Kết nối cảng biển phát triển công nghiệp: Hình thành chuỗi phát triển

Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ tập trung phát triển trung tâm logistics trên hành lang kinh tế ven biển; phát triển trung tâm logistics phục vụ trung chuyển hàng hóa giữa Bà Rịa-Vũng Tàu với các tỉnh phía Nam.
Kết nối cảng biển phát triển công nghiệp: Hình thành chuỗi phát triển ảnh 1Cảng Quốc tế Gemalink, cảng nước sâu có quy mô lớn nhất tại khu vực Cái Mép-Thị Vải (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Hiện Bà Rịa-Vũng Tàu đang chú trọng đầu tư hệ thống hạ tầng giao thông kết nối cảng biển với khu công nghiệp, đồng thời phối hợp với các bộ ngành và địa phương trong vùng hoàn thiện hệ thống hạ tầng giao thông kết nối nhằm tăng cường sự liên kết phát triển; trong đó, tỉnh chú trọng hình thành vành đai kết nối các khu kinh tế ven biển để tạo thành chuỗi vành đai hướng biển trong khu vực.

Hoàn thiện hệ sinh thái logistics

Tại buổi làm việc với Bà Rịa-Vũng Tàu cuối năm 2021, Thủ tướng Phạm Minh Chính định hướng tỉnh cần quan tâm thúc đẩy phát triển lĩnh vực logistics trở thành trung tâm logistics lớn của khu vực và thế giới. Phát triển hạ tầng kết nối vùng, kết nối các trục giao thông lớn của quốc gia và quốc tế.

Phát huy tốt hơn nữa những tiềm năng và lợi thế hiếm có của một tỉnh nằm ở trung tâm Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Bà Rịa-Vũng Tàu tập trung phát triển mạnh về công nghiệp chế biến chế tạo; phát huy lợi thế là 1 trong 2 cảng biển nước sâu của quốc gia, nhất là hệ thống cảng đặc biệt Cái Mép-Thị Vải, nâng cao sức cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.

Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải đang thiếu khu vực logistics sau cảng và hệ sinh thái dịch vụ hỗ trợ. Phần lớn lượng hàng hóa xuất khẩu vẫn thực hiện các công đoạn khai thác (đóng container, kiểm định, khai quan…) tại ICD ở các tỉnh khác, sau đó vận chuyển bằng sà lan để đưa lên tàu mẹ tại khu vực Cái Mép-Thị Vải.

Do đó, cùng với việc phát triển hệ thống cảng biển thì dịch vụ hậu cần cảng, logistics tiếp tục được thúc đẩy hoạt động, hiện nay tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đang triển khai kêu gọi đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ với quy mô diện tích 1.686 ha.

Theo Báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án Trung tâm logistics Cái Mép Hạ, với công suất quy hoạch khu cảng cửa ngõ Cái Mép dự kiến đạt 12,8 triệu TEU (năm 2030) và trên 34,5-41,4 triệu TEU (giai đoạn 2030-2050), dự án là yêu cầu cấp thiếp để đáp ứng nhu cầu xử lý hàng hóa cho cụm cảng.

Việc đầu tư xây dựng Trung tâm logistics Cái Mép Hạ giúp đón đầu sự phát triển của cụm cảng Cái Mép-Thị Vải; giải quyết các điểm yếu trong phát triển cụm cảng Cái Mép-Thị Vải hiện tại; hiện thực hóa chính sách phát triển cảng biển và dịch vụ logistics của Đảng, Nhà nước.

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, việc xây dựng Trung tâm logistics sẽ giúp hoàn thiện mắt xích quan trọng để hình thành nền kinh tế hàng hải, đồng thời tạo lập hệ sinh thái hoàn chỉnh. Bên cạnh cảng biển quốc tế, Trung tâm logistics này sẽ là nền tảng để các dịch vụ hỗ trợ hàng hải, dịch vụ kho bãi, dịch vụ hỗ trợ vận chuyển đa phương thức, và các dịch vụ tài chính, bảo hiểm, ngân hàng cùng thương mại quốc tế phát triển tại khu vực Cái Mép-Thị Vải.

[Bà Rịa-Vũng Tàu với hướng phát triển mới từ kinh tế tuần hoàn]

Trung tâm logistics này sẽ hỗ trợ phát triển các khu công nghiệp, khu chế xuất, đồng thời tạo điều kiện cho phát triển đô thị nhằm đẩy nhanh quá trình công nghiệp hóa và hiện đại hóa; tạo động lực phát triển kinh tế xã hội của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, Vùng Kinh tế trọng điểm phía Nam nói riêng và Việt Nam nói chung.

Khai thác lợi thế cảng biển, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã quy hoạch phát triển 12 khu công nghiệp ven biển với 10 khu đang hoạt động và 2 khu đang triển khai các thủ tục đầu tư. Các khu công nghiệp này đã góp phần rất lớn vào việc thúc đẩy ngành công nghiệp của tỉnh.

Theo các chuyên gia kinh tế, hiện hàng hóa từ Cái Mép-Thị Vải chỉ mất 16 ngày để đến Bờ Tây của Hoa Kỳ và 21 ngày đến châu Âu. Việc đầu tư mạnh mẽ cho khu vực này không chỉ phát triển cho Bà Rịa-Vũng Tàu mà cho cả vùng trọng điểm phía Nam trong tương lai.

Kết nối cảng biển phát triển công nghiệp: Hình thành chuỗi phát triển ảnh 2Cụm cảng Cái Mép-Thị Vải (thị xã Phú Mỹ, tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu). (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Theo ông Phạm Anh Tuấn - Tổng giám đốc Công ty cổ phần Tư vấn thiết kế cảng-kỹ thuật biển (Portcoast), đến năm 2030 lượng hàng hóa về Cái Mép-Thị Vải sẽ đứng đầu khu vực phía Nam. Hàng hóa đi từ Cái Mép-Thị Vải rất thuận lợi, có thể tiếp nhận được các tàu lớn không cần trung chuyển qua Singapore hay Hong Kong (Trung Quốc), từ đây có thể đi trực tiếp đi châu Âu hay Hoa Kỳ.

Hiện nhiều đối tác Anh, Pháp, Nhật Bản quan tâm đặc biệt đến các trung tâm logistics; trong đó có Bà Rịa-Vũng Tàu. Do đó, tỉnh cần phát triển theo chiều sâu, bền vững, tập trung vào dịch vụ logistics; trong đó, chú trọng phát triển hạ tầng kết nối, không chỉ kết nối vùng mà còn kết nối khu vực để làm nền tảng phát triển trong giai đoạn tới, theo hướng công nghiệp xanh, công nghiệp sạch, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ chế biến chế tạo.

Phát triển hành lang kinh tế biển

Theo Quyết định 1579/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, Cái Mép-Thị Vải đã được phê duyệt là 1 trong 2 cảng đặc biệt trong hệ thống cảng biển Việt Nam. Với việc trở thành nhóm cảng biển đặc biệt, các dự án kết cấu hạ tầng hàng hải sẽ được ưu tiên đầu tư, gồm đầu tư nâng cấp tuyến luồng Cái Mép-Thị Vải phục vụ tàu đến 200.000 tấn (18.000 TEU); đáp ứng thông quan lượng hàng hóa từ 1.140-1.423 triệu tấn; trong đó hàng container từ 38-47 triệu TEU.

Dù được quy hoạch với vai trò, vị thế quan trọng song Cái Mép-Thị Vải chưa có cơ chế đặc biệt để phát triển nhằm đáp ứng kỳ vọng của các nhà đầu tư, khách hàng. Nghị quyết 24-NQ/TW của Bộ Chính trị vừa qua đã mở ra nhiều cơ hội mới cho Cái Mép-Thị Vải, đó là đề cập đến việc thực hiện thí điểm những mô hình, cơ chế, chính sách mới vượt trội, cạnh tranh quốc tế cao, tạo đột phá nhằm phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế vùng.

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho rằng, sáng kiến hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ không phải là một cơ chế ưu đãi dành riêng cho Bà Rịa-Vũng Tàu mà là cơ chế đặc thù cho cả vùng Đông Nam Bộ. Sự ra đời của khu thương mại tự do Cái Mép Hạ sẽ tạo ra một công cụ kinh tế hữu hiệu để Việt Nam có thể cạnh tranh với các nước khu vực trong thu hút đầu tư và thực hiện chiến lược công nghiệp hóa giai đoạn mới.

Nghị quyết 24-NQ/TW vừa ban hành cũng đã có chủ trương, định hướng phát triển Bà Rịa-Vũng Tàu thành Trung tâm kinh tế biển quốc gia, nằm trong tiểu vùng ven biển của vùng Đông Nam Bộ, phát triển mạnh cảng biển, logistics, khai thác dầu khí, hóa dầu và du lịch… Hình thành khu thương mại tự do gắn với cảng biển tại khu vực Cái Mép Hạ.

Theo ông Phạm Quốc Long - Chủ tịch Hiệp hội Đại lý và Môi giới hàng hải Việt Nam (VISABA), cần có quy hoạch quỹ đất để xây dựng các cảng cạn container rỗng, bãi tập kết hàng hóa, phương tiện. Ngoài ra, sớm nghiên cứu triển khai mô hình khu phi thuế quan tại Cái Mép-Thị Vải. Đây là cơ sở bền vững để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh khai thác cảng nói riêng và thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội cho địa phương nói chung.

Để chuẩn bị sẵn sàng cho việc hình thành Khu thương mại tự do Cái Mép Hạ, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết tỉnh đã chủ động triển khai một số công việc cần thiết như cập nhật chủ trương phát triển khu thương mại tự do vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Tổ chức lập quy hoạch Trung tâm logistic Cái Mép Hạ với diện tích 1.686 ha.

Tỉnh cũng triển khai đầu tư các công trình giao thông kết nối liên cảng và liên vùng; phối hợp với Trung ương và các địa phương trong vùng thúc đẩy triển khai các dự án giao thông kết nối Vùng Đông Nam Bộ; đặc biệt là kết nối hệ thống cảng Thị Vải-Cái Mép với Cảng hàng không quốc tế Long Thành, Trung tâm tài chính quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, các trung tâm công nghiệp, đô thị trong vùng.

Kết nối cảng biển phát triển công nghiệp: Hình thành chuỗi phát triển ảnh 3Việt Nam thu hút đầu tư phát triển hạ tầng logistics. (Ảnh: Hồng Đạt/TTXVN)

Bà Rịa-Vũng Tàu đang dồn lực xây dựng hệ thống kết nối hạ tầng giao thông vận tải kết nối tới cảng nước sâu và mạng lưới logistics trên địa bàn. Tỉnh sẽ tập trung phát triển trung tâm logistics trên hành lang kinh tế ven biển; phát triển trung tâm logistics phục vụ trung chuyển hàng hóa giữa Bà Rịa-Vũng Tàu với các tỉnh, thành khu vực phía Nam, trung chuyển hàng hóa xuất nhập khẩu thông qua cảng biển.

“Khu mậu dịch tự do Cái Mép Hạ cũng được định hướng phát triển tạo điều kiện thu hút các tập đoàn kinh tế toàn cầu dịch chuyển chuỗi cung ứng toàn cầu về Cái Mép-Thị Vải; thành lập trung tâm phân phối hàng hóa kết nối sân bay Long Thành và cảng Cái Mép-Thị Vải nhằm kết hợp vận tải đa phương thức," Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Nguyễn Văn Thọ cho biết.

Cùng đó, tỉnh sẽ nghiên cứu hình thành khu thương mại sau cảng, quy hoạch các khu chức năng gồm khu phi thuế quan, kho bãi; trung tâm phân phối; trung tâm kiểm tra chuyên ngành để phát huy vai trò cảng đầu mối trung chuyển quốc tế, tạo động lực thúc đẩy Bà Rịa-Vũng Tàu trở thành trung tâm logistics và trung chuyển của khu vực.

Bà Rịa-Vũng Tàu tăng cường liên kết với các địa phương để phát huy thế mạnh kinh tế biển, hướng tới hình thành vành đai kết nối khu kinh tế ven biển để tạo thành chuỗi vành đai hướng biển, tạo sự đồng bộ trong giao thương, luân chuyển hàng hóa, vận tải biển, du lịch biển và dịch vụ logistic.

Tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu sẽ đẩy mạnh huy động và sử dụng nguồn lực đầu tư có trọng tâm, trọng điểm và hiệu quả cho phát triển theo mục tiêu xác định; khuyến khích các thành phần kinh tế đầu tư cho phát triển bền vững kinh tế biển cùng một số lĩnh vực tiên phong, mũi nhọn như du lịch biển, logistics, khai thác cảng, khai thác và nuôi trồng thủy sản, dầu khí.../.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục