Lạm phát tại Mỹ có thể sẽ không nghiêm trọng như những năm 1970

Một số nhà quản lý quỹ và các nhà chiến lược vẫn giữ vững quan điểm cho rằng lạm phát tại Mỹ sẽ sớm đạt đỉnh và nền kinh tế nước này sẽ không rơi vào suy thoái.
Lạm phát tại Mỹ có thể sẽ không nghiêm trọng như những năm 1970 ảnh 1Người dân mua sắm tại một cửa hàng ở New York (Mỹ). (Ảnh: THX/TTXVN)

Theo một số chuyên gia về đầu tư và các nhà kinh tế, việc giá cả tại Mỹ tăng mạnh như hiện nay sẽ không nghiêm trọng như cú sốc kéo dài vào những năm 1970.

Một số nhà quản lý quỹ và các nhà chiến lược vẫn giữ vững quan điểm cho rằng lạm phát sẽ sớm đạt đỉnh và nền kinh tế sẽ không rơi vào suy thoái.

Lạm phát là mối lo ngại, nhưng việc làm vẫn đảm bảo. Tỷ lệ thất nghiệp thấp và lương vẫn tăng, dù không nhanh như giá cả. Những gián đoạn của chuỗi cung ứng có thể sẽ bắt đầu giảm đi, từ đó giảm đáng kể sức ép lên giá hàng hóa.

Nhiều nhà kinh tế và các nhà đầu tư nhận thấy rằng Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã chậm trễ trong việc phản ứng trước vấn đề lạm phát.

Giá cả tăng có thể gây ra tình trạng lạm phát đình trệ, kết hợp giữa tăng trưởng kinh tế trì trệ và lạm phát phi mã. Fed đang tăng lãi suất để ngăn chặn nguy cơ này, điều có thể khiến tăng trưởng kinh tế giảm đáng kể, hay thậm chí là gây suy thoái.

[Lạm phát tại Mỹ tiếp tục tăng lên mức kỷ lục trong hơn 40 năm qua]

Các nhà kinh tế tại UCLA Anderson Forecast cho rằng nền kinh tế sẽ không rơi vào suy thoái trong hai năm tới, nhưng nguy cơ này đã gia tăng.

Fed được cho là sẽ tăng lãi suất đáng kể trong năm nay, điều sẽ làm nhu cầu tiêu dùng tăng chậm lại, đặc biệt là về nhà ở và cũng khiến đầu tư kinh doanh chậm hơn.

Tuy nhiên, một số nhà kinh tế hy vọng rằng giai đoạn tồi tệ nhất của lạm phát sẽ sớm qua. Nhà chiến lược Kit Juckes tại Societe Generale nhận định lạm phát sẽ lên đến đỉnh điểm trong một, hai tháng tới và lạm phát lõi sẽ giảm xuống khoảng 3%.

Người tiêu dùng đang điều chỉnh hành vi. Các tập đoàn bán lẻ Walmart và Target gần đây đã công bố các dự báo kém khả quan khi người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không thiết yếu.

Giám đốc đầu tư tại Verdence Capital Advisors, Megan Horneman, cho rằng sức ép lạm phát hiện nay là đáng kể và là một trong những yếu tố gây rủi ro suy thoái.

Bà cũng cho rằng lạm phát đã gần đạt đỉnh, nhưng các nhà đầu tư cần chuẩn bị tâm lý cho việc lạm phát sẽ cao hơn so với thập niên qua. Theo bà, chuỗi cung ứng sẽ cần cải thiện và nhu cầu cần tăng chậm hơn.

Theo bà Kathy Jones, người phụ trách chiến lược về thu nhập cố định tại Trung tâm nghiên cứu tài chính Schwab, tình hình lạm phát hiện nay sẽ không như giai đoạn đầu những năm 1980, nhưng nguy cơ suy thoái gia tăng./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục