Mỹ, Pháp hoan nghênh điện đàm giữa lãnh đạo Trung Quốc và Ukraine

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tiến hành cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga hồi đầu năm ngoái.
Mỹ, Pháp hoan nghênh điện đàm giữa lãnh đạo Trung Quốc và Ukraine ảnh 1Tòa nhà bị hư hại do xung đột tại Mariupol, Ukraine, ngày 28/4/2022. (Ảnh: THX/TTXVN)

Ngày 26/4, Nhà Trắng ra tuyên bố hoan nghênh cuộc điện đàm giữa Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky diễn ra cùng ngày, song cho rằng còn quá sớm để nhận định liệu sự kiện này có dẫn đến một thỏa thuận hòa bình giữa Nga và Ukraine hay không.

Phát biểu với báo giới, người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia Mỹ John Kirby cho rằng cuộc điện đàm này là một "điều tốt."

Theo ông Kirby, Mỹ sẽ hoan nghênh “bất kỳ nỗ lực nào để đạt được hòa bình miễn là hòa bình đó có thể ... bền vững và đáng tin cậy." 

[Trung Quốc: Đối thoại là giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine]

Cùng ngày, Pháp cũng tuyên bố nước này ủng hộ mọi cuộc đối thoại nhằm chấm dứt cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga sau khi Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky điện đàm.

Một quan chức Phủ Tổng thống Pháp yêu cầu giấu tên cho biết nước này "khuyến khích mọi cuộc đối thoại" có thể "góp phần giải quyết cuộc xung đột" phù hợp với với luật pháp quốc tế.

Theo quan chức này, đây cũng là thông điệp mà Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã đưa ra trong chuyến thăm Trung Quốc hồi đầu tháng. 

Italy tuyên bố muốn đóng một vai trò quan trọng trong việc tái thiết Ukraine và kêu gọi các cơ quan của Liên minh châu Âu (EU) ủng hộ việc xây dựng lại quốc gia bị tàn phá bởi xung đột.

Theo phóng viên TTXVN tại Rome, khi phát biểu cùng với Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal tại hội nghị song phương về tái thiết Ukraine ở Rome, Thủ tướng Italy Giorgia Meloni nhấn mạnh: "Chúng tôi muốn đóng một vai trò hàng đầu không chỉ về mặt chính trị, mà còn bằng cách thu hút sự tham gia của các doanh nghiệp."

Bà khuyến khích các công ty Italy đóng góp để tái thiết Ukraine, gọi đó là một sự đầu tư có "tầm nhìn xa."

Ngân hàng Thế giới (WB), Liên hợp quốc, Ủy ban châu Âu (EC) và Ukraine gần đây ước tính sẽ phải mất 411 tỷ USD để tái thiết quốc gia Đông Âu này.

Trước đó cùng ngày, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã tiến hành cuộc điện đàm đầu tiên kể từ khi xảy ra cuộc xung đột giữa Ukraine và Nga hồi đầu năm ngoái, trong đó Bắc Kinh nhấn mạnh đối thoại là giải pháp cho cuộc khủng hoảng Ukraine. 

Sau cuộc điện đàm này, Tổng thống Ukraine đã bổ nhiệm ông Pavel Ryabikin - cựu bộ trưởng các ngành công nghiệp chiến lược của Ukraine làm Đại sứ mới tại Trung Quốc.

Ukraine đã không có Đại sứ tại Trung Quốc kể từ tháng 2/2021./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục