'Luân chuyển công chức tại các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực'

Lực lượng Quản lý thị trường sẽ xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực, thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”.
'Luân chuyển công chức tại các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực' ảnh 1Lực lượng Quản lý thị trường kiểm tra, bắt giữ hàng lậu. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

Để góp phần ổn định thị trường, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, lực lượng Quản lý thị trường cần đẩy mạnh hoạt động kiểm tra, kiểm soát địa bàn, tập trung vào các mặt hàng, nóng và địa bàn trọng điểm.

[Bộ Công Thương chỉ đạo xử lý tình trạng cắt tai, mài vỏ bình gas]

Đây là một trong những nhiệm vụ ưu tiên được đưa ra trong Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác của lực lượng Quản lý thị trường diễn ra ngày 26/1, tại Hà Nội.

Buôn lậu diễn biến phức tạp

Đánh giá về tình hình thị trường, ông ​Trịnh Xuân Ngọc, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường (Bộ Công Thương) cho rằng, tình trạng ​buôn bán, vận chuyển hàng nhập lậu trong năm 2017 vẫn diễn biến phức tạp.

Trong đó, các mặt hàng buôn lậu nhiều nhất là hàng may mặc, dược phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, điện thoại di động, thuốc lá, xe đạp điện, xe máy điện và sản phẩm hàng hoá thuộc danh mục Nhà nước cấm nhập khẩu...

Vẫn sử dụng phương thức dùng hóa đơn chứng từ quay vòng để hợp thức hóa hàng nhập lậu hay xé lẻ hàng hoá để vận chuyển vào nội địa... nhưng theo ​Cục trưởng Cục Quản lý thị trường, khi bị ​kiểm tra, bắt giữ, các đối tượng vi phạm thường không chấp hành và rất manh động, gây nguy hiểm cho lực lượng bắt giữ và người tham gia giao thông.

Tính riêng mặt hàng thuốc lá lậu, năm 2017, lực lượng Quản lý thị trường cả nước đã phát hiện, xử lý trên 4 nghìn vụ, xử phạt vi phạm hành chính trên 19 tỷ đồng và tịch thu trên 1,4 triệu bao thuốc lá các loại.

Còn với mặt hàng phân bón, số vụ xử lý cũng trên 1.150 vụ và chuyển Cơ quan điều tra 4 vụ có dấu hiệu tội phạm. Tịch thu gần 45.000 chai, lít thuốc bảo vệ thực vật vi phạm về ghi nhãn hàng hoá, quá hạn sử dụng, không có trong danh mục được phép sản xuất, kinh doanh theo quy định.

Nói thêm về vấn nạn này, ông Chu Xuân Kiên, Chi Cục trưởng Chi Cục Quản lý thị trường cũng băn khoăn khi phương thức thủ đoạn làm hàng giả ngày càng tinh vi, ​​theo đó không chỉ làm giả các mặt hàng của các thương hiệu nổi tiếng trên thế giới, các đối tượng còn làm giả cả các mặt hàng được tiêu thụ tốt trong nước sản xuất, giả xuất xứ hàng hóa Việt Nam để đưa hàng từ nước ngoài vào trong nước tiêu thụ.

Trong khi đó, nội lực của hàng hóa trong nước còn chưa đủ mạnh, ít thương hiệu lớn nên công tác đấu tranh với hàng giả, hàng lậu chưa cao.

Từ thực tế này, lãnh đạo Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đề nghị ​các cán bộ trong ngành cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý địa bàn, nắm bắt kịp thời hoạt động của đối tượng vi phạm để có biện pháp đấu tranh hiệu quả.

- Số vụ xử lý các mặt hàng thuốc lá, rượu và khí hóa lỏng năm 2017:

Sẵn sàng loại bỏ hành vi tiêu cực

Nhờ nắm được phương thức, thủ đoạn của các đối tượng buôn lậu, các cơ quan chức năng đã đẩy mạnh các giải pháp ngăn chặn, tập trung đánh mạnh vào các điểm nóng và địa bàn phức tạp.

Ước tính năm 2017, lực lượng Quản lý thị trường cả nước xử lý 103.146 vụ vi phạm, giảm 1.661 vụ tương ứng giảm 2% so với năm 2016.

Một số điểm nóng chuyên kinh doanh mặt hàng thuốc lá trên địa bàn thành phố Hà Nội như Phố Hàng Hành, Nguyễn Siêu, Hàng Buồm, Trần Xuân Soạn, Tôn Đức Thắng, Khâm Thiên và địa bàn thành phố Hồ Chí Minh như phố Trần Quốc Toản, Học Lạc... việc bán thuốc lá ngoại nhập lậu không còn công khai như trước.

Tuy vậy, hoạt động buôn lậu, vi phạm sở hữu trí tuệ vẫn luôn tiềm ẩn những yếu tố phức tạp, do vậy ​kiến nghị từ Lạng Sơn cho thấy, để đấu tranh ngăn ngừa có hiệu quả với vấn nạn này, các cơ quan chức năng cần xem xét, sửa đổi các quy định về hóa đơn chứng từ đối với hàng hóa nhập khẩu theo hướng chặt chẽ hơn, tránh để các đối tượng lợi dụng quay vòng, hợp thức hóa hàng lậu.

'Luân chuyển công chức tại các vị trí nhạy cảm, dễ phát sinh tiêu cực' ảnh 2Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải phát biểu tại hội nghị của lực lượng Quản lý thị trường. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+)

​Về phía Cục Quản lý thị trường, ông Trịnh Xuân Ngọc cho biết, trong thời gian tới, lực lượng ​này sẽ ​tăng cường kiểm tra kiểm soát các lĩnh vực, mặt hàng thiết yếu tác động lớn đến kinh tế - xã hội và sản xuất trong nước như thuốc lá, rượu, thực phẩm, phân bón, xăng dầu, khí dầu mỏ hóa lỏng, thực phẩm chức năng...

Lãnh đạo Cục Quản lý thị trường cũng nhấn mạnh đến việc tăng cường công tác kiểm tra nội bộ, chấn chỉnh kịp thời những sai sót nghiệp vụ trong quá trình kiểm tra, kiểm soát thị trường và xử lý nghiêm các hành vi tiêu cực của tổ chức, cá nhân vi phạm, thực hiện việc luân chuyển công chức theo đúng quy định, đặc biệt là tại các vị trí “nhạy cảm”, dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng.

​Trong khi đó, theo Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải, năm 2018 sẽ tiếp tục là năm khó khăn đối với nền kinh tế nói chung và công tác Quản lý thị trường trong việc đấu tranh chống các hành vi buôn lậu, gian lận thương mại.

​Tuy vậy, với chức năng nhiệm vụ mới, Tổng cục Quản lý thị trường nếu được Thủ tướng phê duyệt, theo lãnh đạo Bộ Công Thương, bộ mày này sẽ tiếp tục hoàn thiện và hỗ trợ về phương tiện cũng như phối hợp tốt hơn giữa địa phương, các bộ ngành trong công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, ngăn ngừa những hành vi sai phạm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

​Ông Hải yêu cầu ​​ngành càng phải làm tốt hơn những nhiệm vụ mà các cấp đã giao cho lực lượng Quản lý thị trường, trong đó tiếp tục khắc phục những mặt ​còn hạn chế ​nhằm xây dựng lực lượng ngày càng vững mạnh hơn./.

Thứ trưởng Bộ Công Thương nói về vai trò của lực lượng Quản lý thị trường
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục