Giá xuất khẩu của nhóm hàng nông lâm thủy sản tiếp tục giảm mạnh đã gây áp lực không nhỏ đến mục tiêu tăng trưởng xuất khẩu 10% trong năm nay. Đây là một trong những vấn đề được nêu ra tại buổi giao bao trực tuyến do do Bộ Công Thương tổ chức sáng 2/11.
Khối nội vẫn tụt dốc
Theo ông Nguyễn Tiến Vỵ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, kim ngạch xuất khẩu tháng Mười ước đạt 14,4 tỷ USD, tăng 4,2% so với tháng trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước giảm 3,7%, ngược lại khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) tăng 5,7%.
Tính chung 10 tháng, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu ước đạt 134,6 tỷ USD, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 39,5 tỷ USD, giảm 3,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 95,1 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Một số mặt hàng xuất khẩu có kim ngạch tăng cao so với cùng kỳ năm trước là điện thoại các loại và linh kiện đạt 25,8 tỷ USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ năm ngoái; tiếp đến là dệt may đạt 19,2 tỷ USD, tăng 10,4% so với cùng kỳ năm ngoái; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 12,7 tỷ USD, tăng 44% so với cùng kỳ năm ngoái...
Đáng chú ý là dầu thô, than đá và một số mặt hàng nông sản giảm cả về lượng và kim ngạch so với cùng kỳ năm trước: đầu thô giảm 0,2% về lượng và giảm 49,1% về kim ngạch; than đá giảm 75,8% và giảm 65,7% về kim ngạch.
"Do giá xuất khẩu giảm đã làm nhóm nông sản thủy sản giảm khoảng 1,82 tỷ USD trong khi nhóm nhiên liệu, khoảng sản cũng giảm khoảng 3,65 tỷ USD," Vụ trưởng Vụ kế hoạch cho biết.
Nhập siêu cả nước lên 4,1 tỷ USD
Ở chiều ngược lại, báo cáo của Vụ Kế hoạch cho thấy, kim ngạch nhập khẩu tháng Mười ước đạt 14,5 tỷ USD, tăng 3,3% so với tháng trước. Tính chung 10 tháng năm nay, kim ngạch hàng hoá nhập khẩu ước đạt 138,7 tỷ USD, tăng 14,3% so với cùng kỳ năm trước.
Một số mặt hàng có kim ngạch nhập khẩu tăng mạnh là máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng khác đạt 23,1 tỷ USD, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm ngoái; điện tử, máy tính và linh kiện đạt 19,5 tỷ USD, tăng 29,7%; điện thoại các loại và linh kiện đạt 9,1 tỷ USD, tăng 31,8%.
Về nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu 10 tháng ước đạt 5,6 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm ngoái; trong khi nhóm hàng cần hạn chế nhập khẩu đạt gần 5,2 tỷ USD, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm ngoái.
Riêng mặt hàng ôtô nguyên chiếc dưới 9 chỗ vẫn tăng 46,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong tháng Mười, cả nước nhập siêu khoảng 100 triệu USD. Tính chung 10 tháng, nhập siêu của cả nước ước đạt 4,1 tỷ USD, bằng 3,1% kim ngạch hàng hóa xuất khẩu, trong khi khu vực kinh tế trong nước nhập siêu 17,1 tỷ USD thì khu vực có vốn đầu tư nước ngoài xuất siêu 13 tỷ USD.
Tính đến hết tháng Mười, nhập siêu từ Trung Quốc đã lên tới 27,2 tỷ USD, tăng 17,6% so với cùng kỳ năm 2014.
Theo kế hoạch đề ra từ đầu năm, mục tiêu xuất khẩu năm nay sẽ phải tăng 10% so với năm 2014, tương đương phải đạt 165 tỷ USD.
"Trong 10 tháng, xuất khẩu mới đạt 134,62 tỷ USD, bằng 81,6% kế hoạch, như vậy bình quân hai tháng cuối năm phải đạt gần 15,2 tỷ USD mỗi tháng. Đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn, do vậy các cơ quan, bộ ngành cần có các giải pháp quyết liệt mới đạt được mục tiêu đề ra," ông Vỵ nói.
Đánh giá về bức tranh xuất nhập khẩu, đại diện Cục xuất nhập khẩu cho biết, do sự suy giảm của hai nhóm nguyên liệu, khoáng sản và nhóm nông lâm thủy sản đã tác động lớn đến kim ngạch xuất khẩu chung.
Bên cạnh đó, việc Trung Quốc điều chỉnh tỷ giá đồng Nhân dân tệ cũng đã tác động đến kim ngạch xuất nhập khẩu chung của Việt Nam.
Trước những vấn đề nêu trên, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu cho biết, để hoàn thành mục tiêu đề ra, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành chỉ thị số 16/BCT nhằm đẩy mạnh các biện pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp cũng như quyết liệt kiểm soát nhập siêu.
Theo đó, từ nay đến cuối năm, sẽ có nhiều giải pháp thúc đẩy xuất khẩu cũng như quyết liệt kiểm soát nhập siêu dưới mức 5% kim ngạch xuất khẩu mà Quốc hội giao cho ngành công thương./.