Mỹ và EU kết thúc vòng đàm phán đầu tiên về TTIP

Vòng đàm phán diễn ra tích cực, Mỹ-EU nhất trí với lịch trình nhằm đạt thỏa thuận vào cuối 2014, trước thời điểm EC bầu Chủ tịch mới.
Sau một tuần nỗ lực, ngày 12/7, các nhà đàm phán thương mại Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) đã kết thúc vòng đàm phán đầu tiên về Hiệp định Đối tác đầu tư và thương mại xuyên Đại Tây dương (TTIP), tạo ra khuôn khổ cho các cuộc thảo luận tiếp theo trong tương lai về vấn đề này.

Phát biểu tại cuộc họp báo sau khi đàm phán kết thúc, trưởng đoàn đàm phán EU, ông Ignacio Garcia-Bercerco cho biết thông qua vòng đàm phán tích cực với một loạt chủ đề cùng quan tâm, các bên đã vạch ra nhiều tham vọng cũng như cách tiếp cận khác nhau nhằm đạt được những kết quả tốt nhất trong 20 lĩnh vực thuộc TTIP.

Ông Bercerco khẳng định bất chấp tranh cãi xung quanh vụ bê bối liên quan hoạt động do thám trực tuyến và gián điệp của Mỹ đối với các nước châu Âu, hai bên đã đạt được mục tiêu chính: "một vòng đàm phán độc lập với một loạt chủ đề cùng quan tâm," mở đường cho vòng đàm phán thứ hai dự kiến diễn ra tại Brussels, Bỉ vào ngày 7/10 tới.

Về phần mình, đại diện đàm phán Mỹ Dan Mullaney đánh giá vòng đàm phán diễn ra tích cực, hai bên nhất trí với lịch trình, nhằm đạt được thỏa thuận vào cuối năm 2014, trước thời điểm Ủy ban châu Âu (EC) bầu Chủ tịch mới.

[Mỹ và EU chính thức khởi động đàm phán TTIP]

Với mục tiêu bãi bỏ thủ tục quan liêu, rào cản bảo hộ nhằm mở cửa hơn nữa cho các hoạt động đầu tư và thương mại, tạo ra khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 820 triệu người tiêu dùng, vòng đàm phán sắp tới về TTIP dự kiến sẽ tập trung vào các vấn đề buôn bán nông sản, đầu tư qua biên giới, quyền sở hữu trí tuệ.

Hai bên hy vọng việc dỡ bỏ hạn chế thương mại và đầu tư sẽ giúp tạo việc làm và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Mối quan hệ kinh tế giữa Mỹ và EU được đánh giá là lớn nhất thế giới và cũng là một trong những mối quan hệ phức tạp nhất. Nền kinh tế hai bên hiện chiếm gần 50% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu và 30% kim ngạch thương mại toàn cầu.

Theo các số liệu thống kê chính thức, năm ngoái, kim ngạch trao đổi hàng hóa và dịch vụ giữa Mỹ và EU đạt gần 1.000 tỷ USD và tổng đầu tư lên tới 3.700 tỷ USD.

Trong khi đó, Trung tâm châu Âu ước tính nếu thành công và chính thức có hiệu lực, TTIP có thể mang lại cho nền kinh tế EU 119 tỷ euro (tương đương 150 tỷ USD) mỗi năm và cho nền kinh tế Mỹ 95 tỷ euro mỗi năm và GDP của cả hai bên có thể tăng thêm từ 0,5% đến 1% mỗi năm.

Tuy nhiên, những cáo buộc mới liên quan tới chương trình nghe lén của Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) cũng phần nào ảnh hưởng tới quan hệ đồng minh truyền thống xuyên Đại Tây Dương và phủ bóng đen lên tiến trình đàm phán TTIP.

Nhiều ý kiến tại Brussels cho rằng cần phải đánh giá mức độ ảnh hưởng của vụ bê bối này đối với đàm phán thương mại, bởi không thể tránh được những tranh cãi tại Nghị viện châu Âu và quan hệ song phương Mỹ-EU chắc chắn sẽ bị phương hại.

Dư luận nhận định rằng tiến trình đàm phán này chắc chắn sẽ gặp nhiều khó khăn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục