Theo phóng viên TTXVN tại Vientiane, sáng 26/9 tại Bảo tàng Lịch sử Quân đội Lào, Đại sứ quán Việt Nam tại Lào đã phối hợp với Bộ Quốc phòng Lào tổ chức trọng thể lễ khai mạc triển lãm ảnh “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên đất Lào thời kỳ 1961-1975” nhân kỷ niệm 55 năm Ngày mở đường Tây Trường Sơn (1961-2016).
Tham dự buổi lễ có Chủ tịch Quốc hội Việt Nam Nguyễn Thị Kim Ngân, Phó Chủ tịch nước Lào Phankham Viphavan; Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Mạnh Hùng; Bộ trưởng Quốc phòng Lào Chansamone Chanyalath; Đô trưởng Vientiane Sinlavong Khutphaythun cùng đông đảo đại diện các cơ quan ngoại giao, các tổ chức quốc tế, các tướng lĩnh, chỉ huy nhiều đơn vị quân đội Lào, đại diện Hội cựu chiến binh Bộ đội Trường Sơn; đại diện Hiệp hội Cựu chiến binh Quốc gia Lào và hàng trăm khách tham quan…
Triển lãm ảnh “Đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên đất Lào thời kỳ 1961-1975” là một sự kiện hết sức quan trọng nhằm kỷ niệm 55 năm ngày mở đường Tây Trường Sơn (1961-2016); ghi nhận những đóng góp và sự giúp đỡ vô giá của Đảng, Quân đội và Nhân dân các dân tộc Lào đối với sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của Việt Nam nói chung và đối với quá trình xây dựng, bảo vệ tuyến đường Tây Trường Sơn nói riêng; đồng thời cũng là để giáo dục cán bộ, chiến sỹ và nhân dân hai nước Việt Nam-Lào về quan hệ liên minh chiến đấu Lào-Việt trong cách mạng giải phóng dân tộc và trong quan hệ truyền thống, đoàn kết đặc biệt, hợp tác toàn diện trong xây dựng và bảo vệ tổ quốc hiện nay.
Triển lãm trưng bày gần 100 bức ảnh của các phóng viên chiến trường, tái hiện sinh động và rõ nét một phần thời kỳ hào hùng trong lịch sử cùng chiến đấu và cùng chiến thắng của nhân dân và Quân đội nhân dân hai nước Việt Nam và Lào dưới sự lãnh đạo của Đảng Lao động Việt Nam (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam) và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào… trong đó, có nhiều bức ảnh lần đầu được giới thiệu rộng rãi với công chúng; đặc biệt là tấm bản đồ về mạng đường Hồ Chí Minh-Tây Trường Sơn do các cựu chiến binh Bộ đội Trường Sơn tái hiện trên cơ sở các tư liệu và ký ức lịch sử.
Phát biểu tại lễ khai mạc, Bộ trưởng Quốc phòng Lào-Thượng tướng Chansamone Chanyalath nhấn mạnh Tuyến đường Hồ Chí Minh trên đất Lào là dòng máu nóng tiếp sức cho tiền tuyến, nối miền Bắc Việt Nam qua Lào-Campuchia vào chiến trường miền Nam Việt Nam; khẳng định máu xương của rất nhiều các chiến sỹ và người dân hai nước đã đổ xuống dọc con đường này, hòa quyện vào nhau để đổi lấy nền độc lập, tự do cho hai nước Lào-Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, triển lãm ảnh lần này có ý nghĩa hết sức quan trọng giúp người dân hai nước nói chung, cán bộ chiến sỹ hai nước nói riêng hiểu một cách sâu sắc về tầm quan trọng của tình đoàn kết giữa quân đội và người dân hai nước, đồng thời ôn lại truyền thống lịch sử hào hùng, ghi nhớ công ơn của các chiến sỹ cách mạng hai nước Lào-Việt Nam; góp phần thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị, đoàn kết đặc biệt và hợp tác toàn diện giữa hai nước Lào-Việt Nam.
Trong phát biểu của mình, Đại sứ Việt Nam tại Lào Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh Đường Hồ Chí Minh-Tây Trường Sơn là nơi ý chí, quyết tâm, mồ hôi, nước mắt, xương máu và sự hy sinh quên mình của bộ đội và người dân hai nước Việt Nam và Lào đã quyện lẫn nhau, là con đường huyền thoại đi tới Ngày Chiến thắng của hai dân tộc Việt Nam và Lào; khẳng định Con đường là biểu tượng sáng ngời về sự hy sinh, giúp đỡ chí tình, chí nghĩa của Lào dành cho Việt Nam; là tượng đài vĩ đại và bất tử của mối quan hệ đoàn kết đặc biệt Việt Nam-Lào, Lào-Việt Nam.
Từ tháng 5/1959, để chi viện cho chiến trường miền Nam, đáp ứng nhu cầu của cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước, Quân đội nhân dân Việt Nam đã thành lập Đoàn 559, mở tuyến “Đường Hồ Chí Minh” từ miền Bắc Việt Nam men theo phía Đông dãy Trường Sơn vào Tây Nguyên và miền Đông Nam Bộ.
Do địa hình hiểm trở, nên tuyến đường này thực sự là đường mòn và việc chi viện từ hậu phương miền Bắc cho tiền tuyến miền Nam Việt Nam chỉ có thể thực hiện bằng sức người và các phương tiện thô sơ.
Cuối năm 1960, trước đòi hỏi bức thiết của cách mạng Việt Nam và cách mạng Lào, đại diện Đảng Lao động Việt Nam và Đảng Nhân dân Cách mạng Lào đã gặp nhau tại Hà Nội và phía Lào hoàn toàn nhất trí, ủng hộ Việt Nam mở đường Hồ Chí Minh sang phía Tây Trường Sơn.
Nhờ sự ủng hộ và giúp đỡ chí tình đó, việc mở đường Hồ Chí Minh qua biên giới Việt Nam-Lào sang phía Tây Trường Sơn được gấp rút triển khai.
Từ năm 1961-1975, với ý chí và quyết tâm sắt đá “mở đường mà đi, đánh địch mà tiến,” quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam, Lào đã xây dựng cả mạng lưới đường bộ, đường ống, đường sông, đường ngụy trang… với tổng chiều dài hàng nghìn km cùng hệ thống thông tin liên lạc thông suốt từ miền Bắc Việt Nam đi qua Trung Lào, vươn dài đến Hạ Lào, đến Khu 5 và Đông Nam Bộ của Việt Nam và đến Đông Bắc Campuchia.
Quân đội và nhân dân hai nước Việt Nam, Lào đã sát cánh bên nhau chiến đấu và đảm bảo cho Đường Hồ Chí Minh-Tây Trường Sơn trở thành tuyến vận tải chiến lược, thực sự là “động mạch chủ” của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia. Sự ra đời của con đường đã góp phần to lớn cho chiến thắng năm 1975 của hai nước Việt Nam và Lào anh em.
Ngay khi vừa mở cửa, triển lãm đã thu hút rất đông người đến xem, trong đó có nhiều người là cư dân Lào sinh sống ở thủ đô Vientiane và bà con Việt kiều đang làm ăn sinh sống tại Lào.
Triển lãm sẽ mở cửa đến hết ngày 6/10 tới. Sau thời gian triển lãm tại một vài địa phương tại Lào, toàn bộ số ảnh trưng bày lần này sẽ được tặng lại cho Bảo tàng lịch sử Quân đội Lào để làm tư liệu giáo dục và quảng bá về quan hệ đặc biệt Lào-Việt Nam./.