Lao động đi Hàn Quốc phải ký quỹ 100 triệu đồng

Từ ngày 20/11, tất cả lao động Việt Nam muốn sang Hàn Quốc làm việc phải có giấy xác nhận đã đóng khoản tiền ký quỹ 100 triệu đồng.

Kể từ ngày 20/11, tất cả lao động Việt Nam muốn sang Hàn Quốc làm việc đều phải có giấy xác nhận đã đóng khoản tiền ký quỹ 100 triệu đồng.

Đây là thông tin được đưa ra tại buổi họp báo về Thông tư liên tịch số 31/2013/TTLT-BLĐTBXH-BTC quy định và hướng dẫn việc ký quỹ, lãi suất tiền gửi ký quỹ, quản lý và sử dụng tiền ký quỹ của người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc do Cục Quản lý lao động ngoài nước tổ chức chiều ngày 18/11.

Thông tư này áp dụng cho tất cả người lao động đi làm việc tại Hàn Quốc theo Chương trình cấp phép việc làm cho lao động nước ngoài của Hàn Quốc (EPS), bao gồm cả người lao động mới và người lao động được tái tuyển dụng. Theo đó, người lao động đều phải ký quỹ 100 triệu đồng tại Ngân hàng Chính sách xã hội.

Đối với các đối tượng nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu vay vốn để ký quỹ thì được vay tại Ngân hàng Chính sách xã hội tối đa 100 triệu đồng, không phải thế chấp tài sản. Thời hạn cho vay tối đa bằng thời hạn ký quỹ của người lao động là 5 năm và 4 tháng. Đặc biệt, lãi suất tiền gửi ký quỹ bằng mức lãi suất cho vay để ký quỹ.

Tiền ký quỹ của người lao động được quản lý tại Ngân hàng Chính sách xã hội trong suốt thời gian người lao động làm việc ở nước ngoài và được hoàn trả lại cả gốc lẫn lãi sau khi người lao động hoàn thành hợp đồng về nước đối với các lao động tuân thủ hợp đồng.

Các trường hợp về nước trước hạn do vi phạm hợp đồng thì tiền ký quỹ được sử dụng để bù đắp các thiệt hại do lỗi của người lao động gây ra, số tiền còn lại được hoàn trả cho người lao động, nếu tiền ký quỹ không đủ thì người lao động phải nộp bổ sung.

Trường hợp người lao động bỏ trốn khỏi nơi làm việc theo hợp đồng (kể cả bỏ trốn ngay sau khi đến Hàn Quốc) hoặc hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn, ở lại cư trú và làm việc trái phép tại Hàn Quốc thì tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) được chuyển vào Quỹ giải quyết việc làm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi người lao động cư trú. Đối với người lao động vay Ngân hàng Chính sách xã hội để ký quỹ thì tiền ký quỹ (bao gồm cả gốc và lãi) được sử dụng để trả khoản vay.

Thông tư này cũng quy định về chế độ theo dõi và báo cáo về tình hình người lao động thực hiện hợp đồng ở nước ngoài. Hàng tháng, Trung tâm Lao động ngoài nước phải báo cáo Cục Quản lý lao động ngoài nước danh sách và các thông tin liên quan đến người lao động bỏ hợp đồng, hết hạn hợp đồng không về nước đúng hạn để thông báo cho Ngân hàng Chính sách xã hội nơi người lao động cư trú để lên kế hoạch xử lý tiền ký quỹ của người lao động theo quy định.

Tại buổi họp báo, Phó giám đốc Trung tâm Lao động ngoài nước bà Phạm Ngọc Lan cho biết, trong ngày 20/11 tới, đúng ngày thông tư có hiệu lực sẽ có 61 lao động Việt Nam về nước đúng hạn được quay trở lại Hàn Quốc làm việc. Những lao động này muốn xuất cảnh sẽ phải có giấy xác nhận ký quỹ, vì vậy, Trung tâm Lao động ngoài nước đã có thông báo gửi người lao động và các sở lao động-thương binh và xã hội địa phương để hỗ trợ thực hiện thủ tục ký quỹ.

“Hiện tại, chưa có lao động nào thông báo không thể hoàn tất thủ tục ký quỹ để sang Hàn Quốc làm việc vào ngày 20/11. Chúng tôi cũng đang liên hệ để nếu chưa hoàn tất được thủ tục thì những lao động này sẽ sang Hàn Quốc vào 25/11,” bà Phạm Ngọc Lan nói.

Kể từ khi có chính sách cho những lao động về nước đúng hạn quay lại làm việc, 2.660 lao động Việt Nam đã được quay lại Hàn Quốc làm việc. Quy định ký quỹ 100 triệu đồng là một trong những biện pháp nâng cao trách nhiệm của người lao động khi đi làm việc tại Hàn Quốc nhằm hạn chế tình trạng lao động bất hợp pháp gia tăng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục