Nam Định: Xuất hiện nhiều ổ dịch phức tạp, tạm dừng kinh doanh càphê

Các cửa hàng ăn uống trong toàn tỉnh chỉ phục vụ tối đa 20 người trong cùng một thời điểm, đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch và đóng cửa từ 21 giờ đến 5 giờ sáng hằng ngày.
Nam Định: Xuất hiện nhiều ổ dịch phức tạp, tạm dừng kinh doanh càphê ảnh 1Chủ tịch UBND tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp trực tuyến với 10 huyện, thành phố để triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19. (Ảnh: Văn Đạt/TTXVN)

Chiều 7/11, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nam Định cho biết, những ngày gần đây, trên địa bàn tỉnh liên tục phát hiện nhiều chùm ca bệnh tại các huyện Giao Thủy, Nam Trực, Ý Yên, thành phố Nam Định và một số trường hợp có nguồn lây từ những người đi từ vùng có dịch về tỉnh.

Cơ quan chức năng, chính quyền địa phương đang dồn sức thực hiện các biện pháp cấp bách để kiểm soát, ngăn ngừa nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng.

Nhiều ổ dịch phức tạp

Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nam Định, từ ngày 1-7/11, toàn tỉnh ghi nhận 141 ca mắc mới. Riêng trong ngày 7/11 đã ghi nhận 45 ca tại thành phố Nam Định và các huyện Ý Yên, Nam Trực, Trực Ninh, Giao Thủy, Mỹ Lộc.

Tại huyện Giao Thủy, từ một trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 chưa xác định được nguồn lây ở xã Hồng Thuận vào ngày 6/11, đến ngày 7/11, ổ dịch này đã có thêm 23 ca mắc mới; trong đó, nhiều trường hợp là học sinh Trường Trung học cơ sở Hồng Thuận.

Ở huyện Nam Trực, từ ca bệnh đầu tiên tại thôn Đông, xã Nam Cường, được phát hiện vào ngày 4/11, đến ngày 7/11 đã có thêm 22 ca mắc mới tại các xã: Hồng Quang, Nam Cường, Nam Lợi, Điền Xá và thị trấn Nam Giang.

Tại huyện Ý Yên, từ ngày 4-7/11 ghi nhận chùm 27 ca bệnh liên quan đến ca mắc COVID-19 tại xã Yên Cường. Cũng trong thời gian này, trên địa bàn thành phố Nam Định ghi nhận 23 ca mắc mới.

[Dịch COVID-19: Lớp học đặc biệt trong khu cách ly tại Nam Định]

Các địa phương khác trong tỉnh cũng đã phát hiện những ca bệnh trong cộng đồng liên quan đến các bệnh nhân COVID-19, người trở về Nam Định từ các tỉnh, thành phố...

Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 tỉnh Nam Định nhìn nhận, đây là những chùm ca bệnh có yếu tố dịch tễ phức tạp, liên quan đến trường học, chợ, doanh nghiệp tại nhiều địa phương trong tỉnh.

Cấp bách ứng phó, ngăn dịch lây lan

Tại cuộc họp trực tuyến với 10 huyện, thành phố để triển khai các biện pháp cấp bách phòng, chống dịch COVID-19 vào chiều 7/11, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định Phạm Đình Nghị chỉ đạo, từ 0 giờ ngày 8/11, tạm dừng hoạt động cơ sở kinh doanh càphê tại 9 huyện (thành phố Nam Định đã tạm dừng hoạt động kinh doanh cà phê từ ngày 27/10).

Các cửa hàng ăn uống trong toàn tỉnh chỉ phục vụ tối đa 20 người trong cùng một thời điểm, đảm bảo các yêu cầu về phòng, chống dịch và đóng cửa từ 21 giờ đến 5 giờ sáng hằng ngày (trừ hiệu thuốc, cơ sở, đại lý cung ứng lương thực, thực phẩm).

Để kiểm soát tốt dịch bệnh, chính quyền, cơ quan chức năng địa phương kêu gọi, khuyến cáo người dân không nên ra khỏi nhà sau 22 giờ đến 5 giờ sáng, trừ trường hợp cần thiết như làm nhiệm vụ, cấp cứu, lao động sản xuất.

Đặc biệt, tuyên truyền, vận động nhân dân, trong đó cán bộ, đảng viên gương mẫu đi đầu trong việc giảm quy mô đám cưới, đám hỏi, đám tang, đám giỗ, không mời người ở tỉnh ngoài, huyện khác đến tham dự.

Từ ngày 8/11, học sinh mầm non, Tiểu học, Trung học cơ sở, Trung học phổ thông công lập và ngoài công lập, Trung tâm ngoại ngữ tại các địa phương đã ghi nhận chùm ca bệnh trong cộng đồng, có yếu tố dịch tễ phức tạp, diễn biến nhanh, có ca bệnh là học sinh gồm huyện Ý Yên, Nam Trực, Giao Thủy và Mỹ Lộc chuyển các hoạt động giáo dục cũng như hình thức dạy học từ trực tiếp sang trực tuyến cho đến khi có thông báo mới (thành phố Nam Định thực hiện từ chiều 27/10).

Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Nam Định yêu cầu, các cơ quan, công sở thuộc tỉnh và Trung ương đóng trên địa bàn tỉnh tăng cường làm việc trực tuyến trên tinh thần đảm bảo tiến độ, chất lượng công việc theo chức năng, nhiệm vụ; tạm dừng các hội nghị, hội thảo chưa thực sự cần thiết.

Các doanh nghiệp định kỳ hằng tuần xét nghiệm tầm soát xác suất cho người lao động theo quy định, phát hiện sớm, ngăn ngừa các nguy cơ dịch bệnh.

Chính quyền địa phương, lực lượng Công an, Tổ COVID-19 cộng đồng quản lý chặt những người từ nơi khác về địa bàn; thực hiện nghiêm việc khai báo y tế, cách ly tại nhà đúng hướng dẫn của cơ quan y tế và quy định phòng dịch; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục