ biển.

Do đó, kinh tế biển là động lực, tiền đề quan trọng để phát triển kinh tế-xã hội, bảo vệ môi trường, bảo đảm quốc phòng, an ninh, đối ngoại và hợp tác quốc tế.

[Phát triển kinh tế đại dương bền vững: 'Chìa khóa' dẫn tới thịnh vượng]

Đánh giá được tầm quan trọng của kinh tế biển, Việt Nam đã có nhiều chủ trương, chính sách để phát triển bền vững kinh tế biển (còn gọi là kinh tế biển xanh).

Các tỉnh, thành phố ven biển Việt Nam chiếm hơn 50% dân số cả nước, phần lớn lao động làm việc trong các ngành nghề liên quan đến biển; đóng góp của 28 tỉnh, thành phố ven biển vào GDP cả nước hiện đã vượt ngưỡng 60%.

Hiện nay, sau những tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19, kinh tế ven biển và các ngành kinh tế biển càng có vai trò quan trọng trong việc phục hồi các hoạt động kinh tế-xã hội và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Phát triển kinh tế biển là nhu cầu tất yếu

Các vùng biển, đảo của Việt Nam có nguồn tài nguyên sinh vật và khoáng sản phong phú, đa dạng, bao gồm khoảng 12.000 loài sinh vật sống trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái đặc trưng, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau.

Biển Việt Nam được coi là 1 trong 10 trung tâm đa dạng sinh học biển của thế giới. Trong các vùng biển của Việt Nam, có khoảng 35 loại hình khoáng sản với quy mô trữ lượng khai thác khác nhau từ nhỏ đến lớn, thuộc các nhóm: Nhiên liệu, kim loại, vật liệu xây dựng, đá quý và khoáng sản lỏng...

Tiềm năng dầu khí phân bố trong các bồn trầm tích ở thềm lục địa và khu vực biển Hoàng Sa, Trường Sa của Việt Nam rất lớn.

Hướng đến kinh tế biển xanh: Tiềm năng to lớn về kinh tế biển ảnh 2Các giàn khoan tại mỏ Bạch Hổ. (Ảnh: Huy Hùng/ TTXVN)

Các vùng biển, đảo Việt Nam là nguồn tài nguyên du lịch quan trọng với hơn 120 bãi biển có thể phát triển du lịch, trong đó khoảng 20 bãi có quy mô và tiêu chuẩn quốc tế, đặc biệt, Vịnh Hạ Long đã được UNESCO xếp hạng là Di sản thiên nhiên Thế giới.

Vùng biển và ven biển là đối tượng chịu nhiều rủi ro về thiên tai biển, các hiện tượng thời tiết cực đoan và hậu quả do biến đổi khí hậu như bão và nước dâng trong bão, được đánh giá có nhiều khả năng chịu tác động của biến đổi khí hậu và biến đổi đại dương.

Theo Ngân hàng Thế giới, nước biển dâng 5m sẽ khiến Việt Nam mất 16% diện tích đất liền, đe dọa 35% dân số và 35% tổng sản phẩm quốc nội; các vùng đất thấp ven biển, các rạn san hô vòng cùng hàng loạt hệ sinh thái và cơ sở hạ tầng bị phá hủy do ngập lụt.

Đời sống kinh tế, văn hóa của người dân Việt Nam luôn gắn liền với biển và biển được coi là không gian sinh tồn, phát triển và an ninh của dân tộc Việt Nam. Vì vậy, phát triển bền vững kinh tế biển đã trở thành nhu cầu tất yếu trong quá trình phát triển.

Theo Phó Giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Thế Chinh, nguyên Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách tài nguyên môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), tổng sản lượng đánh bắt và nuôi trồng thủy sản đã tăng gấp 4 lần trong 20 năm qua.

Đánh bắt và nuôi trồng thủy sản tạo ra cả các tác động tích cực và tiêu cực trong việc thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững. Các tác động tích cực đã tạo việc làm, thu nhập bền vững, cải thiện mức độ dinh dưỡng, tăng khả năng tiếp cận dịch vụ xã hội và góp phần làm giảm tỷ lệ hộ nghèo, đảm bảo an ninh lương thực cho các cộng đồng vùng ven biển và hải đảo; đồng thời cũng tạo ra nhiều cơ hội hơn cho phụ nữ tham gia vào sản xuất, chế biến và tiêu thụ thủy sản.

Tuy nhiên, do nuôi trồng thủy sản có sử dụng nhiều tài nguyên nước và khi không được quản lý tốt thì có thể tạo ra các tác động tiêu cực đến môi trường như: Ô nhiễm hữu cơ, xâm nhập mặn, hay đánh bắt bằng các ngư cụ kém chọn lọc sẽ dẫn đến suy giảm nguồn lợi thuỷ sản, suy giảm chất lượng các hệ sinh thái và môi trường biển.

Các hoạt động kinh tế biển ở Việt Nam

Theo Báo cáo “Kinh tế biển xanh Việt Nam - Cơ hội và thách thức” do Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường thực hiện) vừa công bố ngày 12/5/2022, hoạt động kinh tế biển ở Việt Nam rất đa dạng, có thể chia thành các hoạt động kinh tế đều diễn ra trên biển (kinh tế hàng hải, đánh bắt và nuôi trồng hải sản; khai thác dầu khí ngoài khơi; du lịch biển; làm muối; dịch vụ tìm kiếm, cứu nạn...) và các hoạt động kinh tế không diễn ra trên biển nhưng liên quan trực tiếp đến khai thác biển (đóng mới và sửa chữa tàu thuyền; công nghiệp chế biến dầu khí; công nghiệp chế biến thủy sản; cung cấp dịch vụ biển; nghiên cứu khoa học và công nghệ biển, điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển...).

Việt Nam có tiềm năng cho việc phát triển công nghiệp dầu khí lâu dài và bền vững. Lĩnh vực dầu khí đóng góp đáng kể cho GDP và ngân sách, góp phần cung cấp nguồn lực để xóa đói, giảm nghèo, đầu tư phát triển các vùng sâu, vùng xa, vì vậy cần có chính sách khuyến khích đầu tư nước ngoài và hành lang pháp lý thuận lợi để huy động nguồn lực trong nước cho phát triển.

Ngoài ra, Việt Nam được đánh giá có nguồn điện từ gió ngoài khơi, thủy triều, sóng biển và dòng hải lưu rất lớn nếu được khai thác, sẽ đóng góp thiết thực cho mục tiêu phát triển kinh tế biển xanh.

Nếu được quản lý tốt, năng lượng gió ngoài khơi sẽ có đóng góp quan trọng đến mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam. Hơn thế nữa, phát triển điện gió ngoài khơi còn là lĩnh vực có thể hỗ trợ đáng kể và đóng góp tích cực trong thực hiện Thỏa thuận Paris về biến đổi khí hậu (COP 21) và cam kết đạt phát thải ròng carbon bằng “0” vào năm 2050 (COP 26).

Du lịch ngày càng trở nên quan trọng hơn đối với phát triển kinh tế-xã hội của Việt Nam, trong đó du lịch biển có vai trò chủ đạo, chiếm khoảng 2/3 tỷ trọng của toàn ngành.

Nguồn tài nguyên du lịch dọc bờ biển Việt Nam rất phong phú, đa dạng và có giá trị, là nền tảng phát triển nhiều loại hình du lịch như tham quan, vui chơi giải trí, du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng, thể thao và văn hóa...

Nếu được quản lý, vận hành tốt, du lịch biển có thể mang lại những hiệu quả hết sức tích cực, ngược lại, du lịch cũng có thể trở thành tác nhân của những ảnh hưởng tiêu cực tới môi trường, xã hội và cộng đồng.

Các hệ sinh thái biển chính của Việt Nam đang đứng trước nguy cơ suy giảm về số lượng và chất lượng do các tác động tổng hợp và đa dạng. Sự thay đổi diện tích rừng ngập mặn ở Việt Nam theo hai xu hướng gồm: Giảm diện tích rừng nguyên sinh và tăng diện tích rừng trồng mới.

Đến nay, những cánh rừng ngập mặn nguyên sinh hầu như không còn, dẫn đến sự suy giảm đa dạng sinh học biển, đặc biệt là mất bãi đẻ và môi trường sống cho các loài thủy sinh, phá hủy các hệ sinh thái lân cận như hẹ và cỏ biển.

Các rạn san hô ở biển Việt Nam đang giảm về diện tích và độ che phủ của san hô sống theo thời gian, có nơi lên đến hơn 30% trong 10 năm qua. Hệ sinh thái có biển cũng đang bị suy thoái, giảm diện tích do các hoạt động của con người như đánh bắt, neo đậu tàu thuyền, nuôi trồng thủy sản gây ô nhiễm môi trường, hoạt động xây dựng cảng và các công trình du lịch.

Theo số liệu quan trắc của Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam (Bộ Tài nguyên và Môi trường), chất lượng dữ liệu môi trường biển Việt Nam vẫn tốt, chỉ số ô nhiễm trong giới hạn cho phép.

Tuy nhiên, các khu vực ven biển, cửa sông có nguy cơ ô nhiễm cao, đã xảy ra các sự cố ô nhiễm môi trường biển nghiêm trọng. Điển hình năm 2016 là vụ xả nước thải của doanh nghiệp Hưng Nghiệp Formosa gây ô nhiễm bờ biển Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế.

Sự cố tràn dầu vẫn diễn biến phức tạp và tiềm ẩn nguy cơ cao đối với vùng biển Việt Nam. Tình trạng ô nhiễm do rác thải, nước thải từ đất liền và các hoạt động kinh tế-xã hội ven biển vẫn chưa được ngăn chặn triệt để, trong đó rác thải và ô nhiễm nhựa đáng báo động, gây tổn hại và suy thoái các hệ sinh thái ven biển.

Để tiến tới kinh tế biển xanh, Việt Nam cần thực hiện các giải pháp như bảo tồn đa dạng sinh học, bảo vệ môi trường và mở rộng các dịch vụ hệ sinh thái nâng cao tiềm năng cho các hoạt động kinh tế (du lịch biển, thủy sản, năng lượng tái tạo...), xây dựng hệ sinh thái rừng ngập mặn giảm thiểu biến đổi khí hậu./.

(TTXVN/ Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục