Nga nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống thanh toán của Mỹ

Ngày 7/8 Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết để đáp trả các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, Moskva đang tích cực giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống thanh toán của Mỹ.
Nga nỗ lực giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống thanh toán của Mỹ ảnh 1Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov. (Ảnh: TASS/TTXVN)

Ngày 7/8, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov cho biết để đáp trả các biện pháp trừng phạt mới của Mỹ, Moskva đang tích cực giảm sự phụ thuộc vào các hệ thống thanh toán của Mỹ và đồng USD với tư cách đồng tiền thanh toán.

Theo ông, đối với Nga, điều quan trọng là xây dựng các đề án khả thi; trong đó có việc giảm sự phụ thuộc vào đồng USD, vào hệ thống tài chính-tiền tệ của Mỹ.

Theo số liệu của Bộ Tài chính Mỹ, từ tháng Một đến tháng ​Bảy vừa qua, Nga tăng đầu tư vào trái phiếu kho bạc Mỹ 26,2%, tương đương 22,6 tỷ USD, lên 108,7 tỷ USD.

Chỉ tính riêng trong tháng Năm vừa qua, đầu tư của Nga vào loại trái phiếu này đã tăng 3,6%, tương đương 3,8 tỷ USD. Tính đến hết năm 2016, các giấy tờ có giá của Mỹ chiếm 23,1% dự trữ ngoại tệ của Nga.

Dự trữ ngoại tệ của Nga tính đến ngày 28/7 vừa qua đạt 418,9 tỷ USD. Dự trữ ngoại tệ của nước này từng đạt mức cao kỷ lục vào tháng 8/2008 là 598 tỷ USD.

Đầu tháng Sáu năm nay, Thống đốc Ngân hàng trung ương Nga Elvira Nabiullina tuyên bố Nga sở hữu kho dự trữ ngoại tệ tương đối lớn và đã sử dụng để đầu tư hiệu quả, trong đó thị phần tài sản bằng đồng USD trong danh mục đầu tư tương đối nhỏ.

Trước đó vào tháng Năm năm nay, bà nhận định, với điều kiện thuận lợi, lạm phát ổn định ở mức thấp và thị trường tiền tệ ổn định, có khả năng dự trữ ngoại tệ sẽ tăng lên đến 500 tỷ USD.

Theo giáo sư Vyugin, việc giảm phụ thuộc vào các hệ thống thanh toán của Mỹ sau khi thành lập Hệ thống thẻ thanh toán quốc gia (NSPK) hoàn toàn có thể nếu nói đến các thanh toán trong nước, còn thẻ quốc tế vẫn còn nguy cơ bị từ chối thanh toán.

Năm 2014, Nga đã thành lập NSPK, hệ thống phát hành thẻ Mir, ngay sau khi các ngân hàng của Nga gặp trở ngại với các hệ thống thanh toán của Mỹ là Visa và MasterCard, do bị Mỹ áp đặt các biện pháp trừng phạt. Đến cuối năm 2015, Nga phát hành thẻ thanh toán quốc gia đầu tiên mang tên Mir để thay thế Visa và MasterCard.

Đến nay, hơn 13,9 triệu thẻ Mir đã được phát hành tại Nga, tương đương 10% dân số. Hơn 380 ngân hàng hoạt động tại Nga chấp nhận thẻ Mir do 120 ngân hàng phát hành.

Trong khi đó cựu Thứ trưởng Tài chính, giáo sư Trường Kinh tế cao cấp, trực thuộc Trường Đại học tổng hợp nghiên cứu quốc gia, Liên bang Nga, ông Oleg Vyugin, cho rằng việc Nga từ bỏ hoàn toàn đồng USD là điều không thể, bởi vì dự trữ ngoại tệ của Nga được đầu tư vào các giấy tờ có giá của Mỹ.

Lý do thứ hai mà giáo sư Oleg Vyugin đưa ra là, cho đến nay, các ngân hàng của Nga vẫn có tài khoản bằng đồng USD, bởi vì tất cả các thanh toán được thực hiện thông qua tài khoản đối ứng tại các ngân hàng của Mỹ, nên khó có thể từ bỏ đồng USD trong trường hợp này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục