Lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ kêu gọi cải cách hệ thống nhập cư

Trước nguy cơ dự luật nhập cư vẫn bị "treo", các lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ đã hối thúc Quốc hội thông qua chính sách này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ.
Lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ kêu gọi cải cách hệ thống nhập cư ảnh 1Lao động nhập cư làm việc tại Mỹ. (Nguồn: AFP)

Trong bối cảnh các nỗ lực cải cách hệ thống nhập cư có nguy cơ rơi vào bế tắc, ngày 11/6, các nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu của Mỹ đã hối thúc Quốc hội thông qua chính sách này nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế Mỹ.

Lời kêu gọi được đưa ra sau khi thủ lĩnh phái đa số tại Hạ viện Mỹ, Hạ nghị sỹ Cộng hòa Eric Cantor, người ủng hộ cải cách luật nhập cư, bất ngờ bị đánh bại trong cuộc đua tái ứng cử nghị sỹ bang Virginia.

Trong báo cáo mới đưa ra, nhóm Doanh nghiệp Bàn tròn (BRT), tổ chức đại diện cho những lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu nước Mỹ khẳng định cải cách hệ thống nhập cư không phù hợp hiện nay sẽ giúp giải phóng nguồn lực mạnh mẽ, động lực của tăng trưởng kinh tế và lĩnh vực doanh nghiệp.

Báo cáo của BRT dẫn số liệu của Trung tâm Chính sách Lưỡng đảng ước tính việc cải cách nhập cư sẽ giúp Tổng sản phẩm quốc nội tăng 4,8% trong vòng 20 năm và giảm thâm hụt liên bang 1.200 tỷ USD.

Việc cải cách nhập cư sẽ giúp tăng lực lượng lao động Mỹ, qua đó trực tiếp gia tăng sản lượng kinh tế nói chung, tăng thu nhập thuế, giúp triển vọng kinh tế Mỹ trong dài hạn sáng lạn hơn.

Báo cáo cũng dẫn kết quả một số nghiên cứu cho thấy những người mới được nhập cư vào Mỹ sẽ đóng góp nhiều hơn cho lực lượng lao động so với người Mỹ hiện tại. Theo các số liệu, người nhập cư và con cháu họ đã thành lập 40% trong danh sách 500 công ty của Fortune, trong khi khoảng 50% người nhập cư có dự định mở công ty.

Tài liệu của BRT cũng nhắc tới những nhà lãnh đạo thành công xuất thân từ người nhập cư như Carlos Rodriguez, giám đốc hãng phim ADP, Jorge Benitez, cựu CEO hãng US Accenture, Krish Prabhu, giám đốc kỹ thuật của AT&T.

Trước đó, trong cuộc vận động tranh cử tại bang Virginia, đối thủ của ông Cantor, nghị sỹ David Brat có tư tưởng bảo thủ, đã kịch liệt chỉ trích sự ủng hộ của ông Cantor đối với dự luật nhập cư cải cách của Nhà Trắng, trong đó, chính quyền Tổng thống Barack Obama cho phép con cháu của những người nhập cư bất hợp pháp vào Mỹ được trở thành công dân nước này.

Sự thất bại của Nghị sỹ Cartor đã có thể làm chùn bước các nghị sỹ đảng Cộng hòa đang cân nhắc ủng hộ dự luật trên.

Chủ tịch BRT, John Engler một mặt thừa nhận sự thất bại của ông Cantor có thể ảnh hưởng đến tiến trình thông qua dự luật cải cách nhập cư song cũng đề cập đến chiến thắng của một nghị sỹ Cộng hòa khác ủng hộ dự luật này, Thượng nghị sỹ Lindsey Graham, tại bang Nam Carolina ngày 10/6 vừa qua.

Đã gần một năm kể từ khi Thượng viện do đảng Dân chủ cầm quyền kiểm soát phê chuẩn đề xuất cải cách luật nhập cư của Tổng thống Obama mở ra cơ hội cho những người nhập cư hợp pháp hóa quyền cư trú của mình. Tuy nhiên, văn kiện này hiện vẫn đang bị "treo" tại Hạ viện do bị thành viên đảng Cộng hòa gây áp lực đòi thay đổi và giới hạn một số điều khoản.

Điểm gây tranh cãi lớn nhất trong dự luật là việc kiểm soát an ninh biên giới giữa lúc có hàng triệu người nhập cư nước ngoài có thể ở lại làm việc, thậm chí trở thành công dân Mỹ, khi không có giấy tờ hợp lệ. Một số nghị sỹ đảng Cộng hòa yêu cầu chính phủ phải siết chặt an ninh biên giới và cho hồi hương tất cả những người nhập cư bất hợp pháp trước khi thông qua dự luật trên.

Hiện có khoảng 12 triệu người nhập cư trái phép đang sinh sống và làm việc tại Mỹ. Dù con cái họ có thể đã trở thành công dân Mỹ nhưng nguy cơ tan vỡ vẫn luôn thường trực đối với những gia đình này do bố mẹ có thể bị trục xuất bất kỳ lúc nào.

Theo đề xuất cải tổ của Nhà Trắng, những người nhập cư bất hợp pháp từ tám năm trở lên có thể được nộp đơn xin cấp thẻ lao động (thẻ xanh) nếu như đã hoàn thành nghĩa vụ đóng thuế và các lệ phí cho những năm làm việc tại Mỹ. Tuy nhiên, những người này sẽ phải mất 5 năm mới có thể được nhập quốc tịch.

Các nghị sỹ bảo thủ của đảng Cộng hòa cương quyết phản đối đề xuất này vì cho rằng đây là chiêu thức "đại ân xá" của đảng Dân chủ nhằm lôi kéo cử tri trong cuộc bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ sẽ diễn ra vào cuối năm./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục