Kế hoạch mua máy bay F-35 của Thái Lan khiến Mỹ “tiến thoái lưỡng nan”

Kế hoạch mua máy bay F-35 của Thái Lan khiến Mỹ “tiến thoái lưỡng nan"

Theo giới phân tích, không có gì đảm bảo rằng Washington sẽ chấp thuận thương vụ mua bán máy bay F-35 vì Thái Lan có mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Trung Quốc - đối thủ chiến lược của Mỹ.
Kế hoạch mua máy bay F-35 của Thái Lan khiến Mỹ “tiến thoái lưỡng nan" ảnh 1Chiến đấu cơ F-35 của Mỹ. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Theo trang mạng eurasiareview.com, một cặp máy bay chiến đấu F-35 của Mỹ đang được trưng bày tại Triển lãm Hàng không Singapore (Singapore Airshow) trong tuần này, mục tiêu là để thu hút những khách hàng tiềm năng trong một khu vực đầy biến động.

Một số đồng minh quan trọng của Mỹ đã sở hữu F-35, bao gồm Hàn Quốc, Australia và Nhật Bản. Singapore cũng chuẩn bị gia nhập danh sách này. Khách hàng tiếp theo có thể là Thái Lan, đồng minh hiệp ước lâu đời của Mỹ ở châu Á.

Tuy nhiên, theo giới phân tích, không có gì đảm bảo rằng Washington sẽ chấp thuận thương vụ mua bán này vì Thái Lan có mối quan hệ quốc phòng chặt chẽ với Trung Quốc - đối thủ chiến lược của Mỹ.

Hai trong số ba phiên bản của máy bay F-35 là F-35A và F-35B đã được gửi đến triển lãm lần này, cùng với một số máy bay quân sự khác của Mỹ. Nhiều người coi đây là nỗ lực (của Mỹ) để gây ấn tượng với thị trường khu vực trong bối cảnh Washington lo ngại về cái mà họ gọi là “sự cưỡng ép và gây hấn mạnh mẽ nhất ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương” của Trung Quốc.

Máy bay chiến đấu tàng hình này, do tập đoàn hàng không quốc phòng Mỹ Lockheed Martin sản xuất, đã được nhắc tới trên báo chí sau khi một chiếc F-35C đâm vào tàu sân bay USS Carl Vinson ở Biển Hoa Nam (Biển Đông) vào cuối tháng 1/2022. Quân đội Mỹ đang tìm kiếm chiếc máy bay đã rơi xuống đáy đại dương.

Richard Bitzinger, thành viên cấp cao của Chương trình Chuyển đổi Quân sự tại Trường Nghiên cứu Quốc tế S. Rajaratnam ở Singapore, cho rằng bất chấp sự cố đó, F-35 vẫn là “máy bay chiến đấu có công nghệ tiên tiến nhất trên thị trường hiện nay.”

[Phần Lan hiện đại hóa không quân với 64 chiến đấu cơ F-35 của Mỹ]

Hãng Reuters cho biết Tim Cahill, Phó Chủ tịch cấp cao phụ trách kinh doanh toàn cầu của Lockheed Martin, xác nhận bên lề Triển lãm Hàng không Singapore rằng Thái Lan đã bày tỏ sự quan tâm đến máy bay chiến đấu F-35, nhưng điều đó vẫn tùy thuộc vào chính phủ Mỹ. Cahill được dẫn lời cho biết: "Đây sẽ là một quyết định chính sách của chính phủ Mỹ.”

Sự quan tâm mạnh mẽ

Chính phủ và lực lượng không quân Thái Lan chưa đưa ra bình luận gì. Giữa tháng 1/2022, nội các Thái Lan về nguyên tắc đã đồng ý ủng hộ kế hoạch mua 4 máy bay chiến đấu mới của Không quân Hoàng gia Thái Lan với giá 13,8 tỷ baht (415 triệu USD) trong năm tài chính 2023 để thay thế phi đội F-16A/B Fighting Falcons cũ kỹ.

Tư lệnh lực lượng không quân Napadej Dhupatemiya trước đó đã bày tỏ sự quan tâm mạnh mẽ đến máy bay chiến đấu tàng hình F-35 và có vẻ tự tin về thương vụ vì loại máy bay này có giá thành hợp lý hơn, ở mức 80 triệu USD/chiếc. Ông nói rằng F-35 có hiệu suất “đỉnh cao” và thương vụ này sẽ giúp Thái Lan “đứng ngang hàng với nhóm các quốc gia có máy bay chiến đấu tiên tiến.”

Andreas Rupprecht, một chuyên gia về hàng không quân sự của Trung Quốc, cho rằng việc Thái Lan quan tâm đến máy bay chiến đấu của Mỹ là đáng ngạc nhiên “vì Thái Lan đã chuyển hướng xích lại gần Trung Quốc hơn trong những năm gần đây.”

Rupprecht nói: “Tôi đã tưởng rằng [không quân Thái Lan] sẽ chọn một loại vũ khí như J-10C do Trung Quốc sản xuất, đặc biệt là sau khi các máy bay chiến đấu của Trung Quốc tham gia các cuộc tập trận chung của Không quân Trung-Thái gần đây.”

J-10C là máy bay chiến đấu đa năng của Không quân Trung Quốc, với 25 chiếc trong số đó đã được bán cho Pakistan. Mong muốn của Thái Lan về việc mua máy bay chiến đấu của Mỹ cũng vấp phải sự chỉ trích ở chính quốc gia Đông Nam Á này, khi một số nhà phân tích cho rằng đó là “động cơ kín đáo hơn là mục tiêu chiến lược.”

Thitinan Pongsudhirak, giáo sư và nhà chính trị học hàng đầu tại trường Đại học Chulalongkorn, nhận định: “Sự quan tâm của không quân Thái Lan đối với F-35 là mang tính cơ hội vì một chính phủ được quân đội hậu thuẫn đang nắm quyền trong khi quân đội đang củng cố quyền lực sau 2 cuộc đảo chính năm 2006 và năm 2014. Không giống như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Đài Loan, nhận thức của Thái Lan về các mối đe dọa rình rập không hối thúc họ mua các máy bay F-35 tiên tiến. Thái Lan có quan hệ chặt chẽ với Trung Quốc và không có vấn đề biên giới với các nước láng giềng.”

Thiếu sự tin tưởng?

Ian Storey, nhà nghiên cứu cấp cao của Viện ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng quan hệ quân sự ngày càng tăng của Thái Lan với Trung Quốc là một trong những lý do chính khiến Mỹ cân nhắc trong việc bán máy bay tối tân của họ cho Bangkok. Storey lập luận: “Thái Lan là một đồng minh hiệp ước của Mỹ, vì vậy họ có lợi thế lớn. Tuy nhiên, Mỹ vẫn lo ngại rằng các công nghệ nhạy cảm của máy bay chiến đấu này có thể bị quân đội Thái Lan rò rỉ cho đối tác Trung Quốc. Mỹ đã loại Thổ Nhĩ Kỳ khỏi chương trình F-35 vì nước này quá gần gũi với Nga.”

Bitzinger đã liên hệ việc Mỹ chấm dứt bán 100 chiếc F-35A cho Ankara vào năm 2019 với việc Thổ Nhĩ Kỳ quyết định mua hệ thống phòng không S-400 của Nga.

Một tuyên bố của Nhà Trắng vào thời điểm đó cho biết: “F-35 không thể cùng tồn tại với một nền tảng thu thập thông tin tình báo của Nga mà sẽ được sử dụng để tìm hiểu về các khả năng tiên tiến của nó.”

Bitzinger đã so sánh vụ việc này với hy vọng mua máy bay F-35 của Thái Lan. Ông nói: “Thái Lan đã mua rất nhiều vũ khí của Trung Quốc: tàu khu trục, tàu ngầm và xe tăng chỉ là một số mặt hàng mới nhất mà họ mua từ Trung Quốc. Trước những lo ngại lớn hơn về việc bảo vệ các công nghệ của F-35, tôi nghi ngờ liệu Washington có sẵn sàng tin tưởng Thái Lan hơn hay không.”

Bên cạnh F-16 và F-5, Không quân Hoàng gia Thái Lan đang vận hành 11 máy bay chiến đấu JAS-39 Gripen của Thụy Điển và các chuyên gia hàng không cho rằng Thái Lan có thể mua thêm những chiếc này, hoặc Rafale của Pháp, giống như Indonesia.

Ngày 10/2, Jakarta đã ký hợp đồng mua 42 máy bay chiến đấu đa năng Dassault Rafale, lô 6 chiếc đầu tiên sẽ được giao vào năm 2026. Theo ông Storey, cùng ngày, chính quyền Biden cũng phê duyệt thương vụ bán vũ khí trị giá gần 14 tỷ USD gồm 36 máy bay chiến đấu F-15 cho Indonesia và đó có thể là một lựa chọn cho Thái Lan.

Thị trường phát triển của F-35

F-35 Lightning II là máy bay chiến đấu đa nhiệm một chỗ ngồi, một động cơ, có khả năng tàng hình để tránh radar. Một số đồng minh và đối tác đáng tin cậy nhất của Washington ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã mua hoặc đang trong quá trình mua F-35. Australia đã mua 72 chiếc F-35A và nhận được 44 chiếc đầu tiên vào cuối năm 2021.

Không quân Hoàng gia Australia dự kiến sẽ đưa tất cả máy bay F-35 vào hoạt động vào cuối năm 2023 và đang xem xét mua thêm. Nhật Bản, quốc gia đang đối mặt với các mối đe dọa từ Trung Quốc, vào tháng 12/2018 đã công bố kế hoạch mua 105 máy bay F-35, bao gồm 63 chiếc F-35A và 42 chiếc F-35B, bên cạnh 42 chiếc F-35A mà họ đã mua trước đó.

Hàn Quốc đã mua 40 chiếc F-35A vào năm 2014 và phê duyệt một lô tiếp theo gồm 20 chiếc nữa. Seoul cũng đang xem xét mua F-35B.

Singapore trở thành quốc gia mới nhất ở Ấn Độ Dương mua máy bay chiến đấu tàng hình từ Mỹ với lô đầu tiên được cho là 12 chiếc F-35B. Theo ấn bản hàng tháng của mạng tin Aviation International News, Bộ Ngoại giao Mỹ đã chấp thuận yêu cầu của Singapore vào tháng 1/2020 và máy bay sẽ được giao vào năm 2026./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục