Mexico, Canada giải quyết tranh chấp về quy tắc xuất xứ ôtô với Mỹ

Mexico và Canada đã bắt đầu thảo luận, hoàn thiện hồ sơ để yêu cầu thành lập ban hội thẩm để giải quyết tranh chấp với Mỹ về quy tắc xuất xứ ôtô trong USMCA.
Mexico, Canada giải quyết tranh chấp về quy tắc xuất xứ ôtô với Mỹ ảnh 1Bộ trưởng Kinh tế Mexico Tatiana Clouthier. (Nguồn: Reuters)

Ngày 12/10, Bộ trưởng Kinh tế Mexico Tatiana Clouthier thông báo nước này và Canada đã bắt đầu thảo luận, hoàn thiện hồ sơ để yêu cầu thành lập ban hội thẩm để giải quyết tranh chấp với Mỹ về quy tắc xuất xứ ôtô trong Hiệp định thương mại Mexico-Mỹ-Canada (USMCA).

Trước đó, ngày 23/8, Mexico đã yêu cầu Mỹ mở một giai đoạn tham vấn liên qua tới vấn đề trên. Theo đó, Mexico và Mỹ cần có thời hạn 75 ngày để giải quyết tranh chấp về quy tắc xuất xứ, phù hợp với các quy định tại Khoản 4, Điều 31 của USMCA.

Bộ Kinh tế Mexico cho biết, trong trường hợp không đạt được thỏa thuận chung về việc áp dụng và giải trình cụ thể các điều khoản đó, Mexico có thể yêu cầu thành lập một ban hội thẩm để quyết định về vấn đề này.

[Hiệp định Mỹ-Mexico-Canada: Hợp tác 3 bên cùng thắng]

Theo Bộ Kinh tế Mexico, Mỹ kiên quyết áp dụng một phương pháp chặt chẽ hơn Mexico và Canada về cách tính tỷ lệ nội địa hóa của một số bộ phận cốt lõi trong ngành công nghiệp ôtô, bao gồm động cơ, hộp số và hệ thống lái; đồng thời đánh giá quan điểm cứng rắn của Mỹ đối với các quy tắc xuất xứ trong USMCA có thể khiến các nhà sản xuất ôtô rời khỏi khu vực Bắc Mỹ do các yêu cầu về hàm lượng nội địa phức tạp và tốn kém.

Chính phủ Mexico đã phát hiện "lập trường khác biệt" về các quy tắc xuất xứ trong USMCA, bao gồm các quy định như ít nhất 70% thép và nhôm được sử dụng trong sản xuất ôtô phải có nguồn gốc từ khu vực Mexico-Mỹ-Canada.

Họ cũng nêu rõ rằng, xe chở khách và xe tải phải đáp ứng 75% hàm lượng giá trị khu vực, bao gồm tỷ lệ sử dụng các bộ phận thiết yếu và tỷ lệ sử dụng lao động phải đạt 40% đối với xe chở khách và 45% đối với xe tải nhẹ.

USMCA có hiệu lực từ ngày 1/7/2020 và là phiên bản cập nhật của Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA), có hiệu lực từ năm 1994./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục