Chứng khoán Mỹ mất điểm ở ba trong năm phiên giao dịch tuần qua, sau khi xác lập các mức cao kỷ lục vào tuần trước đó, do những lo ngại về triển vọng tăng trưởng của một số nền kinh tế lớn, cũng như sự gia tăng hoạt động chốt lời của giới đầu tư trước khi quý ba khép lại.
Mặc dù phục hồi vào cuối tuần nhờ các tín hiệu kinh tế tích cực, nhưng điều đó không đủ để giúp Phố Wall thoát khỏi tuần đi xuống.
Ngay từ phiên giao dịch đầu tuần (ngày 22/9), “sắc đỏ” đã thống lĩnh phố Wall, không chỉ bởi xu hướng bán tháo kiếm lời diễn ra sôi động mà còn do số liệu đáng thất vọng về doanh số nhà hiện có của Mỹ trong tháng 8/2014.
Đà suy giảm của thị trường này tiếp tục nối dài sang ngày thứ ba liên tiếp, sau khi Markit Economics công bố kết quả khảo sát mới nhất cho thấy hoạt động kinh doanh tại Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) chậm lại trong tháng 9/2014, làm dấy lên những nghi ngại về triển vọng phục hồi của nền kinh tế khu vực này. Cụ thể, Chỉ số quản lý sức mua (PMI) của Eurozone trong tháng Chín này chỉ đạt 52,3, so với mức tương ứng 52,5 của tháng trước đó, đánh dấu mức thấp nhất trong vòng chín tháng qua và là tháng giảm thứ hai liên tiếp của chỉ số này.
Thông tin trên đã làm lu mờ số liệu tích cực về hoạt động chế tạo của Trung Quốc, được công bố cùng ngày tại châu Á. Sau khi đảo chiều đi lên ngày 24/9 nhờ những tiến triển tích cực của thị trường nhà đất Mỹ, các chỉ số chứng khoán Phố Wall lại đua nhau hạ điểm trong phiên giao dịch 25/9, do đà bán tháo cổ phiếu của Apple sau khi đại gia công nghệ này bị chỉ trích về hệ điều hành mới và mẫu iPhone vừa được tung ra thị trường.
Bên cạnh đó, thị trường còn thất vọng trước thông tin cho hay lượng đơn đặt hàng đối với loại hàng hóa lâu bền của Mỹ trong tháng Tám đã giảm tới 18,2% và lượng đơn xin hưởng trợ cấp thất nghiệp lần đầu trong tuần trước đó cũng tăng lên.
Tới phiên giao dịch cuối tuần (ngày 26/9), thị trường chứng khoán Mỹ lại khởi sắc trở lại, nhờ báo cáo lợi nhuận tốt ngoài dự kiến của Nike - nhà cung cấp trang phục và dụng cụ thể thao danh tiếng nước Mỹ, cũng như sự phục hồi của cổ phiếu Apple. Đây cũng đánh dấu phiên thứ tư trong năm phiên giao dịch trong tuần chỉ số Dow Jone dao động với biên độ trên 100 điểm.
Tô điểm cho “sắc xanh” của phiên cuối tuần này là báo cáo đánh giá lần thứ ba của Bộ Thương mại Mỹ, công bố sáng 26/9, cho hay tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) của nước này trong quý hai đạt 4,6%. Đây là tốc độ phát triển nhanh nhất của nền kinh tế Mỹ kể từ quý 4/2011. Con số này cao hơn mức đánh giá 4,2% trong báo cáo đánh giá lần thứ hai, đồng thời tương phản hoàn toàn với mức tăng trưởng âm 2,1% trong quý một năm nay.
Với đà phát triển ấn tượng trong quý hai, các chuyên gia dự báo trong quý ba, tăng trưởng GDP của Mỹ cũng sẽ đạt mức cao, dự kiến khoảng 3,6%.
Kết thúc phiên này, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 167,35 điểm (0,99%), lên 17.113,15 điểm. Chỉ số S&P 500 cũng tiến 16,86 điểm (0,86%), lên 1.982,85 điểm. Trong khi đó, chỉ số công nghệ Nasdaq Composite ghi thêm 45,45 điểm (1,02%), lên 4.512,19 điểm.
Hiện các thông tin về khối doanh nghiệp Mỹ đang thu hút sự chú ý đặc biệt của giới đầu tư cổ phiếu, bởi chỉ ít tuần nữa là mùa công bố lợi nhuận doanh nghiệp quý 3/2014 sẽ bắt đầu khởi động. Nhưng trước khi bước vào giai đoạn này, mối quan tâm của thị trường lại hướng về một số báo cáo kinh tế quan trọng sẽ được công bố vào tuần tới, bao gồm chỉ số lòng tin tiêu dùng tháng Chín, chỉ số giá nhà ở S&P/Case-Shiller tháng Bảy và báo cáo về thị trường việc làm tháng Chín./.