Một góc của cuộc chiến Syria qua lời kể của Đặc phái viên LHQ

Theo Đặc phái viên của Cao ủy LHQ về người tị nạn Angelina Jolie Pitt, thật không thể hiểu nổi những gì đã diễn ra trong 5 năm qua, đối với cuộc sống của những người tị nạn tại Jordan và các
Một góc của cuộc chiến Syria qua lời kể của Đặc phái viên LHQ ảnh 1Đặc phái viên của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn Angelina Jolie Pitt - mặc váy đen. (Nguồn: Getty Images)

Angelina Jolie Pitt hiện là Đặc phái viên của Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR), mới có chuyến thăm tới trại tị nạn Azraq của Jordan hôm 9/9 vừa qua để tận mắt chứng kiến những khó khăn của người dân Syria phải trốn chạy vì cuộc chiến đã kéo dài 5 năm qua.

Cô kể: "Đây là lần thứ tư tôi tới thăm Jordan kể từ khi cuộc xung đột Syria bùng nổ. Thật không thể hiểu nổi những gì đã diễn ra trong 5 năm qua, đối với cuộc sống của những người tị nạn tại Jordan và các nơi khác trong khu vực. Không chỉ có một gia đình, trong trại tị nạn có 60.000 người này phải chịu đựng mất mát và tổn thương mà còn rất nhiều gia đình khác."

"Tôi đã gặp một gia đình - những người đã trốn chạy Daesh (tên gọi khác của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng) khỏi Raqqa. Họ đã phải di chuyển 20 lần để tìm kiếm một nơi an toàn tại Syria. Trong thời gian này, người mẹ nhiều lần bị sảy thai, còn hai anh trai và một em gái của bà đã thiệt mạng trong một cuộc không kích."

"Tại trại này, điều mà nhiều đứa trẻ ở đây nhớ được chỉ là môi trường sa mạc khắc nghiệt và các hàng rào thép gai (của các trại tị nạn). Còn có những em phải chịu những vết thương nghiêm trọng về thể chất và tinh thần như một bé trai 13 tuổi mà tôi gặp, bị thương nặng vì dính bom chùm."

"Hơn một nửa người tị nạn tại Jordan dưới 18 tuổi và đang phải sống trong những điều kiện rất khó khăn nhưng chúng vẫn tự xem là những người may mắn. Bởi hiện có hàng triệu người đang bị mắc kẹt tại Syria, với nguy cơ mất mạng hàng ngày. Trong số đó, có 75.000 người Syria đang bị kẹt tại Berm - một vùng đất hoang trên biên giới với Jordan, trong đó có những em bé, phụ nữ mang thai và người bệnh," Angelina mô tả.

Những người này không được cung cấp thực phẩm từ đầu tháng Tám vừa qua và hàng nhân đạo sẽ còn chưa thể tiếp cận được khu vực này trong thời gian tới. Những người bị thương không được sơ tán, luật nhân đạo quốc tế không được áp dụng để bảo đảm cho cho người dân một sự bảo vệ tối thiểu.

Thế giới đã biết tới tình hình tại Berm từ nhiều tháng nay, song chưa có một giải pháp nào được đưa ra. Hội đồng bảo an Liên hợp quốc - trong suốt 5 năm qua vẫn bị chia rẽ về cách thức đạt được một giải pháp chính trị cho Syria.

Những tính toán về việc sử dụng bom chùm, tấn công vào bệnh viện, vũ khí hóa học, giam hãm và bỏ đói vẫn đang diễn ra hàng ngày. Với tất cả các cuộc hội họp của quốc tế, những hội nghị cam kết viện trợ cho Syria trong 5 năm qua, UNHCR và các tổ chức khác mới chỉ đảm bảo được một nửa nhu cầu tại thực địa. Sự thiếu hụt này đã gây ra nhiều hệ lụy.

Do vậy, cô kêu gọi các nhà lãnh đạo thế giới, những người sẽ tham dự cuộc họp của Đại hội đồng Liên hợp quốc trong tháng Chín này, tập trung thảo luận giải quyết những căn nguyên của cuộc xung đột Syria.

Điều mà người tị nạn quan tâm hiện nay đó là liệu bao giờ họ có thể trở về quê hương. Họ không muốn là những người phải nhận viện trợ, họ muốn một giải pháp chính trị./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục