Mưa lũ tại miền núi phía Bắc: 6 người chết, mất tích và bị thương

Mưa lũ và sạt lở đất xảy ra từ ngày 7/7 đến nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã làm 4 người trong một gia đình thiệt mạng.
Mưa lũ tại miền núi phía Bắc: 6 người chết, mất tích và bị thương ảnh 1Lực lượng cứu hộ tìm kiếm người mất tích do nước lũ cuốn xã Linh Thông, huyện Định Hóa, Thái Nguyên. (Ảnh: Thu Hằng/TTXVN)

Theo báo cáo nhanh của Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai, mưa lũ và sạt lở đất xảy ra từ ngày 7/7 đến nay trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã làm 4 người chết (anh Lý Hải Lân sinh năm 1984; chị Phạm Thị Huế sinh năm 1985; bé Lý Trung Dũng sinh năm 2013; bé Lý Hải Phong sinh năm 2009).

Các nạn nhân này cùng trong 1 gia đình bị lũ cuốn trong đêm 7/7 khi đi ôtô qua cầu tràn qua suối ở xã Linh Thông, huyện Định Hóa; 4 nhà bị ảnh hưởng (3 nhà bị sạt lở đất, 1 nhà bị lũ cuốn trôi tại huyện Định Hóa).

Nhiều điểm bị ngập, sạt lở, gây ách tắc giao thông như tại các xã Phú Tiến, Kim Sơn, Kim Phượng, Bộc Nhiêu, Tân Thịnh...Hiện cơ bản nước đã rút và thông tuyến. Một số diện tích lúa mới cấy tại 3 xã Tân Dương, Phương Tiến, Lam Vỹ cũng bị thiệt hại.

[Đã tìm thấy nạn nhân cuối cùng của gia đình bị lũ cuốn ở Thái Nguyên]

Ngoài ra, tại huyện Phú Lương có 112 con lợn, 80 con gà bị thiệt hại, sạt lở một số tuyến đường xã Yên Trạch, Cổ Lũng Yên Đổ, Yên Lạc, ngập một số diện tích lúa. Hiện nước đã rút.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thái Nguyên đã huy động lực lượng tổ chức tìm kiếm người mất tích, chỉ đạo di dời nhà bị sạt lở đất, lũ cuốn trôi đến nơi an toàn, xử lý khu vực sạt lở đất đảm bảo giao thông thông suốt.

Tại tỉnh Hà Giang, mưa lũ đã làm 1 người mất tích do lũ cuốn trôi (ông Hoàng Văn Nha, huyện Quang Bình); 1 người bị thương do sạt lở đất (chị Nông Thị Sao, huyện Bắc Quang); 57 nhà bị ảnh hưởng do đất đá sạt lở tại huyện Quang Bình, Xín Mần, Hoàng Su Phì; 40,97ha lúa, 8,75ha thủy sản bị thiệt hại; 26 điểm, đường giao thông liên thôn, liên xã bị sạt lở, ách tắc với khối lượng 1.375 m3 đất đá; trôi 1 cầu gỗ (cũ); 2 công trình thủy lợi (huyện Yên Minh) bị hư hỏng, với khối lượng 728m3 đất đá; gẫy 10m kênh; sạt lở 3,5m kè rọ đá; 1 ôtô 25 tấn bị rơi xuống vực. Ước tính tổng thiệt hại khoảng 2,8 tỷ đồng.

Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Giang đã huy động lực lượng tiếp tục tổ chức tìm kiếm người mất tích, hỗ trợ các gia đình dựng lại nhà cửa, bố trí lực lượng canh gác, hướng dẫn các phương tiện qua lại tại các điểm giao thông bị sạt lở, tổ chức di dời hộ dân khỏi khu vực nguy hiểm có nguy cơ sạt lở tại khu vực tuyến tỉnh lộ 176 thôn Nà Lầu xã Ngam La (hiện đã di dời 13/20 hộ dân).

[Mưa to ở khu vực vùng núi phía Bắc còn kéo dài đến hết tuần tới]

Tại tỉnh Lào Cai mưa lũ đã làm 3 nhà bị ảnh hưởng do sạt lở đất. (tại huyện Mường Khương và huyện Bắc Hà); 4,25 ha lúa bị vùi lấp, cuốn trôi; 29,7 ha lúa bị ngập úng; 0,87 ha rau màu bị đất vùi lấp; 300kg ngô, đậu tương bị ngập nước; 0,6ha ao cá bị thiệt hại; 3 công trình bị thiệt hại (02 công trình tại huyện Bắc Hà và 1 công trình tại huyện Bảo Thắng); 2 điểm sạt lở trên quốc lộ 4D với khối lượng 5000m3 (không gây ách tắc); 4 tuyến với 21 điểm giao thông liên thôn bị sạt lở với khối lượng 12.000m3; hỏng 5 cống thoát nước. Hiện các điểm giao thông liên thôn cơ bản đã thông tuyến cho người và phương tiện mô tô; 2 điểm trưởng bị ảnh hưởng do sạt lở. Ước tổng thiệt hại 2 tỷ đồng.

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, hiện mực nước trên sông Chảy tại Bảo Yên đã đạt đỉnh ở mức 73,75 m (lúc 17 giờ 7/7 trên mức báo động 2 0,75m) và đang xuống chậm. Mực nước trên sông Thao tại Yên Bái, trên sông Lô tại Tuyên Quang đang lên nhanh.

Dự báo mực nước trên sông Chảy tại Bảo Yên sẽ xuống mức 71,50 m (trên mức báo động1: 0,50m); trên sông Lô tại Tuyên Quang sẽ lên mức 21,80 m (dưới mức báo động 1: 0,20 m); trên sông Thao tại Yên Bái ở mức 29,6m (dưới mức báo động 1: 0,4m).

Cảnh báo lũ quét trên các sông suối nhỏ và sạt lở đất có khả năng xảy ra tại các tỉnh ở vùng núi phía Bắc, đặc biệt tại các huyện: Tân Uyên, Phong Thổ, Sìn Hồ, Mường Tè, Tam Đường, Than Uyên, Nậm Nhùn (Lai Châu, nguy cơ đặc biệt cao); Bắc Hà, Mường Khương, Bảo Thắng, Bảo Yên, Si Ma Cai, Bát Xát, Cam Đường (Lào Cai, nguy cơ cao); Hoàng Su Phì, Xín Mần, Bắc Quang, Vị Xuyên (Hà Giang, nguy cơ cao); Mường Nhé, Mường Lay, Tủa Chùa, Nậm Pô (Điện Biên, nguy cơ cao); Quỳnh Nhai, Thuận Châu, Mường La, Mai Sơn (Sơn La, nguy cơ cao). Cảnh báo cấp độ rủi ro thiên tai: Cấp 1.

Do ảnh hưởng của rãnh áp thấp kết hợp với hội tụ gió trên cao nên từ đêm 8/7 đến ngày 11/7, ở Bắc Bộ và Thanh Hóa có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và dông với tổng lượng mưa phổ biến 70-120mm, có nơi trên 200mm, thời gian mưa lớn thường xảy ra về đêm và sáng sớm. Cấp độ rủi ro thiên tai cấp 1.

Theo Vụ Quản lý công trình Thủy lợi và An toàn đập, hầu hết các hồ chứa thủy lợi đang ở mức thấp, trong đó trung bình các hồ ở khu vực Bắc Bộ ở mức 40-55% dung tích thiết kế, khu vực Bắc Trung Bộ ở mức 55-65% (riêng tại Thanh Hóa các hồ đạt trung bình 35%), ở khu vực Tây Nguyên trung bình đạt 60-70% và Đông Nam Bộ trung bình ở mức 45-55%. Hiện tại các hồ chứa đều đảm bảo an toàn; được vận hành theo đúng quy trình điều tiết và trực theo dõi diễn biến mực nước, hiện trạng công trình 24/24 giờ.

Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai đã và đang thường xuyên theo dõi chặt chẽ diễn biến mưa lũ, công tác vận hành các hồ chứa, đặc biệt là hồ thủy điện Tuyên Quang; đôn đốc các địa phương triển khai thực hiện nghiêm túc các nội dung Công điện số 13 ngày 3/7 đồng thời yêu cầu Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn các tỉnh, thành phố trực ban nghiêm túc, theo dõi diễn biến thời tiết để chủ động các biện pháp ứng phó./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục