Làm rõ nguyên nhân khiến cá chết trên các sông tại Cà Mau

Đầu năm 2018, hiện tượng cá chết lại xuất hiện trên địa bàn huyện Đầm Dơi, tỉnh Cà Mau nhưng đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa thu được mẫu vật cá chết để xác định nguyên nhân.
Làm rõ nguyên nhân khiến cá chết trên các sông tại Cà Mau ảnh 1Ảnh minh họa. (Nguồn: TTXVN)

Chiều 31/5, Ủy ban Nhân dân tỉnh Cà Mau tổ chức Phiên họp kiểm điểm công tác chỉ đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội tháng 5/2018.

Tại phiên họp, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau Trịnh Văn Lên thông tin tình trạng ô nhiễm môi trường tỉnh Cà Mau còn diễn biến phức tạp, tập trung các tuyến sông nội ô thành phố Cà Mau, Khu Công nghiệp Hòa Trung (xã Lương Thế Trân, huyện Cái Nước), khu dân cư thị trấn Sông Đốc (huyện Trần Văn Thời).

Đặc biệt, đầu năm 2018, hiện tượng cá chết lại xuất hiện trên địa bàn huyện Đầm Dơi. Đến nay, Sở Tài nguyên và Môi trường chưa thu được mẫu vật cá chết để có những biện pháp nghiệp vụ cụ thể xác định nguyên nhân.

Nói về nguyên nhân không thu được mẫu vật cá chết, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau cho biết: “Khi Sở Tài nguyên và Môi trường nhận được báo cáo của Ủy ban Nhân dân huyện Đầm Dơi về hiện tượng trên thì đã trễ vài ngày. Do đó, khi Sở phối hợp với Chi cục Thủy sản, huyện Đầm Dơi xuống khảo sát, không thu được mẫu cá. Trước đó, Sở Tài nguyên và Môi trường đã nhiều lần đề nghị huyện Đầm Dơi bằng văn bản là khi có tình trạng cá chết xuất hiện, cần liên hệ ngay với Giám đốc Sở. Khi đó, chúng tôi sẽ nhanh chóng xuống cơ sở lấy mẫu cá. Bởi chỉ khi có mẫu cá, Chi cục Thủy sản mới phân tích chính xác được nguyên nhân gây ra cá chết, còn nếu không, chỉ dựa vào kết quả quan trắc môi trường, phân tích mẫu nước, từ đó, chỉ có thể khoanh vùng và nghi ngờ những nguyên nhân gây ra hiện tượng cá chết."

Đáng nói là tình trạng cá chết trên sông không phải là hiện tượng mới diễn ra ở địa phương. Trước đó, theo báo cáo Ủy ban Nhân dân huyện Đầm Dơi, tình hình này đã xuất hiện từ cuối năm 2016.

Cụ thể, từ tháng 11/2016, hiện tượng cá chết đã bắt đầu xuất hiện trên sông Gành Hào. Đến ngày 24/4/2017, dọc theo tuyến sông Bảy Háp, Mương Điều, Gành Hào, thuộc hai ấp Trung Cang và Thành Vọng của xã Tân Trung xuất hiện tình trạng cá chết.

Đến ngày 5/6/2017, nước trên các tuyến sông Gành Hào, Mương Điều có mùi hôi thối, nước sông có màu đen xám và xuất hiện cá chết trên những tuyến sông này.

Ngày 20/6/2017, khu vực sông Bảy Háp, kênh Tám Luông và các tuyến sông, kênh thuộc ấp Trung Cang, ấp Thành Vọng xuất hiện tình trạng cá chết hàng loạt. Nước trên các tuyến sông, kênh trên có màu đỏ gạch, đen và mùi rất tanh.

Trước việc cá chết thường xuyên diễn ra, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp cùng Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Phòng Cảnh sát Phòng, chống tội phạm về môi trường (Công an tỉnh Cà Mau)... tiến hành khảo sát thực tế trên tuyến sông Gành Hào, sông Bảy Háp và kênh xáng Lương Thế Trân.

[Kon Tum: Cá chết nổi trắng hồ, người chăn nuôi gặp khó khăn]

Căn cứ kết quả phân tích mẫu nước của Trung tâm Kỹ thuật-Công nghệ-Quan trắc tài nguyên môi trường (Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau), hầu hết các thông số môi trường đều vượt giới hạn quy định so với giá trị bảo tồn động vật thủy sản của Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng mặt nước. Chất lượng mặt nước trên các tuyến sông khảo sát bị ô nhiễm hữu cơ. Các thông số BOD5, COD, Amoni được thể hiện đều có giá trị khá cao, đặc biệt là hàm lượng oxy hòa tan (DO) trên tuyến sông Gành Hào rất thấp. Theo đánh giá của các đơn vị chuyên môn, kết quả thông số phân tích mẫu nước có ảnh hưởng đến nuôi trồng thủy sản.

Cũng theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường Cà Mau, do thời điểm khảo sát và lấy mẫu không trùng thời điểm cá chết (sau thời gian cá chết hơn 5 ngày) nên Tổ công tác không thể lấy mẫu cá xét nghiệm để có thêm cơ sở xác định nguyên nhân. Do đó, việc nghi ngờ môi trường bị ô nhiễm gây chết cá là chưa đủ cơ sở khẳng định.

Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Cà Mau nhấn mạnh: “Tình hình cá chết trên sông năm nay lại xuất hiện, thế nhưng, ngay cả huyện Đầm Dơi từ trước đến nay cũng chưa thu được mẫu vật nào và hiện chỉ có thể khẳng định chắc chắn nguồn nước khu vực đó đã bị ô nhiễm. Tuy nhiên, chưa thể biết được nguyên nhân do nước thải sinh hoạt từ thành phố Cà Mau đổ về hay nước thải từ khu công nghiệp gây nên hay do cả hai cộng hưởng"./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục