Nâng tầm nông sản Việt từ chiến lược mang tên 'Vải thiều Bắc Giang'

Nâng tầm nông sản Việt từ chiến lược mang tên “Vải thiều Bắc Giang'

Trong thời kỳ dịch bệnh, nông sản Bắc Giang mà đặc biệt là vải thiều vẫn được tiêu thụ thuận lợi. Bài học kinh nghiệm từ cách làm bài bản của Bắc Giang đáng để các địa phương khác học hỏi...
Nâng tầm nông sản Việt từ chiến lược mang tên “Vải thiều Bắc Giang'

Chỉ cần đánh cụm từ “vải thiều Bắc Giang” lên mạng tìm kiếm, ngay lập tức hàng loạt kết quả hiện ra với “vải thiều đi siêu máy bay,” hay “lần đầu tiên quả vải được bán cả ở 6 sàn thương mại điện tử”… và mới đây nhất là “vải thiều Bắc Giang được bảo hộ tại 8 thị trường lớn”…  

Có thể thấy, chưa có thời điểm nào giá cả và tình hình tiêu thụ vải thiều lại nhận được sự quan tâm lớn như hiện nay. Và có lẽ, cũng chưa bao giờ chính quyền và người dân Bắc Giang tự hào và tự tin với loại trái cây này đến thế, bất chấp tình hình dịch COVID-19 còn đang diễn biến phức tạp.

Chính vì vậy mà ông ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang đã không khỏi chạnh lòng khi thấy ở một số nơi, người dân lại kêu gọi “giải cứu vải thiều,” bởi ông hơn ai hết hiểu rất rõ từng quả vải đỏ tươi, chín căng mọng đang có mặt ở tất cả các siêu thị hay trên các kệ hàng từ trong nước đến nước ngoài đều là mồ hôi, công sức của bà con nông dân cũng như sự “tiếp sức” của các chính sách đúng đắn từ nuôi trồng cho đến tiêu thụ.

Nâng tầm nông sản Việt từ chiến lược mang tên “Vải thiều Bắc Giang' ảnh 1Một điểm chốt kiểm dịch cho xe và người ra vào mua bán vải tại Lục Ngạn, Bắc Giang (Ảnh: TTXVN phát)

Quả vải đến tay người dùng phải tươi ngon, đàng hoàng nhất…

Câu chuyện về thông tin “vải thiều bị ép giá” còn chưa kịp nguội thì một thông tin khác tại thủ phủ vải thiều Lục Ngạn lại tiếp tục nóng lên. Một đoạn video dài vỏn vẹn 47 giây được đăng tải trên tài khoản Facebook Công an H.Lục Ngạn (Bắc Giang) đã nhận được hàng chục ngàn lượt xem và chia sẻ.

Trong video này, một xe tải có treo băng rôn “Giải cứu nông sản” đang chở hàng ra khỏi huyện Lục Ngạn thì bị một chiến sỹ công an yêu cầu dừng xe và gỡ toàn bộ băng rôn có nội dung giải cứu. Ngay sau khi được giải thích về việc từ “giải cứu” không phù hợp và có thể gây ảnh hướng đến giá cả vải thiều lúc này, chủ xe và tài xế đã ngay lập tức vui vẻ, gỡ bỏ toàn bộ băng rôn...

(Nguồn: kênh Youtube Bắc Giang ngày mới)

Đây chỉ là một trong những câu chuyện “người Bắc Giang nói không với giải cứu vải thiều”. Ngày 2/6, Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang đã gửi đi một thông điệp mạnh mẽ, đó là đề nghị các cơ quan báo chí không dùng từ "giải cứu" trong các tin, bài, phóng sự... khi tuyên truyền về việc tiêu thụ nông sản nói chung và vải thiều nói riêng của tỉnh.

Chia sẻ về vấn đề này, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan đồng tình và khẳng định: "Nông dân làm ra hàng hóa nông sản từ củ hành, củ khoai đến quả vải chỉ mong muốn bán được sản phẩm, chứ không mong được xã hội mua bán theo kiểu làm từ thiện, thương cảm, bản thân nông dân khi nói được giải cứu cũng dễ tổn thương thêm. Vì thế, đã đến lúc chúng ta cần thay đổi cách tiếp cận khác.”

Ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang cho hay không dùng từ giải cứu không có nghĩa là tỉnh không muốn mọi người mua bán vải. Điều mà dịa phương này muốn hướng tới là dù trong hoàn cảnh nào thì giá trị của nông sản phải được nâng niu, đó cũng là cách tôn trọng sản phẩm bà con nông dân làm ra, tôn trọng công sức của họ.

Nâng tầm nông sản Việt từ chiến lược mang tên “Vải thiều Bắc Giang' ảnh 2Ông Dương Văn Thái - Bí thư Tỉnh ủy Bắc Giang chia sẻ (Ảnh: TTXVN phát)

“Chúng tôi luôn ủng hộ mọi hình thức hỗ trợ người dân tiêu thụ vải, nhưng không phải theo cách bán đổ bán tháo trên vỉa hè dưới cái mác giải cứu. Chúng tôi muốn đặc sản của Bắc Giang đến tay người tiêu dùng một cách trọn vẹn, tươi ngon, đàng hoàng nhất,” ông Thái nhấn mạnh.

Quả vải lên sàn, ra quốc tế và được bảo hộ

Với cách làm mới, từ ngày 6/6, cả 6 sàn thương mại điện tử lớn tại Việt Nam bao gồm: Sendo, Voso (Viettel Post), Tiki, Shopee, Postmart (VNpost), Lazada đã đồng loạt mở bán chính thức sản phẩm vải thiều Bắc Giang. 

Hoạt động này nhằm giúp vải thiều Bắc Giang tiếp cận với thị trường trong nước và quốc tế nhanh, rộng hơn, phù hợp với phương thức bán hàng thời kỳ công nghệ 4.0 và tình hình dịch bệnh COVID-19 đang diễn biến phức tạp.

Theo đó, sau khi khách chốt đơn trên sàn, nông dân Bắc Giang mới thu hoạch vải, đóng thùng xốp, giữ lạnh đúng quy cách, dán tem truy xuất nguồn gốc và vận chuyển nhanh bằng mọi hình thức (xe lạnh, máy bay) về các địa phương. Các đơn hàng sẽ tới tay người tiêu dùng trong vòng 2-3 ngày…

Chị T.T.H (Singapore) cho biết trong những ngày bị phong tỏa bởi COVID-19, chuỗi ngày được trở về quê hương như nối dài hơn, thì những thùng vải tươi đầu mùa của Bắc Giang “cập bến” và lên kệ các siêu thị thuộc chuỗi NTUC lớn nhất tại đảo quốc Sư tử đã khiến chị và nhiều người dân Việt Nam đang sinh sống tại đây vô cùng vui sướng.

“Cầm hộp quả vải trên tay mà tôi thấy vui và xúc động vô cùng vì cuối cùng, những sản phẩm nông sản có chất lượng của Việt Nam cũng đã được bạn bè quốc tế biết tới và công nhận,” chị T.T.H nói.

Thay thế hình ảnh những túm vải lăn lóc, héo hon trên vỉa hè là những hình ảnh hộp vải đẹp mắt, những quả vải tươi ngon, căng mọng trên các sàn giao dịch điện tử đang dần quen thuộc với người tiêu dùng trong và ngoài nước...

Có lẽ, đây là lần đầu tiên, bà con nông dân trồng vải ở Bắc Giang được bán hàng theo phương thức mới: Livestream để bán vải online qua sàn thương mại điện tử. Kết quả thật bất ngờ, chỉ trong 40 phút bán theo hình thức này trên sàn Sendo, bà con nông dân huyện Lục Ngạn (Bắc Giang) đã “chốt đơn” bán hết 8 tấn vải thiều.

[Bắc Giang: Giá vải thiều ổn định và sẽ tăng lên khi vào chính vụ]

Nhờ vậy mà tính đến hết ngày 13/6, hơn 97.000 tấn vải thiều Bắc Giang đã được tiêu thụ; trong đó thị trường trong nước tiêu thụ đạt hơn 57.000 tấn và xuất khẩu đạt hơn 39.000 tấn, với các thị trường chính là Trung Quốc, Nhật Bản và Mỹ.

Tại hội nghị trực tuyến tiêu thụ vải thiều năm 2021, với 29 điểm cầu trong nước và quốc tế vừa qua, Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên đánh giá cao cách làm của tỉnh Bắc Giang trong việc xúc tiến tiêu thụ vải thiều. Theo Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên, thương mại điện tử là phương thức kinh doanh mới và hiện đại. Việc Bắc Giang chủ động áp dụng nền tảng công nghệ mới này trong tiêu thụ vải là hướng đi đúng, nhất là trong thời điểm dịch bệnh.

Nâng tầm nông sản Việt từ chiến lược mang tên “Vải thiều Bắc Giang' ảnh 3Vải Bắc Giang đạt chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu vào các thị trường khó tính (Ảnh: Lâm Phan/Vietnam+)

Mặt khác, hiện vải thiều của Bắc Giang cũng được bảo hộ nhãn hiệu tại 8 quốc gia, gồm Trung Quốc, Mỹ, Nhật Bản, Australia, Hàn Quốc, Singapore, Lào và Campuchia. Trước đó, vào tháng 3/2021, vải thiều Lục Ngạn trở thành sản phẩm nông sản đầu tiên của Việt Nam được chính thức bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Nhật Bản vừa mở đường thúc đẩy bảo hộ chỉ dẫn địa lý, vừa là "giấy thông hành" để vải thiều Lục Ngạn xuất khẩu vào các thị trường lớn, tiềm năng khác.

Đây cũng chính là hướng đi đúng đắn của địa phương trong việc đưa thương hiệu “vải thiều Bắc Giang” có mặt tại nhiều nước trên thế giới.

Thấy gì từ chiến lược định vị “vải thiều Bắc Giang”

Có thể thấy rằng bên cạnh việc nâng cao chất lượng, nâng cao các tiêu chuẩn cho quả vải thiều, trong nhiều năm qua, xây dựng thương hiệu cho loại trái cây này là một yếu tố được địa phương đặc biệt quan tâm.

Liên hệ với câu chuyện cách đây không lâu: Gạo ST25 bị đăng ký bảo hộ tại Mỹ dẫn tới nguy cơ mất thương hiệu loại gạo ngon nhất thế giới của Việt Nam, ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang tự tin cho rằng câu chuyện này sẽ rất khó bị lặp lại với trường hợp của quả vải Bắc Giang.

Ông Tuấn cho biết từ năm 2008, tỉnh Bắc Giang đã phối hợp với các đơn vị liên quan đăng ký bảo hộ vải thiều Lục Ngạn và cũng trong năm đó vải thiều Lục Ngạn được cấp văn bằng bảo hộ chỉ dẫn địa lý tại Việt Nam, là sản phẩm thứ 15 của quốc gia. Chỉ dẫn địa lý vải thiều Lục Ngạn trở nên nổi tiếng nhờ danh tiếng, uy tín và chất lượng sản phẩm tại thị trường trong nước cũng như trên thế giới.

Cùng với đó, Ủy ban nhân dân tỉnh cũng chỉ đạo nghiên cứu thị trường có tiềm năng xuất khẩu để đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp và đã đăng ký thành công nhãn hiệu vải thiều Lục Ngạn tại 8 quốc gia. Các quốc gia khác đang được xem xét để đăng ký. Hay việc đăng ký bảo hộ chỉ dẫn địa lý, bên cạnh Nhật Bản, tỉnh cũng đang đẩy mạnh xúc tiến tại một loạt các thị trường khác như Mỹ, Australia, Hàn Quốc để có thể thực hiện trong tương lai gần…

Vùng vải thiều xuất khẩu sang Nhật Bản tại Bắc Giang

“Trên giấy tờ là vậy, hoạt động thực tế để người dân trong nước cũng như bạn bè quốc tế ghi nhận quả vải thiều Bắc Giang cũng vô cùng quan trọng. Trong nhiều năm qua, tỉnh liên tục triển khai các hoạt động tìm kiếm thị trường với nhiều hình thức như Hội nghị tiêu thụ vải thiều (trực tiếp và trực tuyến), Tuần lễ vải thiều, xúc tiến thương mại tại các địa phương có khả năng tiêu thụ lượng vải lớn, đặc biệt là các tỉnh Vân Nam, Quảng Châu của Trung Quốc, thị trường Nhật Bản, Mỹ, Australia, EU,” ông Tuấn chia sẻ.

Đánh giá cao cách làm của tỉnh Bắc Giang, Cục trưởng Cục Trồng trọt, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Như Cường cho rằng thành công của vải thiều Bắc Giang trong một vài năm trở lại đây có một yếu tố quan trọng từ quy hoạch vùng trồng.

“Với mỗi một loại cây trái, nông sản lại cần điều kiện tự nhiên, khí hậu, thổ nhưỡng riêng. Quy hoạch vùng trồng chính là một cách để các địa phương rà soát, nghiên cứu đưa ra vùng trồng và diện tích trồng phù hợp với từng loại cây của địa phương mình.  Cục Trồng trọt đóng vai trò hướng dẫn chi tiết để từng tỉnh, thành trên cơ sở đó quyết định việc cấp mã số vùng trồng cho mỗi địa phương,” ông Cường nhấn mạnh.

Xác định xây dựng và giữ gìn thương hiệu vải thiều Bắc Giang cần xuất phát từ việc nâng cao chất lượng sản phẩm, ông Dương Thanh Tùng - Giám đốc sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bắc Giang cho biết: Vấn đề quy hoạch vùng trồng là vấn đề luôn được ngành nông nghiệp địa phương quan tâm hàng đầu, bởi quy hoạch vùng trồng chính là cách bền vững để duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm.

Theo ông Tùng, trong những năm trước, đã có lúc trên địa bàn tỉnh bùng nổ diện tích trồng vải lên tới hơn 33.000 ha. Tuy nhiên, trong một vài năm trở lại đây, con số này đã được hạ xuống và duy trì ổn định ở mức 28.000 ha. Mặt khác, tỉnh cũng khuyến khích người dân tham gia sản xuất theo các mô hình hợp tác xã thay vì sản xuất manh mún như trước kia. Việc này không chỉ giúp dần cân bằng cán cân cung-cầu mà còn giúp người nông dân có thể canh tác tập trung, áp dụng tốt khoa học, kỹ thuật vừa tăng năng suất, vừa nâng cao chất lượng sản phẩm lại thuận lợi tiêu thụ.

 “Với thành công đã đạt được từ cây vải, trong tương lai, địa phương chúng tôi sẽ tiếp tục thực hiện với các loại nông sản khác như na và đặc biệt là các loại trái cây có múi,” ông Tùng chia sẻ.

Tỉnh Bắc Giang xác định những thành công bước đầu với trái vải thiều chính là tiền để để phát triển và nâng tầm các loại nông sản khác. Trong thời gian tới, bên cạnh việc nâng cao chất lượng sản phẩm, nâng cao trình độ sản xuất của người dân, tỉnh Bắc Giang đề nghị Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hỗ trợ tỉnh quảng bá, xúc tiến tiêu thụ các sản phẩm nông sản của tỉnh thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, hội chợ, triển lãm giới thiệu sản phẩm trong và ngoài nước đồng thời giới thiệu cho tỉnh các doanh nghiệp có uy tín để phối hợp xây dựng chuỗi liên kết từ sản xuất đến tiêu thụ sản phẩm.

“Đặc biệt, tỉnh mong Bộ Công Thương hỗ trợ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu đối với sản phẩm cam, bưởi Lục Ngạn, gà đồi Yên Thế đồng thời đào tạo, tập huấn cho doanh nghiệp, hợp tác xã nâng cao nhận thức về mẫu mã bao bì sản phẩm, tem truy xuất nguồn gốc,” Ông Phan Thế Tuấn - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bắc Giang chia sẻ./.

Nâng tầm nông sản Việt từ chiến lược mang tên “Vải thiều Bắc Giang' ảnh 4Biểu đồ 4 loại cây có diện tích trồng được quy hoạch lớn nhất trên địa bàn tỉnh Bắc giang
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục