Ngày 1/8, tại Thành phố Hồ Chí Minh, bà Trần Tố Nga, Việt kiều Pháp cùng các luật sư của Văn phòng Luật sư William Bourdon Forestier ở Paris (Pháp), những nguyên đơn đã đứng đơn kiện 26 công ty hóa chất của Mỹ cung cấp chất độc hóa học cho quân đội Mỹ sử dụng trong chiến tranh ở Việt Nam, gây hậu quả nghiêm trọng cho hàng triệu người Việt Nam, đã có buổi gặp gỡ báo chí và gặp mặt giao lưu với các nạn nhân chất độc da cam/dioxin.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với hai luật sư Amelie Lefebvre và Bertrand Repold thuộc Văn phòng Luật sư William Bourdon về một số nội dung liên quan đến vụ kiện này.
- Xin ông, bà cho biết những diễn biến mới nhất của vụ kiện sau phiên làm việc ngày 18/6 vừa qua?
Luật sư Bertrand Repold: Trong phiên làm việc ngày 18/6 tại Tòa án thành phố Evry (Pháp) giữa tôi là luật sư nguyên đơn và 19 luật sư đại diện cho 19 công ty hóa chất của Mỹ, 5 luật sư phía bị đơn đã cho rằng phía nguyên đơn chưa chuẩn bị đầy đủ giấy tờ và yêu cầu bổ sung trước khi phiên làm việc tiếp theo được tổ chức.
Mới đây, theo yêu cầu của tòa, một số công ty hóa chất của Mỹ đã gửi văn bản trả lời nhưng nội dung vẫn chỉ xoay quanh những vấn đề liên quan đến hồ sơ giấy tờ chứ không hề đề cập đến trách nhiệm của họ trong việc sản xuất và cung cấp chất độc hóa học cho quân đội sử dụng trong chiến tranh, gây hậu quả nghiêm trọng ở Việt Nam. Tôi cho rằng đây là hành động nhằm kéo dài thời gian với mục đích làm cạn kiệt sức lực và khả năng tài chính của bà Trần Tố Nga.
Luật sư Amelie Lefebvre: Chúng tôi và bà Trần Tố Nga đã chuẩn bị các chứng cứ pháp lý và khoa học cho vụ kiện trong 5 năm qua. Do đó, “sự cố” về giấy tờ trong phiên làm việc ngày 18/6 vừa qua không làm cho chúng tôi nhụt chí bởi chúng tôi rất tự tin với những chứng cứ đã thu thập được.
- Ông, bà có tự tin với vụ kiện lần này?
Luật sư Bertrand Repold: Ngay từ đầu khi quyết định tham gia bảo vệ quyền lợi cho nạn nhân Trần Tố Nga, chúng tôi luôn tự tin với những “vũ khí” được trang bị. Đó là những chứng cứ, tài liệu, các nhân chứng sống là nạn nhân chất độc da cam/dioxin ở Việt Nam và người nhà của họ đang phải chịu đựng những đau đớn cả về thể xác và tinh thần. Và trên hết là chúng tôi đang làm những công việc liên quan đến bảo vệ quyền con người-một vấn đề luôn nhận được sự đồng tình, ủng hộ của cả thế giới.
Luật sư Amelie Lefebvre: Tôi đã nói với các luật sư phía bị đơn rằng hãy đến Việt Nam để chứng kiến nỗi đau đớn các nạn nhân chất độc da cam/dioxin đang phải chịu đựng hàng ngày, hàng giờ. Tôi tin, khi đó họ sẽ không thể biện hộ thêm được lời nào nữa. Chính bà Nga và các nạn nhân chúng tôi đã và sẽ gặp trong thời gian tới sẽ là những luận chứng xác thực nhất trong cuộc đấu tranh chính đáng này.
- Xuất phát từ đâu mà Văn phòng Luật sư William Bourdon đã quyết định nhận lời bào chữa miễn phí cho nạn nhân chất độc da cam/dioxin Trần Tố Nga?
Luật sư Bertrand Repold: Bà Nga là nạn nhân chất độc da cam người Việt Nam nhưng có quốc tịch Pháp. Đó là điều kiện thuận lợi đầu tiên cho phép chúng tôi cùng đứng đơn kiện các công ty hóa chất của Mỹ ra tòa án Pháp. Chúng tôi hiểu rằng vụ kiện này là cuộc chiến pháp lý trong hành trình đi tìm công lý không chỉ cho bà Trần Tố Nga mà còn cho các nạn nhân chất độc da cam Việt Nam đang phải chịu đựng những căn bệnh, dị tật cơ thể di truyền qua nhiều thế hệ.
Trong lần đầu tiên đến Việt Nam, chúng tôi đã gặp những đứa trẻ bị mắc các chứng bệnh liên quan đến chất độc da cam đang được nuôi dưỡng ở Làng trẻ em Hữu Nghị (Hà Nội) và chứng kiến nghị lực phi thường của rất nhiều nạn nhân chất độc da cam khác. Tất cả những cuộc gặp gỡ đó đã tiếp thêm nghị lực, thúc giục chúng tôi phải hành động quyết liệt hơn nữa để vụ việc sớm được đưa ra xét xử.
- Có thể nói, vụ kiện này được hàng triệu nạn nhân nhiễm chất độc da cam ở Việt Nam và nhiều nơi trên thế giới kỳ vọng. Trong trường hợp vụ kiện bị kéo dài nhiều năm, ông, bà có tiếp tục đồng hành cùng các nạn nhân chất độc da cam/dioxin Việt Nam nữa hay không?
Luật sư Amelie Lefebvre: Đây là một vụ kiện khó khăn, phức tạp do hồ sơ liên quan đến nhiều nước như Việt Nam, Mỹ, Pháp, số lượng các bên tham gia lại khá đông. Do đó, vụ kiện chắc chắn sẽ kéo dài, rất có thể cuối năm 2016 hoặc đầu năm 2017, phiên tranh tụng đầu tiên mới được diễn ra.
Tuy nhiên, xác định đây là cơ hội đòi công lý cho hàng triệu nạn nhân chất độc da cam Việt Nam, làm thức tỉnh công luận Mỹ và quốc tế về vấn đề liên quan đến lịch sử và con người, chúng tôi sẽ quyết tâm theo đến cùng dù cho vụ kiện có thể kéo dài 10 năm, 20 năm, thậm chí hơn thế nữa.
Dù chưa thể nói trước được điều gì nhưng với sự ủng hộ của nhân dân Việt Nam và thế giới, chúng tôi có niềm tin rất lớn vào thắng lợi của vụ kiện này./.