LHQ và EU lo ngại về tình hình căng thẳng tại Mali sau bầu cử

Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các bên liên quan tại Mali cần hết sức kiềm chế và chờ đợi kết quả bầu cử, tránh để xảy ra những tranh chấp và hậu quả đáng tiếc.
LHQ và EU lo ngại về tình hình căng thẳng tại Mali sau bầu cử ảnh 1 Tổng thống Mali Ibrahim Boubacar Keita (trái) và lãnh đạo phe đối lập Soumaila Cisse (phải). (Ảnh: AFP/TTXVN)

Ngày 14/8, Liên hợp quốc và Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi các bên liên quan tại Mali kiềm chế sau khi ứng cử viên Soumaila Cisse của phe đối lập tuyên bố không công nhận kết quả vòng hai cuộc bầu cử tổng thống.

Từ New York (Mỹ), Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đã kêu gọi các bên liên quan tại Mali cần hết sức kiềm chế và chờ đợi kết quả bầu cử, tránh để xảy ra những tranh chấp và hậu quả đáng tiếc.

Trong khi đó, phái bộ của EU cũng đề nghị các bên không đưa ra dự báo trước khi kết quả chính thức được cơ quan chức năng công bố.

Kết quả sơ bộ của vòng bỏ phiếu trực tiếp giữa Tổng thống Ibrahim Boubacar Keita, 73 tuổi, và cựu Bộ trưởng Tài chính Soumaila Cisse, 68 tuổi, nhiều khả năng sẽ được công bố vào ngày 15/8.

Trước đó, lãnh đạo phe đối lập Cisse ngày 13/8 tuyên bố sẽ không công nhận kết quả cuộc bầu cử vì đã có dấu hiệu bị can thiệp bởi bạo lực, tỷ lệ tham gia bỏ phiếu thấp và tình trạng gian lận. Trong khi đó, ban tranh cử của Tổng thống Keita lại cho rằng ông Keita đã tái đắc cử “một cách dễ dàng."

Trong một cuộc họp báo, người đứng đầu chiến dịch tranh cử của Tổng thống Keita cho biết đang “bình tĩnh đón chờ kết quả bầu cử được cơ quan có thầm quyền công bố sắp tới."

[Người đứng đầu một điểm bỏ phiếu bầu cử ở Mali bị sát hại]

Ngày 29/7 vừa qua, hơn 8 triệu cử tri Mali đã chính thức bỏ phiếu bầu cử tổng thống mới với hy vọng giúp hồi sinh Thỏa thuận hòa bình năm 2015, vốn được kỳ vọng có tác động tích cực đối với các nước trong khối Sahel - khu vực đang phải đối mặt với các mối đe dọa thánh chiến ngay cả khi đã có sự can thiệp của các lực lượng quân sự quốc tế trong suốt năm năm qua.

Tại vòng bỏ phiếu đầu tiên, ông Keita đã dẫn đầu với 41,42% phiếu bầu, tiếp đó là ông Soumaila Cissé với 17,8% số phiếu. Do không ứng cử viên nào giành được tối thiểu 50% số phiếu ủng hộ, cả hai chính khách này đã phải bước vào cuộc bỏ phiếu vòng hai.

Các nhà quan sát dự đoán rằng nhiều khả năng đương kim Tổng thống Boubacar Keita sẽ giành chiến thắng và tiếp tục nắm quyền, bất chấp bị chỉ trích về cách giải quyết tình trạng bạo lực do phần tử thánh chiến và các vụ xung đột sắc tộc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục