Nga hỗ trợ Bangladesh xây nhà máy điện hạt nhân

Hai lò phản ứng tại cơ sở hạt nhân Bangladesh sẽ có tổng công suất lắp đặt 2.000 MW với tổng chi phí ước tính vượt 2 tỷ USD.
Phát biểu tại Khóa họp thường niên Đại hội đồng Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA) diễn ra tại Vienna, Áo, Tổng giám đốc Tập đoàn Rosatom của Nga, ông Sergey Kiriyenko, cho biết tập đoàn này đã bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Bangladesh.

Hai lò phản ứng tại cơ sở hạt nhân Bangladesh sẽ có tổng công suất lắp đặt 2.000 MW với tổng chi phí ước tính vượt 2 tỷ USD. Nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của Bangladesh được xây dựng tại Rooppur, cách thủ đô Dhaka khoảng 120km và dự kiến đi vào hoạt động năm 2020.

Tổng giám đốc Rosatom cho biết đây sẽ là nhà máy điện hạt nhân hiện đại, được kiểm tra đồng bộ đáp ứng những điều kiện về an toàn sau sự cố tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima của Nhật Bản hồi tháng 4/2011.

Ngoài cung cấp 2 lò phản ứng hạt nhân cho nhà máy, Nga cũng như cung cấp nhiên liệu, tái chế nhiên liệu qua sử dụng, đào tạo nhân sự để vận hành nhà máy.

Các nhà máy nhiệt điện đốt khí lâu đời của Bangladesh không thể sản xuất đủ điện để phục vụ số dân 150 triệu người, với lượng thiếu hụt khoảng 2.000 MW điện mỗi ngày. Các doanh nghiệp phàn nàn rằng việc thiếu điện ảnh hưởng tới sản xuất.

Ngân hàng Thế giới và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) cho hay nền kinh tế của Bangladesh sẽ bị ảnh hưởng nếu không có đủ điện để hỗ trợ các ngành công nghiệp và nông nghiệp.

Bangladesh cũng đang xem xét các giải pháp nhằm chuyển sang các nhà máy nhiệt điện đốt than. Nước này có sáu mỏ than đá với trữ lượng ước tính lên tới 3,3 tỷ tấn./.

(TTXVN)

Tin cùng chuyên mục