LHQ xem xét thay thế vị trí của Mỹ tại Hội đồng Nhân quyền

Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc Vojislav Šuc cho biết vấn đề thay thế vị trí mà Mỹ để lại tại Hội đồng Nhân quyền sẽ được xem xét tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.
LHQ xem xét thay thế vị trí của Mỹ tại Hội đồng Nhân quyền ảnh 1Một phiên họp toàn thể của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Ngày 19/6, Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc Vojislav Šuc cho biết vấn đề thay thế vị trí mà Mỹ để lại tại Hội đồng Nhân quyền sẽ được xem xét tại Đại hội đồng Liên hợp quốc.

Phát biểu sau khi nhận được thông báo về việc Mỹ quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc, ông Vojislav Šuc nhấn mạnh tầm quan trọng của việc duy trì một Hội đồng Nhân quyền mạnh mẽ và năng động, giữ vai trò trung tâm của Liên hợp quốc trong thế kỷ XXI, trong bối cảnh hiện nay khi các giá trị, sức mạnh của chủ nghĩa đa phương và quyền con người luôn là những vấn đề được đề cập hằng ngày.

Tuy nhiên, ông khẳng định quyết định của Mỹ rút khỏi Hội đồng Nhân quyền là quyền của các quốc gia thành viên, đồng thời cho rằng Mỹ đã rất tích cực tại Hội đồng Nhân quyền sau khi cam kết tham gia một cách xây dựng nhằm cải thiện nhân quyền, cuộc sống của con người nói chung, trong đó có cả những vấn đề đang được đề cập trong kỳ họp thường niên hiện diễn ra tại Geneva (Thụy Sĩ).

Chủ tịch Hội đồng Nhân quyền nhấn mạnh Hội đồng Nhân quyền cần luôn có được những cam kết xây dựng của các quốc gia thành viên.

[Tổng thư ký LHQ muốn Mỹ tiếp tục ở lại Hội đồng Nhân quyền]

Trước đó cùng ngày, Đại sứ Mỹ tại Liên hợp quốc Nikki Haley thông báo Mỹ đã quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền, đồng thời cho rằng Hội đồng Nhân quyền có quan điểm thành kiến chống lại Israel.

Tuy nhiên, bà Nikki Haley cũng nêu rõ việc Mỹ quyết định rút khỏi Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc không có nghĩa nước này rút lui khỏi các cam kết đối với nhân quyền.

Chính quyền của Tổng thống Trump hiện là mục tiêu của những chỉ trích gay gắt từ các tổ chức nhân quyền vì đã tách gần 2.000 trẻ em khỏi cha mẹ tại khu vực biên giới với Mexico, một chiến lược nhằm ngăn chặn vấn đề nhập cư bất hợp pháp.

Mỹ đã từ chối tham gia Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc khi cơ quan này được thành lập vào năm 2006 để thay thế cho Ủy ban Nhân quyền Liên hợp quốc ngừng hoạt động trong cùng năm.

Tới năm 2009, nước Mỹ dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Barack Obama đã gia nhập hội đồng này.

Hồi giữa năm 2017, bà Nikki Haley cũng đã kêu gọi cải cách Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục