Lĩnh vực xuất khẩu vẫn là điểm sáng của nền kinh tế

Kim ngạch xuất khẩu ba quý vừa qua tăng trưởng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái, khiến xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế.
Mặc dù từ đầu năm đến nay, một số mặt hàng xuất khẩu chủ lực có dấu hiệu chững lại do thị trường thu hẹp, giá cả sụt giảm, sản xuất khó khăn, và tình trạng cung vượt cầu nhưng kim ngạch xuất khẩu ba quý vừa qua vẫn tăng trưởng 15,5% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là kết quả khá tích cực, giúp xuất khẩu tiếp tục là điểm sáng của nền kinh tế.

Ý kiến này được Thứ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đưa ra tại cuộc làm việc với các hiệp hội, doanh nghiệp xuất khẩu ở khu vực phía Nam ngày 17/10 tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Bộ Công Thương dự báo xuất khẩu năm 2013 sẽ đạt 131 tỷ USD, tăng 14% so với năm 2012 và cao hơn chỉ tiêu Quốc hội đề ra là 4%. Đây là con số không nhỏ so với bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới hiện nay.

Xuất khẩu nông-thủy sản gặp khó

Theo đại diện Hiệp hội Càphê-Ca cao (Vicofa), nông dân trồng càphê đang đối mặt với khó khăn, bởi mùa vụ mới đã bắt đầu nhưng thời tiết xấu và mưa bão có thể làm ảnh hưởng đến sản lượng thu hoạch. Mặt khác, diện tích càphê già cỗi chiếm 15% của diện tích toàn ngành, nhưng nhà nước chưa có cơ chế phù hợp để hỗ trợ nông dân tái canh cũng là nguyên nhân dẫn đến tình trạng sản lượng càphê năm nay sụt giảm.

Tính đến hết 9 tháng, kim ngạch xuất khẩu càphê đạt 1 triệu tấn, giảm 23,4% về lượng và 22,4% về giá trị. Giá càphê liên tục biến động, thời điểm hiện tại bình quân khoảng 44.500 đồng/kg, xu hướng giá sẽ tiếp tục giảm khi vào mùa vụ thu hoạch. Chi phí đầu tư cho mùa vụ là khoảng 80 triệu đồng/ha, dự đoán đạt năng suất bình quân trên 2 tấn/ha, giá thành có thể là 34.000 đồng/kg, nếu dưới 2 tấn/ha thì giá thành khoảng 40.000 đồng/kg.

Trong thời gian gần đây, hàng loạt doanh nghiệp kinh doanh càphê đang thua lỗ, kể cả các doanh nghiệp lớn, nợ xấu trong ngành càphê đang rất cao là trở ngại lớn đối với ngành càphê xuất khẩu.

Với mặt hàng gạo, sản phẩm nông sản xuất khẩu chủ lực của Việt Nam, ông Trương Thanh Phong, Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) cho biết từ đầu năm đến nay, xuất khẩu mặt hàng gạo giảm 14,7% về lượng và 17,2% về giá trị. Năm 2013, chỉ tiêu xuất khẩu gạo đặt ra là 7,5 triệu tấn, nhưng đến nay đã điều chỉnh xuống khoảng 7 triệu tấn, nhưng thực tế cho thấy khó đạt được chỉ tiêu này vì hiện nay thị trường gạo thế giới đang ở tình trạng nguồn cung dồi dào, khiến nhu cầu nhập khẩu ít và mức độ cạnh tranh rất lớn.

Nhằm kiểm soát tốt hoạt động xuất khẩu gạo qua biên giới, ngăn chặn việc xuất khống hàng để chiếm dụng thuế VAT của nhà nước, ông Trương Thanh Phong cho rằng Bộ Công Thương cần chỉ đạo các tỉnh biên giới yêu cầu doanh nghiệp đăng ký khi xuất khẩu gạo.

Theo các hiệp hội chế biến và xuất khẩu nông sản, hiện trạng trốn thuế, gian lận thuế thời gian qua đã khiến môi trường kinh doanh không bình đẳng, doanh nghiệp chân chính không cạnh tranh hiệu quả. Đồng thời, một số doanh nghiệp vướng cơ chế hoàn thuế VAT nên khó hoặc không dám triển khai hoạt động xuất khẩu vì ngại hoàn thuế. Do đó, cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu kiến nghị Bộ Tài chính chỉnh sửa về điều kiện hoàn thuế VAT, cho hoàn thuế trước và kiểm tra sau, không nên co hẹp lại như hiện nay.

Về phía ngân hàng, các hiệp hội kiến nghị nên tiếp tục gia hạn cho vay ngoại tệ, riêng đối với doanh nghiệp đang có nợ xấu, các ngân hàng cần có cơ chế cơ cấu lại nợ, giãn nợ để tạo điều kiện thuận lợi cho các đơn vị xuất khẩu trong mùa vụ mới. Ngoài ra, các hiệp hội cũng đề xuất Bộ Công Thương xem xét và trình Chính phủ lập quỹ hỗ trợ cho một số ngành xuất khẩu chủ lực.

Hàng công nghiệp, chế biến khởi sắc

Trong bối cảnh xuất khẩu nhóm nông-thủy sản gặp khó thì xuất khẩu nhóm hàng công nghiệp, chế biến đóng vai trò quan trọng vào sự tăng trưởng tổng kim ngạch xuất khẩu. Tính 9 tháng năm 2013, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này đạt 67,44 tỷ USD, tăng trưởng 26,8% so với cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 70,1% tổng kim ngạch xuất khẩu. Trong đó điện thoại di động tiếp tục là mặt hàng có kim ngạch xuất khẩu cao đạt 15,5 tỷ USD (tăng trưởng 79,9% so với cùng kỳ); dệt may 13,1 tỷ USD (tăng 17,3%); giày dép các loại 6 tỷ USD (tăng 15,1%); gỗ và đồ gỗ 3,87 tỷ USD (tăng 14,9%)…

Theo tính toán của Hiệp hội Da giày Việt Nam (Lefaso), năm nay ngành da giày, túi xách có khả năng đạt kim ngạch xuất khẩu là 9,5-10 tỷ USD, giá trị gia tăng đạt 45-55%, thu nhập bình quân người lao động trên 5 triệu đồng/tháng.

Với chiến lược bám sát kế hoạch phát triển ngành da giày của Bộ Công Thương, ngành tiếp tục hoàn thiện nền tảng mục tiêu đến năm 2025. Khi đó, thị trường xuất khẩu sẽ ăn sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu, đạt mức gia tăng liên tục trong các năm ở mức khoảng 25%, công nghệ sản xuất tiên tiến chiếm tỷ lệ 80% toàn ngành. Tuy nhiên, riêng lĩnh vực công nghiệp thời trang vẫn khó phát triển nếu không đẩy mạnh công nghiệp hỗ trợ, nên cần triển khai nhanh các cụm công nghiệp hỗ trợ để thu hút các nhà đầu tư sản xuất tại Việt Nam.

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội dệt may Việt Nam (Vitas) đánh giá hiện nay đơn hàng của ngành dệt may rất nhiều, có thể đạt kim ngạch xuất khẩu 18,5 tỷ USD trong năm nay. Ngành dệt may có mức tăng trưởng bình quân đạt 20%/năm, tạo việc làm cho khoảng 25 triệu lao động, nhưng đang có tình trạng các địa phương chưa mặn mà với đầu tư của ngành may mặc do ngại khâu dệt nhuộm.

Bên cạnh đó, nhu cầu về nguyên vật liệu cũng chưa được đảm bảo nhu cầu sản xuất, trong khi ngành cần nguồn bông khoảng 420.000 tấn/năm, xơ khoảng 400.000 tấn/năm nhưng nguồn cung trong nước chưa đáp ứng được. Vì vậy, các bộ, ngành cần nghiên cứu phương án mở kho ngoại quan để giúp doanh nghiệp thu mua nguyên vật liệu thuận lợi, tạo điều kiện cho ngành dệt may phát triển.

Nỗ lực vượt qua thách thức

Theo Bộ Công Thương, kinh tế thế giới tuy đang có dấu hiệu khởi sắc nhưng vẫn còn nhiều khó khăn làm sụt giảm nhu cầu tiêu dùng, xu hướng bảo hộ gia tăng gây khó khăn nhất định cho các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam trong việc phát triển thị trường, tìm kiếm đối tác, đầu ra cho xuất khẩu. Trước tình hình trên, Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã báo cáo Chính phủ về kế hoạch năm 2014 với chỉ tiêu xuất khẩu tăng 10%, kim ngạch đạt khoảng 144 tỷ USD, nhập siêu khoảng 5%.

Ông Trần Tuấn Anh, Thứ trưởng Bộ Công Thương dự báo đây là thách thức lớn, đòi hỏi nỗ lực, cố gắng của bộ, ngành, hiệp hội cùng cộng đồng doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Bộ cũng đề nghị các bộ, ngành tập trung giải quyết vấn đề vốn và lãi suất cho doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ tiêu thụ nông sản, thủy sản có lượng hàng hóa lớn như gạo, thủy sản, càphê… đồng thời với nghiên cứu xây dựng mô hình tạm trữ để ổn định giá, chủ động nguồn hàng cho xuất khẩu.

Đồng thời, cần tăng cường vai trò kiểm soát chất lượng hàng hóa xuất khẩu của các cơ quan Nhà nước, nhằm nâng cao uy tín sản phẩm của Việt Nam, tránh trình trạng bị cảnh báo vì không đáp ứng quy định vệ sinh an toàn thực phẩm của các thị trường xuất khẩu.

Trước những thách thức đặt ra với lĩnh vực xuất khẩu, bà Đỗ Thu Hương, Phó Vụ Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết trong những năm gần đây, doanh nghiệp Việt Nam đã tận dụng tốt cơ hội do hội nhập kinh tế quốc tế đa phương và song phương để phát triển xuất khẩu hàng hóa.

Phát huy lợi thế trên, Việt Nam đang đẩy mạnh các hoạt động đàm phán các Hiệp định thương mại tự do như FTA, TPP, song song với việc tiếp tục tăng cường hoạt động tuyên truyền, phổ biến để doanh nghiệp tận dụng tối đa ưu đãi thuế quan từ những hiệp định đã và sắp ký kết.

Bên cạnh đó, Việt Nam cũng đang chú trọng cải cách thủ tục hành chính, nhằm tạo thuận lợi cho các doanh nghiệp trong việc cấp Giấy chứng nhận xuất xứ./.

Mỹ Phương (TTXVN)

Tin cùng chuyên mục