Mở lớp tiếng Việt cho cán bộ, nhân viên công nghệ-truyền thông Lào

Lớp tiếng Việt khóa 1 tại trung tâm sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các học viên có thể học kết hợp giữa học ở Lào và Việt Nam so với trước đây phải qua Việt Nam học từ 9 tháng đến 12 tháng.
Mở lớp tiếng Việt cho cán bộ, nhân viên công nghệ-truyền thông Lào ảnh 1Thứ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào Santisuk Simmalavong phát biểu tại lễ khai giảng lớp tiếng Việt. (Ảnh: Phạm Kiên/TTXVN)

Sáng 4/4 tại thủ đô Vientiane, trường Đại học Cửu Long đã phối hợp với Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông, Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào, tổ chức khai giảng Lớp tiếng Việt khóa 1 cho các chuyên viên trong và ngoài Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào.

Tham dự có đại diện lãnh đạo Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào; Bộ Giáo dục và Thể thao Lào; đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ Việt Nam; đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Lào cùng các học viên là cán bộ, nhân viên thuộc Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào.

Phát biểu tại lễ khai giảng, ông Lương Minh Cừ - Hiệu trưởng trường Đại học Cửu Long, cho biết nhằm đáp ứng nhu cầu học tiếng Việt và để tạo thuận lợi cho việc học tiếng Việt, trường và Viện Công nghệ thông tin và Truyền thông Lào đã phối hợp thành lập Trung tâm Đào tạo tiếng Việt Hữu nghị UCL-IICT (Đại học Cửu Long - Viện Công nghệ Thông tin và Truyền thông) từ cuối năm 2022.

Việc tổ chức khai giảng Lớp tiếng Việt khóa 1 tại trung tâm sẽ tạo điều kiện thuận lợi hơn cho các học viên có thể học kết hợp giữa học ở Lào và Việt Nam so với trước đây phải qua Việt Nam học từ 9 tháng đến 12 tháng hoặc vì nhiều lý do không phải ai cũng có điều kiện sang Việt Nam.

[Bồi dưỡng tiếng Việt cho cán bộ, quân nhân lực lượng vũ trang Lào]

Thứ trưởng Bộ Công nghệ và Truyền thông Lào Santisuk Simmalavong cho biết việc phát triển và đào tạo nguồn nhân lực ngành công nghệ thông tin là một nhiệm vụ cấp bách, đặc biệt để chuẩn bị nguồn năng lực đáp ứng trong chiến lược phát triển kinh tế số của quốc gia Lào. Vì vậy, việc đào tạo tiếng Việt tại trung tâm là sáng kiến để các học viên có thể nâng cao trình độ họp tập và tiếp cận với các phương tiện thông tin, khoa học kỹ thuật hữu ích của Việt Nam.

Thứ trưởng Santisuk mong muốn tiếp tục mở rộng các khoá đào tạo tiếng Việt đa dạng hơn; phối hợp mở thêm nhiều khóa và nhiều ngành để đáp ứng nhu cầu thực tế của Lào cũng như sẵn sàng đáp ứng nguồn nhân lực có trình độ cao và chất lượng cao cho xã hội Lào.

Lớp tiếng Việt khóa 1 của Trung tâm Đào tạo tiếng Việt Hữu nghị UCL-IICT gồm 45 học viên tham gia chương trình học với một nửa thời gian học tại Lào và một nửa học tập và thi đánh giá năng lực tiếng Việt tại trường Đại học Cửu Long, qua đó sẽ giúp các học viên có đủ năng lực tiếng Việt trước khi qua học các chuyên ngành tại Việt Nam, tìm hiểu được văn hóa, phong tục Việt Nam và tiết kiệm được thời gian và chi phí học tiếng Việt./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục