Israel ký một biên bản ghi nhớ "chưa từng có" với Maroc

Israel đã ký một số thỏa thuận an ninh với các nước đồng minh, nhưng MOU ký với Maroc là thỏa thuận đầu tiên mà Tel Aviv có với một quốc gia có đa số người Arab.
Israel ký một biên bản ghi nhớ "chưa từng có" với Maroc ảnh 1Quốc kỳ Maroc (trái) và Israel (phải). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 24/11, Israel và Maroc đã ký thỏa thuận hợp tác an ninh, tạo điều kiện cho Rabat nhập khẩu công nghệ cao trong lĩnh vực quốc phòng từ Israel.

Diễn biến mới nhất này cho thấy hai nước đang tăng cường quan hệ sau thỏa thuận bình thường hóa quan hệ năm 2020.

Biên bản ghi nhớ (MOU) đã được ký kết tại Rabat giữa Bộ trưởng phụ trách quốc phòng của Maroc Abdellatif Loudiyi với Bộ trưởng Quốc phòng Israel Benny Gantz nhân chuyến thăm Maroc đầu tiên của một bộ trưởng quốc phòng Israel.

Một quan chức Israel cho biết đây là MOU "chưa từng có" của nhà nước Do Thái.

Theo quan chức này, Israel đã ký một số thỏa thuận an ninh với các nước đồng minh, nhưng MOU ký với Maroc là thỏa thuận đầu tiên mà Tel Aviv có với một quốc gia có đa số người Arab.

Hiện Israel đã thiết lập quan hệ ngoại giao đầy đủ với 4 quốc gia Arab là Ai Cập, Jordan, Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain.

[Israel thiết lập nền tảng quan hệ hợp tác an ninh với Maroc]

Bộ trưởng Gantz cho biết thỏa thuận "sẽ mở đường cho xuất khẩu của Israel sang Maroc."

Bộ Quốc phòng Israel phụ trách giám sát mọi hoạt động xuất khẩu an ninh, trong đó có các sản phẩm tân tiến từ máy bay tấn công không người người lái đến hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt (Iron Dome).

Tuy nhiên, một quan chức quốc phòng Israel nhấn mạnh "quan hệ với Maroc không chỉ dựa trên hoạt động bán vũ khí." Với Maroc, Israel hướng đến "mối quan hệ lâu dài và là hòn đá tảng đối với an ninh Israel."

Một tuyên bố của Chính phủ Maroc cho biết nhân chuyến thăm của Bộ trưởng Gantz, hai bên đã ký các thỏa thuận trong lĩnh vực quốc phòng và an ninh mạng.

Tuyên bố khẳng định hai bên "có lợi ích chung trong việc củng cố quan hệ," đồng thời nhấn mạnh tầm quan trọng của mối quan hệ giữa cộng đồng người Do Thái ở Maroc và cộng đồng người Do Thái gốc Maroc đang sống tại Israel (khoảng 700.000 người).

Năm 1993, Israel và Maroc đã thiết lập quan hệ ở mức thấp nhưng Rabat đã chấm dứt quan hệ này khi phong trào intifada thứ hai của người Palestine bắt đầu năm 2000.

Hai bên đã bình thường hóa quan hệ từ tháng 12/2020, ít lâu sau khi UAE và Bahrain cũng thông báo bình thường hóa quan hệ với Israel.

Sudan cũng đã có quyết định tương tự vào tháng 1/2021 nhưng chưa thiết lập quan hệ chính thức với Israel./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục