Kế hoạch hỗ trợ kinh tế của Israel cho Dải Gaza: Bình cũ, rượu cũ

Kế hoạch phát triển kinh tế cho Dải Gaza của Palestine được nhận định không hề mới, hầu hết vẫn là những gì đã được đề cập trong các chính quyền trước của Israel, không có thêm sự sáng tạo nào.
Kế hoạch hỗ trợ kinh tế của Israel cho Dải Gaza: Bình cũ, rượu cũ ảnh 1Công nhân Palestine làm việc tại một công trường ở khu Bờ Tây. (Nguồn: Reuters)

Ngoại trưởng Israel Yair Lapid ngày 12/9 đã công bố kế hoạch phát triển kinh tế cho Dải Gaza của Palestine, gồm 2 giai đoạn và được cho là "tầm nhìn mới" cho quan hệ giữa hai bên.

Theo nhận định trên báo chí địa phương, kế hoạch này vẫn chỉ bao gồm các ý tưởng cũ và nội dung cũ, vì vậy rất khó khả thi.

Theo jpost.com, phát biểu tại hội nghị do Viện nghiên cứu chính sách chống khủng bố thuộc Đại học Reichman tổ chức, Ngoại trưởng Lapid khẳng định chiến lược phát triển kinh tế Dải Gaza là nhằm kiến tạo môi trường ổn định cho cả hai bên, lấy trọng tâm là thu hút đầu tư quốc tế và quan hệ hợp tác giữa Israel với Palestine.

Giai đoạn một bao gồm khôi phục cơ sở hạ tầng cho Gaza, dưới sự giám sát chặt chẽ của quốc tế. Giai đoạn hai gồm nhiều dự án lớn, bao gồm việc xây dựng một hòn đảo nhân tạo ngoài bờ biển Gaza để xây dựng cảng biển và các dự án cơ sở hạ tầng kết nối Bờ Tây với Gaza.

Kế hoạch cũng bao gồm những đề nghị từ thời chính phủ trước của Israel, như kết nối đường ống cung cấp khí đốt với Gaza, xây dựng nhà máy khử muối để cung cấp nước sạch và mở một cảng biển tại Dải Gaza.

Ông Lapid cho rằng giải quyết khó khăn về kinh tế sẽ góp phần ổn định cuộc sống cho người dân ở khu vực bị phong tỏa này. Tuy nhiên, điều kiện đặt ra là Hamas không được có bất cứ vi phạm nào trong quá trình thực hiện và sau đó Chính quyền Palestine (hiện đang kiểm soát Bờ Tây) sẽ tiếp quản lĩnh vực kinh tế và dân sự ở Dải Gaza, vốn đang do phong trào Hamas quản l‎ý.

Có thể thấy kế hoạch của Ngoại trưởng Lapid là sự tổng hợp chính sách của các chính quyền trước tại Israel kể từ khi Hamas lên nắm quyền tại Dải Gaza năm 2007. Nó phản ánh quan điểm của Israel rằng tình hình hiện tại nếu kéo dài sẽ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Gaza và cuối cùng sẽ tác động tới Israel.

[Israel công bố kế hoạch xây dựng cơ sở hạ tầng, phát triển Dải Gaza]

Trên thực tế, các số liệu tại Gaza cho thấy tình hình rất bi đát: 70% người dân thất nghiệp và nghèo đói. Hầu hết người dân không có nước sạch sinh hoạt. Nguồn điện, nhà ở, hệ thống nước thải thiếu thốn, do mật độ dân số thuộc loại cao nhất thế giới: 5.000 người/km2.

Khoảng 80% dân số Gaza đang sống nhờ vào trợ cấp lương thực. Các cuộc xung đột vũ trang liên miên với Israel trong suốt 14 năm qua càng làm tình hình thêm trầm trọng.

Dân số tăng nhanh trong khi các nguồn lực cho phát triển kinh tế ngày càng khan hiếm, khiến mảnh đất bị Israel phong tỏa này hầu như không còn cơ hội phát triển nào cho trên 2 triệu người dân.

Cuộc khủng hoảng nhân đạo tại Gaza bấy lâu vẫn là một vấn đề nan giải với Israel. Vì vậy, kế hoạch của Ngoại trưởng Lapid đã đi rất đúng hướng khi đề xuất các biện pháp khẩn cấp nhằm giải quyết khó khăn kinh tế cho người dân Gaza.

Tuy nhiên, xét về nội dung các biện pháp này không hề mới, hầu hết vẫn là những gì đã được đề cập trong các chính quyền trước của Israel, và về phương pháp cũng không có thêm sự sáng tạo nào. Kế hoạch này phản ánh tinh thần các chính sách đã được liên tục nêu ra kể từ năm 2007, đó là “đổi kinh tế lấy hòa bình.”

Nói cách khác, Israel không tính đến việc dùng vũ trang để lật đổ lực lượng Hamas tại Gaza. Thay vào đó, Nhà nước Do Thái hy vọng đời sống kinh tế cải thiện về trung và dài hạn cuối cùng tự nó sẽ hất đổ hoặc ít nhất sẽ kiềm chế sự cai trị của Hamas khi người dân được nếm trải nhiều hơn sự tự do về tinh thần và vật chất.

Chủ trương này đến này vẫn chưa chứng tỏ tính thực tế. Bất chấp nỗi thống khổ mà người dân tại Gaza phải gánh chịu trong suốt 14 năm qua, vẫn chưa có cuộc nổi dậy nào chống lại lực lượng Hamas.

Đây cũng là một trong những điểm yếu trong kế hoạch của Ngoại trưởng Lapid, bởi theo quan điểm của Israel, Hamas là một “tổ chức khủng bố”, một kẻ thù của Nhà nước Do Thái; lợi ích của Hamas không đồng hành với lợi ích của người dân Palestine tại Dải Gaza.

Tuy nhiên, kể cả khi không xét tới yếu tố trên, tính khả thi của kế hoạch vẫn khá thấp. Thứ nhất là sự đồng thuận nội bộ. Chỉ cách đây vài ngày, chính phủ Israel vẫn khẳng định sẽ không có hỗ trợ kinh tế nào cho Gaza nếu vấn đề tù binh và hài cốt binh sĩ Israel do phía Hamas nắm giữ chưa được giải quyết.

Trong khi đó, ông Lapid nhấn mạnh quan điểm của chính phủ Israel về vấn đề này là bất biến. Thứ hai, những động thái gần đây trong chính phủ liên minh của hai thủ tướng luân phiên Bennett-Lapid cho thấy Israel quan tâm cải thiện mối quan hệ với Chính quyền Palestine (PA) tại Ramallah.

Bản thân ông Lapid cũng nhấn mạnh điều này khi công bố kế hoạch nói trên. Vậy PA sẽ đóng vai trò gì? Kế hoạch sẽ chỉ được triển khai và phát huy hiệu quả khi người Palestine ở hai vùng lãnh thổ bị chia cắt bắt đầu một tiến trình “hòa giải nội bộ.”

Đây là một điểm rất nhạy cảm, do PA sẽ không muốn bị xem là giành quyền kiểm soát toàn bộ Palestine với sự hỗ trợ của Israel.

Để kế hoạch có tính khả thi và không rơi vào khoảng không như các tuyên bố trước đây của Israel về Dải Gaza, Israel cần huy động sự tham gia hỗ trợ của các quốc gia khác có liên quan. Trong bối cảnh hiện nay, Hamas đang chịu sức ép của quốc tế trong một số vấn đề, nhất là trong việc tiếp nhận viện trợ tài chính từ Qatar để tái thiết Gaza sau cuộc chiến tháng 5 vừa qua.

Tiếng nói của Mỹ và Ai Cập lúc này sẽ đặc biệt quan trọng. Ngoài ra, cần thuyết phục Hamas rằng tổ chức này sẽ chỉ thua thiệt nếu tiếp tục đào hầm và sản xuất tên lửa để gây chiến. Tuy nhiên, triển vọng cho các hướng đi này đều khá mờ mịt./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục