Ngày 3/4, Bộ trưởng Dầu mỏ Iran Bijan Namdar Zanganeh cho biết xuất khẩu dầu và khí ngưng tụ của quốc gia Hồi giáo này đã tăng mạnh và vượt mốc 2 triệu thùng/ngày, sau khi các biện pháp trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ từ tháng Một năm nay.
Theo nhà đàm phán hạt nhân cấp cao Abbas Araqchi, quốc gia Hồi giáo này phải đối mặt với nhiều thách thức và sẽ mất khoảng một năm để đưa xuất khẩu dầu mỏ về mức 2,5 triệu thùng/ngày như trước thời điểm chịu các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Ông Araqchi nhận định rằng các khách hàng của Iran đã quay sang ký kết giao dịch với những nước xuất khẩu dầu mỏ khác. Vì vậy, Iran phải tìm kiếm các đối tác mới.
Trong tháng Một vừa qua, xuất khẩu dầu mỏ của Iran đã tăng lên 1,55 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ tháng 3/2014. Sản lượng khai thác của nước này vượt mức 3,37 triệu thùng/ngày trong cùng thời điểm. Iran đang có kế hoạch nâng lượng dầu xuất khẩu lên mức 2,5 triệu thùng/ngày trong thời gian sắp tới.
Xuất khẩu dầu của Iran tăng liên tục kể từ khi thỏa thuận hạt nhân có hiệu lực và một phần các lệnh trừng phạt quốc tế được dỡ bỏ. Trước đó, Iran xuất khẩu khoảng 1 triệu thùng/ngày khi các lệnh trừng phạt được tăng cường hồi năm 2012.
Nỗ lực giành lại thị phần trên thị trường dầu mỏ của Iran đang gặp phải nhiều trở ngại, trong bối cảnh thị trường dầu mỏ bão hòa, cung vượt cầu và sự cạnh tranh quyết liệt từ các nhà sản xuất lớn như Saudi Arabia.
Ngày 1/4 vừa qua, Hoàng Thái tử Saudi Arabia Mohammed Ben Salmane nói rằng Riyadh sẽ "đóng băng" sản lượng nếu Iran và các quốc gia xuất khẩu dầu khác cũng có hành động tương tự.
Tuyên bố của ông Mohammed Ben Salmane được đưa ra trước khi diễn ra cuộc họp giữa các quốc gia trong và ngoài Tổ chức Các nước Xuất khẩu Dầu mỏ (OPEC), dự kiến tổ chức tại Doha vào ngày 17/4 tới, với mục đích ổn định sản lượng và hỗ trợ giá dầu.
Trước đó Bộ trưởng Dầu mỏ Iran đã khẳng định nước này sẽ chỉ tham gia vào các cuộc thảo luận về việc "đóng băng" hoạt động khai thác sau khi đạt được sản lượng 4 triệu thùng/ngày.
Trong khoảng thời gian Iran phải chịu các lệnh trừng phạt, Saudi Arabia đã tăng sản lượng khai thác lên hơn 10,5 triệu thùng/ngày, góp phần gây ra tình trạng dư thừa nguồn cung và đẩy giá dầu giảm khoảng 70% kể từ giữa năm 2014./.