Kỳ vọng hợp tác kinh tế từ thỏa thuận giữa Israel và UAE, Bahrain

Việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel với UAE và Bahrain sẽ mở ra cơ hội kinh doanh mới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, đầu tư và du lịch.

Tại sự kiện được tổ chức ở Nhà Trắng ngày 15/9, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã chủ trì việc ký kết các thỏa thuận bình thường hóa quan hệ giữa Israel và hai quốc gia vùng Vịnh là Các tiểu Vương quốc Arab Thống nhất (UAE) và Bahrain.

Một số nhà ngoại giao Arab nằm trong số khoảng 200 người được mời tham dự sự kiện, trong đó có cả đại diện của đảng Dân chủ Mỹ.

Ngoài ra, bên phía Israel có sự hiện diện của Thủ tướng Benjamin Netanyahu, cùng với Ngoại trưởng UAE Abdullah Bin Zayed Al Nahyan và Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid al-Zayani.

Một văn kiện chung được gọi là Hiệp ước Abraham đã được bốn bên ký kết, trong khi Israel ký các thỏa thuận riêng biệt với hai quốc gia vùng Vịnh.

[UAE, Bahrain có thể chịu hậu quả do bình thường hóa quan hệ với Israel]

UAE và Bahrain là quốc gia Arab thứ ba và thứ tư bình thường hóa quan hệ với Israel kể từ Hiệp định Trại David với Ai Cập năm 1979 và Hiệp định Wadi Araba với Jordan năm 1994.

Những người chỉ trích ông Trump đánh giá thấp sự kiện này, coi đây như là một cuộc vận động tranh cử diễn ra chỉ 48 ngày trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ.

Nhưng các thỏa thuận này có giá trị ràng buộc về mặt pháp lý và cả hai quốc gia vùng Vịnh hiện chỉ chờ đợi sự phê chuẩn của họ vào tháng tới trước khi bắt tay vào kỷ nguyên hợp tác với Israel.

Các đối thủ của ông Netanyahu ở Israel và những nơi khác nữa cho biết các thỏa thuận này nhằm mục đích làm xao nhãng những vấn đề mà Thủ tướng Israel đang phải đối mặt ở quê nhà, nhưng không ai ở Israel sẽ chỉ trích một thỏa thuận hòa bình với một quốc gia Arab vì người dân đang muốn bình thường hóa quan hệ với thế giới Arab.

Ở vùng Vịnh, câu chuyện hơi khác một chút, ngay cả khi mọi người dự đoán về những lợi ích của các thỏa thuận hòa bình với Israel.

Tâm trạng đã bớt trầm lắng hơn so với năm ngoái khi ông Trump cùng cố vấn và cũng là con rể Jared Kushner công bố thỏa thuận được gọi là "Hòa bình vì thịnh vượng" để giải quyết vấn đề Palestine.

Lợi ích kinh tế thuộc về những nước nào?

Nhà bình luận chính trị UAE Rashed Murooshid nói với tuần báo Al-Ahram rằng việc bình thường hóa quan hệ giữa Israel với UAE và Bahrain sẽ mở ra cơ hội kinh doanh mới, đặc biệt là trong lĩnh vực công nghệ, đầu tư và du lịch.

Về các thách thức có thể xảy ra đối với một nền hòa bình “nồng ấm” giữa Israel và các nước vùng Vịnh, ông Murooshid cho rằng: “Chúng tôi hướng tới tương lai và lợi ích của sự hợp tác cho tất cả các dân tộc trong khu vực, không phải chịu gánh nặng bởi những cay đắng của quá khứ. Tuy nhiên, điều đó không có nghĩa là từ bỏ các nguyên tắc cơ bản mà chúng tôi tin tưởng, trên hết là giải quyết công bằng và thỏa đáng đối với vấn đề Palestine."

Trong vài tuần kể từ khi công bố thỏa thuận với UAE, nhiều phái đoàn thương mại của Israel đã đến thăm Abu Dhabi và một số thỏa thuận giả định đã được công bố. Ngoài ra, các cuộc tiếp xúc giữa các bộ trưởng Bahrain và các quan chức Israel đã được thực hiện để thảo luận về các khía cạnh hợp tác trong tương lai.

Kỳ vọng hợp tác kinh tế từ thỏa thuận giữa Israel và UAE, Bahrain ảnh 1Lễ ký diễn ra giữa Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu (thứ 2, trái) với Ngoại trưởng Bahrain Abdullatif bin Rashid al-Zayani (trái) và Ngoại trường UAE Sheikh Abdullah Bin Zayed Al Nahyan (phải) tại bãi cỏ phía Nam Nhà Trắng, trước sự chứng kiến của hơn 200 quan khách. (Ảnh: AFP/TTXVN)

Tờ Financial Times của Anh dẫn lời Bộ trưởng Hợp tác khu vực của Israel Ofir Akunis cho biết, Israel dự kiến sẽ ký kết các thỏa thuận trị giá khoảng 500 triệu USD sau khi các thỏa thuận lịch sử về bình thường hóa quan hệ với UAE và Bahrain có hiệu lực.

Theo ông Akunis, Israel sẽ chia sẻ kinh nghiệm chuyên môn của mình trong lĩnh vực khử mặn nước và công nghệ nông nghiệp như những lĩnh vực hứa hẹn nhất để hợp tác với các đối tác kinh doanh mới của mình ở vùng Vịnh, nhưng các khoản đầu tư sẽ khác nhau từ công nghệ, du lịch đến văn hóa và giao thông. Ông Akunis tuyên bố: “Ý tưởng chính ở đây là hòa bình đến thịnh vượng... Chúng tôi muốn có các mối quan hệ kinh tế song phương với UAE và Bahrain để xây dựng một Trung Đông mới.”

Tuy nhiên, theo nhận định của Tổng biên tập hãng truyền thông Middle East Economic Digest (MEED) Richard Thompson, có thể có nhiều “sắc thái” đối với những thỏa thuận và quan hệ đối tác kinh doanh được kỳ vọng lớn này.

Ông Thompson cho rằng: “Các công ty ở vùng Vịnh phải đánh giá mọi rủi ro về pháp lý, thương mại, uy tín và an ninh tiềm ẩn có thể xảy ra từ hoạt động kinh doanh của họ với Israel... Hiện các công ty ở UAE và Bahrain kinh doanh với Israel là hợp pháp, nhưng hiện tại vẫn là bất hợp pháp khi kinh doanh với Israel ở mọi thị trường Arab khác, ngoại trừ Jordan và Ai Cập.

Vấn đề này phát sinh ở Saudi Arabia, Kuwait, Oman, Qatar, Iraq, Liban, Maroc, Algeria và Tunisia. Mọi người hoặc công ty từ các quốc gia đó có giao dịch kinh doanh trực tiếp với người Israel cũng là bất hợp pháp.

Đối với nhiều doanh nghiệp trong khu vực, vị thế của Saudi Arabia sẽ là một yếu tố quan trọng trong cách họ phản ứng như thế nào với những thay đổi này. Mọi thứ đã thay đổi nhanh chóng và bất ngờ, và trong bối cảnh hiện tại, chúng có thể thay đổi một lần nữa. Các công ty nên hành động một cách cẩn trọng.”

Nhưng gần như chắc chắn rằng Saudi Arabia đã đồng ý với các thỏa thuận hòa bình giữa Israel và hai quốc gia vùng Vịnh này, mặc dù Riyadh tuyên bố rằng còn quá sớm để ký một thỏa thuận với Israel.

Liên quan đến những thách thức mà những người làm ăn với Israel có thể gặp phải, nhà bình luận Saudi Arabia Abdel-Aziz Alkhames nói với tuần báo Al-Ahram rằng nhiều quy định hạn chế giao dịch với các công ty có giao dịch với Israel đã bị hầu hết các nước trong khu vực đóng băng từ lâu.

Ông Alkhames cho biết: “Kể từ khi Ai Cập và Jordan ký các thỏa thuận hòa bình với Israel, nhiều quốc gia bao gồm cả Saudi Arabia đã đóng băng các quy tắc tẩy chay của họ. Họ thậm chí còn nới lỏng các quy định về vấn đề chứng nhận xuất xứ để không trừng phạt các doanh nghiệp Ai Cập hoặc Jordan có giao dịch với các công ty Israel.”

Ông Alkhames cho rằng Bahrain sẽ thu được rất ít lợi ích từ thỏa thuận với Israel, mặc dù “có thể nước này sẽ được hưởng lợi từ hợp tác trong lĩnh vực du lịch và trong một số khía cạnh của dịch vụ tài chính.”

Ông Alkhames chỉ rõ: “Israel đặt mục tiêu trở thành một trung tâm tài chính trong khu vực và họ muốn Tel Aviv không phải là Beirut của những năm 1950 đối với khu vực vùng Vịnh,” khi thủ đô của Lebanon cũng đóng vai trò tương tự. Lĩnh vực hợp tác chính có lợi cho UAE, Bahrain và các quốc gia vùng Vịnh khác cũng có thể ký các thỏa thuận bình thường hóa với Israel có thể là công nghệ và các ứng dụng công nghiệp của nước này.

Theo ông Alkhames, quốc gia bị ảnh hưởng nhiều nhất bởi các thỏa thuận hòa bình giữa các nước vùng Vịnh và Israel là Thổ Nhĩ Kỳ. Nhập khẩu trực tiếp từ Israel sẽ tước đi những lợi ích béo bở của Thổ Nhĩ Kỳ.

Jordan cũng có thể mất một số lợi ích mà họ có được từ việc xuất khẩu các sản phẩm sang các nước vùng Vịnh do các doanh nghiệp Israel đầu tư vào Jordan sản xuất.

Triển vọng của một Trung Đông mới?

Cuộc thảo luận trong khu vực bây giờ là về việc quốc gia nào có thể là nước tiếp theo ký thỏa thuận với Israel. Nhiều người đã dự đoán rằng Morroco có thể sớm công bố một thỏa thuận như vậy, nhưng những tuyên bố chính thức từ Rabat đã làm nguội đi dự đoán này.

Tổng thống Trump đã có cuộc điện đàm với Quốc vương Oman vào tuần trước, và đã có những kỳ vọng cao rằng Muscat có thể là thủ đô Arab tiếp theo thông báo bình thường hóa quan hệ với Israel.

Muscat, Doha và Rabat là ba thủ đô Arab đã thành lập văn phòng đại diện dành cho Israel sau Hiệp định Oslo giữa Israel và Palestine vào những năm 1990. Vì lý do này, rất có thể một hoặc tất cả những nơi này sẽ là địa chỉ tiếp theo công bố thỏa thuận với Tel Aviv.

Trước đó, tại sự kiện tối 15/9, theo giờ Trung Đông, Tổng thống Mỹ Donald Trump thông báo rằng có ít nhất 5 hoặc 6 quốc gia Arab sẽ tiếp bước UAE trong lộ trình này.

Thỏa thuận hòa bình Arab-Israel đầu tiên kể từ hiệp ước hòa bình Israel-Jordan năm 1994 này đã giúp nâng tầm chính sách đối ngoại của ông trước cuộc bầu cử Mỹ.

Thỏa thuận này cũng đánh dấu sự khởi đầu của một số lượng thương vụ mua sắm lớn của UAE và các quốc gia vùng Vịnh khác, những nước có nhu cầu mua vũ khí ngày càng lớn.

Các nhà ngoại giao Trung Đông và các nhà bình luận cho rằng lễ ký vào ngày 15/9 tại Nhà Trắng còn mang nhiều ý nghĩa hơn thế nữa.

Trong bài phát biểu trước thềm lễ ký kết, Ngoại trưởng UAE Abdullah bin Zayed Al-Nahyan cho biết: “Hôm nay chúng ta đang chứng kiến một sự thay đổi ở Trung Đông.”

Nhiều nhà phân tích sẽ đồng ý với tuyên bố này. Họ cho rằng những gì đã được thể hiện không khác gì sự xuất hiện của một Trung Đông mới mà đã có hơn một thập kỷ hình thành.

Những diễn biến trong tuần này về mối quan hệ giữa Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh và Israel dường như đang ứng nghiệm lời tiên tri về “Khoảnh khắc vùng Vịnh” đã trở nên phổ biến trong số nhiều trí thức nổi tiếng nhất của Abu Dhabi.

Các mối quan hệ trực tiếp của Abu Dhabi với Israel và mối quan hệ chặt chẽ với Mỹ, hiện đã xác lập cho UAE vị trí đảm nhận vai trò trung tâm hơn nhiều trong việc điều phối các thỏa thuận an ninh khu vực.

Không giống như Ai Cập hay Jordan, những quốc gia đã có thỏa thuận hòa bình với Israel trong nhiều thập kỷ, UAE chưa bao giờ rơi vào tình trạng chiến tranh với Israel.

Các nhà ngoại giao khu vực cho biết họ cũng sẽ né tránh việc tổ chức các cuộc họp phối hợp an ninh được thiết kế để chống lại các nhóm Hồi giáo như Hamas và Hezbollah./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục