Liên tiếp xảy ra đuối nước ở trẻ em: Cần đẩy mạnh phong trào dạy bơi

Những tai nạn thương tâm cướp đi sinh mạng của trẻ em xảy ra liên tiếp lại một lần nữa gióng lên những hồi chuông báo động về đuối nước, đặc biệt là khi kỳ nghỉ Hè và mùa mưa, bão sắp đến.
Liên tiếp xảy ra đuối nước ở trẻ em: Cần đẩy mạnh phong trào dạy bơi ảnh 1Thủ tướng yêu cầu các địa phương đẩy mạnh phong trào dạy bơi, phổ biến kiến thức, kỹ năng phòng, chống đuối nước cho trẻ em.(Ảnh minh họa: Thanh Thủy/TTXVN)

Đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong ở trẻ em tại Việt Nam, mỗi năm đuối nước cướp đi sinh mạng của hơn 2.000 trẻ em Việt Nam. Đặc biệt, chỉ trong hai tuần trở lại đây, dù mới chỉ vào đầu mùa Hè nhưng trên cả nước đã liên tiếp ghi nhận các vụ đuối nước mà nạn nhân chủ yếu là trẻ em.

Liên tiếp xảy ra đuối nước thương tâm

Ngày 1/5 tại Bình Phước, một vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại khu vực sông Đồng Nai (xã Đồng Nai, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Bốn học sinh cùng nhóm bạn lớp 11 rủ nhau đi tắm tại bãi cạn sông Đồng Nai và không may rơi vào vùng nước xoáy, đuối nước tử vong. Đây là vụ đuối nước nghiêm trọng nhất nhưng không phải duy nhất xảy ra trong dịp nghỉ lễ 30/4-1/5.

Cũng trong ngày 1/5, trên địa bàn tỉnh Bình Thuận cũng xảy ra 2 vụ đuối nước làm 1 học sinh lớp 7 và 2 em nhỏ (5 và 6 tuổi) tử vong. Đến ngày 2/5, hai vụ đuối nước tiếp tục xảy ra khiến một học sinh lớp 3 tại Bình Phước và hai học sinh lớp 3, lớp 5 ở Đắk Lắk tử vong.

Còn tại Nghệ An, chỉ trong vòng 5 ngày (từ 30/4 đến 5/4) đã xảy ra 4 vụ đuối nước khiến 8 người tử vong, trong đó có 7 em học sinh. Trước đó, vụ đuối nước tại Nghĩa Đàn, Nghệ An ngày 28/4 cũng đã khiến nhiều người không khỏi xót xa khi có 4 nữ sinh lớp 8 tử vong.

Trong tháng Tư, đuối nước khiến trẻ em thiệt mạng còn xảy ra tại các tỉnh Đồng Nai, Phan Thiết, Hà Nội, Yên Bái, Đồng Tháp, Quảng Bình, Lai Châu, Quảng Trị…

Những tai nạn thương tâm liên tiếp cướp đi sinh mạng của trẻ em một lần nữa gióng lên những hồi chuông báo động về đuối nước. Trẻ em bị đuối nước đã trở thành nỗi ám ảnh day dứt đối với phụ huynh, giáo viên và các cơ quan chức năng về quản lý, bảo vệ trẻ em trong mùa Hè.

Trước tình trạng các vụ đuối nước gây tử vong cho nhiều trẻ em vẫn còn thường xuyên xảy ra và ở mức cao tại một số địa phương, ngày 2/5, Thủ tướng Chính phủ đã có công điện yêu cầu các bộ, cơ quan, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tập trung chỉ đạo, triển khai quyết liệt, hiệu quả các giải pháp về phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Để tiếp tục thực hiện hiệu quả công tác phòng, chống đuối nước và bảo đảm an toàn cho trẻ em, nhất là trong mùa Hè, mùa mưa, bão sắp đến, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tập trung chỉ đạo, triển khai thực hiện đồng bộ, quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp về phòng, chống đuối nước cho trẻ em.

Trong công điện, Thủ tướng nhấn mạnh việc đẩy mạnh phong trào dạy bơi, phổ biến kiến thức, kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em vào giao trách nhiệm cụ thể cho Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Văn hóa-Thể thao và Du lịch.

[Đề nghị địa phương dạy kỹ năng an toàn trong nước cho trẻ em]

Thủ tướng cũng yêu cầu các tỉnh, thành phố kiểm tra, thanh tra việc thực hiện công tác phòng, chống đuối nước trẻ em; làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện các biện pháp phòng, chống đuối nước tại địa phương; báo cáo Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về tình hình, kết quả công tác phòng, chống đuối nước ở địa phương để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ.

Đẩy mạnh dạy bơi, giáo dục kỹ năng an toàn cho trẻ

Nếu như năm 2010, cả nước đã có khoảng 3.300 em thiệt mạng do đuối nước thì đến năm 2020, con số này đã giảm xuống còn hơn 2.000 em. Trong thời gian qua Đảng, Quốc hội, Chính phủ, các cấp, các ngành luôn quan tâm chỉ đạo công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em.

Những năm gần đây, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ủy ban Quốc gia về trẻ em đã có nhiều văn bản chỉ đạo về phòng, chống đuối nước trẻ em và cùng với sự vào cuộc tích cực của các bộ, ngành, địa phương, gia đình, cộng đồng... số trẻ em bị tử vong do đuối nước đã giảm qua từng năm.

Liên tiếp xảy ra đuối nước ở trẻ em: Cần đẩy mạnh phong trào dạy bơi ảnh 2Mùa Hè, trẻ em thường ra sông suối tắm, không có sự quản lý của gia đình là một trong những nguy cơ cao dẫn đến đuối nước. (Ảnh minh họa: Hồng Điệp/TTXVN)

Đánh giá cao và ghi nhận những kết quả trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em của Việt Nam, bà Socorro Escalante, đại diện Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tại Việt Nam cho rằng Chính phủ Việt Nam đã nhận thấy vấn đề đuối nước ở trẻ em có ảnh hưởng rất nghiêm trọng và chủ động tìm hướng giải quyết.

“Việt Nam đang thực hiện nhiều can thiệp để giảm đuối nước trẻ em như tổ chức tốt mạng lưới phòng, chống đuối nước trẻ em, xây dựng bộ tài liệu chuẩn hóa về phòng, chống đuối nước trẻ em, triển khai và nhân rộng các mô hình hiệu quả trong công tác phòng, chống đuối nước trẻ em,” bà Socorro Escalante đánh giá.

Bà Vũ Thị Kim Hoa, Phó Cục trưởng Cục Trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết từ tháng 6/2018, để phòng, chống đuối nước, Việt Nam đã triển khai chương trình dạy bơi, giáo dục kỹ năng an toàn trong môi trường nước cho trẻ em từ 6-15 tuổi. Kết quả là 50,3% trẻ em tiểu học và trung học cơ sở biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước; 709 lớp dạy bơi được tổ chức cho 14.635 trẻ từ 6-15; hỗ trợ lắp đặt 14 bể bơi cho 12 địa phương; nâng tiêu chí đạt kết quả khóa học là trẻ bơi được 25m và nổi 90 giây...

“Đặc biệt, các đơn vị liên quan còn tổ chức dạy kỹ năng giám sát an toàn phòng, chống đuối nước cho trẻ em dưới 5 tuổi. Nhờ việc hỗ trợ nâng cao năng lực và phát triển mạng lưới liên ngành, đến nay mạng lưới đã có 15 thành viên gồm các bộ, ngành, đoàn thể, tổ chức quốc tế. Mục tiêu năm 2022 đặt ra là triển khai các chương trình can thiệp hiệu quả và bền vững, góp phần giảm tử vong do đuối nước ở trẻ em," bà Vũ Thị Kim Hoa cho hay. 

Bà Socorro Escalante tin tưởng với các giải pháp đang triển khai thời gian tới, số trẻ em được học bơi sẽ tăng gấp đôi. Bà Socorro Escalante nhấn mạnh: "WHO cam kết tiếp tục hỗ trợ và phối hợp cùng Chính phủ Việt Nam để cải thiện công tác phòng, chống tai nạn thương tích trẻ em, với trọng tâm là phòng, chống đuối nước trẻ em. Hy vọng Việt Nam sẽ triển khai thành công và trở thành mô hình để các nước khác học tập”/.

Đánh giá đuối nước là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong trẻ em trong số trẻ em bị tai nạn thương tích, Quyết định số 1248/QĐ-TTg Phê duyệt Chương trình phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em giai đoạn 2021-2030 của Thủ tướng Chính phủ đã đặt ra mục tiêu Việt Nam sẽ giảm 10% số trẻ em bị tử vong do đuối nước năm 2025 và 20% vào năm 2030; 60% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết kỹ năng an toàn trong môi trường nước năm 2025 và 70% vào năm 2030; 50% trẻ em từ 6 đến dưới 16 tuổi biết bơi an toàn năm 2025 và 60% vào năm 2030.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục