Kênh Nile TV phát sóng trực tiếp về quan hệ Việt Nam-Ai Cập

Theo Đại sứ Nguyễn Huy Dũng, Việt Nam và Ai Cập có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực thương mại, du lịch, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân...
Kênh Nile TV phát sóng trực tiếp về quan hệ Việt Nam-Ai Cập ảnh 1Đại sứ Nguyễn Huy Dũng trả lời phỏng vấn trực tiếp trên Nile TV.(Nguồn: Vietnam+/TTXVN)

Theo phóng viên TTXVN tại Cairo, tối 10/5, trong khuôn khổ các hoạt động kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại Việt Nam-Ai Cập (1/9/1963-1/9/2023), Đại sứ quán Việt Nam tại Ai Cập và Kênh truyền hình đối ngoại Nile TV của Đài Truyền hình Quốc gia Ai Cập đã phối hợp thực hiện chương trình truyền hình trực tiếp đặc biệt về quan hệ song phương giữa hai nước.

Đại sứ Việt Nam tại Ai Cập Nguyễn Huy Dũng đã tham dự chương trình và trả lời phỏng vấn về quan hệ Việt Nam-Ai Cập cũng như triển vọng hợp tác trên các lĩnh vực giữa hai bên.

Trong phần trả lời phỏng vấn trực tiếp trên Nile TV, Đại sứ Nguyễn Huy Dũng đã điểm lại những chặng đường phát triển của mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa Việt Nam và Ai Cập trong 60 năm qua. Ai Cập là quốc gia đầu tiên ở châu Phi-Trung Đông thiết lập quan hệ ngoại giao với Việt Nam vào năm 1963.

Đại sứ khẳng định quan hệ Việt Nam-Ai Cập đã có những bước phát triển mạnh mẽ trên tất cả các lĩnh vực trong hơn 60 năm qua, và dù xa xôi về địa lý nhưng hai dân tộc có nhiều điểm tương đồng về lịch sử. Theo Đại sứ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã đặt nền móng cho mối quan hệ hữu nghị giữa hai nước.

Chủ tịch Hồ Chí Minh đã ba lần đến thăm Ai Cập trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Người vào các năm 1911 và 1946. Người đã thăm Kim Tự tháp Saqqara, Đền thờ Luxor, Bảo tàng Ai Cập ở Cairo... Chủ tịch Hồ Chí Minh cũng là người kiến tạo và lập ra Văn phòng Thương Vụ Việt Nam tại Ai Cập vào năm 1958, tạo tiền đề cho hợp tác kinh tế giữa hai nước sau này.

Đại sứ nhấn mạnh quan hệ song phương Việt Nam-Ai Cập ngày càng được củng cố và phát triển lên tầm cao mới, với các chuyến thăm cấp cao của lãnh đạo hai nước trong các năm 2017 và 2018.

Nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Ai Cập Abdel Fattah El Sisi năm 2017 và chuyến thăm Ai Cập của cố Chủ tịch nước Trần Đại Quang vào năm 2018, hai nước đã ký nhiều văn kiện hợp tác song phương.

Hai bên hiện đang tích cực phối hợp để thực hiện hiệu quả các thỏa thuận này. Các chuyến thăm của lãnh đạo cấp cao hai nước có ý nghĩa to lớn trong việc thúc đẩy quan hệ hợp tác song phương trong tất cả các lĩnh vực.

Việt Nam và Ai Cập cũng thường xuyên tổ chức tham vấn chính trị giữa Bộ Ngoại giao hai nước, qua đó hai bên chia sẻ quan điểm nhất quán về các vấn đề khu vực và quốc tế, đồng thời hợp tác chặt chẽ trong khuôn khổ các tổ chức quốc tế nhằm đạt được lợi ích chung.

Gần đây nhất, hai nước đã ủng hộ nhau tại Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. Bên cạnh đó, Chính phủ Ai Cập và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) mà Việt Nam là một thành viên đã ký Hiệp ước Thân thiện và Hợp tác (TAC).

Về quan hệ kinh tế-thương mại song phương, Đại sứ khẳng định Ai Cập là một trong những đối tác thương mại quan trọng và là thị trường tiềm năng của Việt Nam tại Bắc Phi. Trao đổi thương mại giữa hai nước năm 2022 đã tăng trưởng đáng kể. Hai nước đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại hai chiều lên 1 tỷ USD trong thời gian tới.

[Chủ động thúc đẩy hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam-Ai Cập]

Các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam sang thị trường Ai Cập bao gồm máy vi tính, hàng điện tử, linh kiện, kim loại, sợi, phụ tùng, điện thoại, phương tiện vận tải, hạt tiêu, cà phê, rau quả... Việt Nam nhập khẩu từ Ai Cập rau quả, nguyên liệu nhựa, phân bón, nguyên phụ liệu dệt may... Ủy ban Hỗn hợp Liên Chính phủ về hợp tác kinh tế, khoa học và công nghệ giữa hai nước dự kiến sẽ tổ chức kỳ họp thứ 6 trong năm nay để xem xét và xác định các hướng hợp tác tiếp theo.

Kênh Nile TV phát sóng trực tiếp về quan hệ Việt Nam-Ai Cập ảnh 2Đại sứ Nguyễn Huy Dũng trả lời phỏng vấn trực tiếp trên Nile TV. (Nguồn: Vietnam+/TTXVN)

Ai Cập là cửa ngõ để Việt Nam tiếp cận thị trường châu Phi và Trung Đông, trong khi Việt Nam là cửa ngõ để các doanh nghiệp Ai Cập mở rộng hoạt động kinh doanh, đầu tư vào thị trường ASEAN. Việt Nam sẵn sàng hỗ trợ Ai Cập tiếp cận thị trường ASEAN.

Theo Đại sứ, Việt Nam và Ai Cập có nhiều tiềm năng để đẩy mạnh hợp tác trên tất cả các lĩnh vực, nhất là các lĩnh vực thương mại, du lịch, văn hóa, giáo dục, giao lưu nhân dân... Đặc biệt, hợp tác địa phương cũng đã được đẩy mạnh trong thời gian qua. Tỉnh Ninh Bình của Việt Nam và tỉnh Luxor của Ai Cập đã ký thỏa thuận hợp tác và hữu nghị.

Hiện nay, thủ đô Hà Nội và thủ đô Cairo đang hoàn thiện thỏa thuận để ký trong thời gian tới. Đại sứ bày tỏ hy vọng các thỏa thuận kết nghĩa giữa Việt Nam và Ai Cập sẽ góp phần quan trọng trong việc thúc đẩy các hoạt động du lịch giữa hai nước.

Với thời lượng 45 phút, Chương trình truyền hình trực tiếp của Kênh truyền hình Nile TV về quan hệ Việt Nam-Ai Cập đã giới thiệu các nét văn hóa đặc sắc của Việt Nam cũng như các lĩnh vực thế mạnh của mỗi nước, đồng thời nêu bật những triển vọng hợp tác giữa hai nước trên tất cả các lĩnh vực chính trị, ngoại giao, kinh tế, thương mại, văn hóa, giáo dục, du lịch và giao lưu nhân dân./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục