Lý do khiến giới kinh doanh châu Âu đi tìm 'bến đỗ' mới ở châu Á

Các biện pháp phong tỏa phòng ngừa COVID-19 mà Trung Quốc đang áp dụng khiến nhiều công ty nước ngoài muốn tìm đến các nước khác để triển khai hoạt động.
Lý do khiến giới kinh doanh châu Âu đi tìm 'bến đỗ' mới ở châu Á ảnh 1Bên trong một nhà máy sản xuất ôtô ở Bắc Kinh. (Nguồn: Reuters)

Một số công ty nước ngoài đã không ngần ngại chỉ trích các biện pháp phong tỏa phòng ngừa COVID-19 mà Trung Quốc đang áp dụng.

Thậm chí, một số công ty đã tìm đến Singapore để triển khai hoạt động ở châu Á.

Trong thông cáo mới đây, Đại sứ quán Pháp tại Trung Quốc cho biết: "Chính sách Không COVID của Trung Quốc đã tác động đến các công ty Pháp có mặt tại nước này. Để duy trì, phát triển thương mại và đầu tư song phương giữa Trung Quốc và Pháp, một môi trường thương mại minh bạch, có thể dự đoán được và môi trường giao dịch công bằng là điều cần thiết."

Được gửi bằng tiếng Trung tới 589.000 người đăng ký tài khoản Weibo của cơ quan đại diện Pháp tại Bắc Kinh, văn bản trên thực tế là một bản sao của quan điểm được thể hiện bởi Phòng Thương mại và Công nghiệp Pháp-Trung, nhằm thúc giục nền kinh tế lớn thứ hai thế giới "loại bỏ những hạn chế không cần thiết và quá mức."

[Apple đang lên kế hoạch chuyển sản xuất ra khỏi Trung Quốc]

Tin nhắn có 85.000 lượt thích đã tạo thành một lời chỉ trích về những hạn chế và quy tắc ngặt nghèo được áp đặt để chống lại virus SARS-CoV-2, chẳng hạn bằng cách phong tỏa toàn bộ tòa nhà ngay khi phát hiện các ca bệnh.

Bằng cách làm cho việc đi lại trở nên khó khăn hơn nhiều hoặc thậm chí là không thể, chính sách "Không COVID" gây tranh cãi đang làm gián đoạn sự vận hành trơn tru của nền kinh tế.

Trước đó vào mùa Xuân, sự phong tỏa nghiêm ngặt của Thượng Hải đã cản trở rất nhiều hoạt động ở cảng Thượng Hải - thành phố được coi là "thủ đô kinh tế" Trung Quốc.

“Ý thức hệ hiện đang chiến thắng chủ nghĩa thực dụng”

Đại dịch rõ ràng đã thay đổi thái độ của Trung Quốc đối với việc di chuyển tự do của con người và hàng hóa.

Một nghiên cứu gần đây của Phòng Thương mại và Công nghiệp Liên minh châu Âu (EU) tại Trung Quốc đã tóm tắt tình hình một cách ngắn gọn: “Ý thức hệ hiện đang chiến thắng chủ nghĩa thực dụng.”

Nhà nghiên cứu người Pháp lưu ý rằng điều này không phải là không có hậu quả đối với nhiều nhà đầu tư. Các công ty đang bắt đầu rời Trung Quốc đại lục và Hong Kong (Trung Quốc) để đến Singapore. Tài chính và dịch vụ sẽ là những lĩnh vực đầu tiên bị ảnh hưởng bởi phong trào di cư này. 

Như một dấu hiệu của sự thay đổi này trong tình hình địa chính trị kinh tế châu Á, Hong Kong dường như không còn là trung tâm tài chính hàng đầu của lục địa. Vị trí này giờ đây đã thuộc về Singapore.

Khủng hoảng nhiều mặt

Tại Financière de l'Échiquier, một công ty quản lý vốn của Pháp, người ta nhấn mạnh rằng vấn đề đối với Trung Quốc giờ đây không chỉ là sức khỏe. Theo chuyên gia về quản lý quỹ Clément Inbona, Trung Quốc hiện đang trải qua một cuộc khủng hoảng nhiều mặt.

Ông Clément Inbona chỉ ra trường hợp của “gã khổng lồ” Evergrande, đang bị chôn vùi dưới núi nợ, giữa bối cảnh lĩnh vực bất động sản chiếm gần 1/4 Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của Trung Quốc.

Ông Clément Inbona cũng cho rằng các nhà đầu tư đã định giá được những khó khăn này. Chỉ số CSI 300 của Trung Quốc đã giảm 24% kể từ đầu năm. Để so sánh, chỉ số Stoxx Europe 600 chỉ giảm 10% so với cùng kỳ.

Tuy nhiên, chuyên gia này cũng kêu gọi thận trọng: "Cỗ máy Trung Quốc của kinh tế toàn cầu đang chậm lại một cách nguy hiểm. Nếu tình hình sức khỏe tiếp tục xấu đi, điều này có nguy cơ gây nguy hiểm cho tiềm năng tăng trưởng của các quý tới."

Trung bình, các chuyên gia kinh tế kỳ vọng Trung Quốc - nền kinh tế lớn thứ hai thế giới - sẽ tăng trưởng 3,3% trong năm 2022, mức thấp nhất của 40 năm, đủ để gây ra nỗi sợ suy thoái. Một số chuyên gia cũng hạ dự báo của họ về các sự kiện gần đây.

Công ty Nhật Bản Nomura hiện dự kiến kinh tế Trung Quốc sẽ giảm 0,3% GDP trong quý 4/2022 và về tổng thể sẽ tăng trưởng 2,4% trong năm nay.

Ngân hàng Goldman Sachs dự đoán rằng khả năng Chính phủ Trung Quốc sẽ chấm dứt chính sách “Không COVID” vào quý 2/2023 là 60%./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục