Ngành đường sắt trình dự án nâng hiệu suất chạy tàu, giảm sai sót

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương cho phép lập đề xuất dự án nâng cao hiệu suất chạy tàu, giảm thiếu nguy cơ sai sót do lỗi chủ quan cá nhân.
Ngành đường sắt trình dự án nâng hiệu suất chạy tàu, giảm sai sót ảnh 1Ngành đường sắt muốn nâng hiệu suất chạy tàu, giảm sai sót từ con người. (Ảnh: Minh Sơn/Vietnam+)

Tổng công ty Đường sắt Việt Nam vừa trình Bộ Giao thông Vận tải chấp thuận chủ trương cho phép lập đề xuất dự án nâng cao hiệu suất chạy tàu trên đoạn Sài Gòn-Nha Trang có chiều dài 411,2km với 36 ga với mục tiêu tăng năng lực, đảm bảo chạy tàu, giảm thiếu nguy cơ sai sót do lỗi chủ quan của con người gây ra.

Tăng tốc độ nhưng giảm tai nạn

Theo đề xuất của đơn vị lập dự án, LOT Việt Nam, họ sẽ lắp đặt một hệ thống điều hành trung tâm tại khu vực Sài Gòn để điều hành chạy tàu trên khu đoạn Sài Gòn-Nha Trang hướng tới mục tiêu khắc phục những hạn chế trong công tác điều hành chạy tàu hiện tại và đề xuất các giải pháp để cải thiện kết cấu hạ tầng đường sắt (tập trung vào các hệ thống tín hiệu và điều khiển chạy tàu), nâng cao năng lực và quản lý, điều hành tổ chức chạy tàu, cải thiện công tác đảm bảo an toàn chạy tàu trên tuyến.

[Đường sắt: Hạ tầng đầu tư nhỏ giọt, nhà đầu tư chỉ “dòm ngó”!]

Cụ thể, dự án này giúp cải thiện cơ sở hạ tầng đường sắt nhờ việc áp dụng một trung tâm điều điều độ thống nhất và các hệ thống đảm bảo an toàn tích cực, làm giảm số lần dừng đỗ làm tăng năng lực thông qua của tuyến đường sắt thêm 35-40%. Việc này giúp tiết kiệm năng lượng và giảm chi phí liên quan đến sửa chữa các bộ phận chuyển động của đoàn tàu và đường ray 15-20%.

Dự án cũng góp phần nâng cao an toàn và tốc độ chạy tàu và giảm thiểu số vụ tai nạn nhờ ngăn chặn các nguy cơ tàu vượt tín hiệu đèn đỏ, chạy quá tốc độ quy định, đâm đuôi các đoàn tàu khi chạy tàu kế tiếp... do trang bị thiết bị bảo vệ đoàn tàu tự động. Dự án sẽ giúp kiểm soát được toàn bộ công việc của người lái tàu; hỗ trợ thực hiện việc thông báo tàu tới gần cho các đường ngang có người gác hiện tại để nâng cao an toàn với kinh phí không đáng kể…

Nếu được chấp thuận thông qua, theo lãnh đạo VNR, dự án được dự kiến triển khai trong vòng 18 tháng gồm xây dựng trung tâm điều độ tập trung với khả năng hiển thị trạng thái, vị trí của đoàn tàu trên khắp tuyến thử nghiệm; nhận được thông tin về tốc độ tối đa cho phép từ trung tâm điều độ và hiển thị cho lái tàu; xây dựng chuỗi trạm thu phát; thay thế thiết bị bảo vệ đoàn tàu thụ động bảng thiết bị bảo vệ chủ động để tự động điều khiển hệ thống phanh của đầu máy…

Tổng chi phí thiết bị, lắp đặt và hỗ trợ kỹ thuật của chuyên gia nước ngoài do LOT Việt Nam đề xuất khoảng 10,83 triệu USD, tương đương 245,6 tỷ đồng (đã bao gồm thiết bị của Đức) hoặc 11 triệu USD (gần 250 tỷ đồng) nếu không sử dụng thiết bị của Đức.

[Ngành đường sắt cần 7.000 tỷ đồng để nâng cấp tốc độ chạy tàu]

Đề cập đến vốn đầu tư, phía LOT Việt Nam đề xuất mô hình hợp tác theo hình thức BT (xây dựng-chuyển giao), trong đó nhà đầu tư đầu tư 70% vốn và Nhà nước đầu tư 30% vốn để thực hiện dự án. Nhà nước sẽ trả chi phí đầu tư cho nhà đầu tư sau khi dự án kết thúc và đi vào khai thác (có tính đến chi phí lãi vay ngân hàng).

Đối với đề xuất của LOT Việt Nam về đầu tư theo hình thức BT, phía VNR cam kết sẽ triển khai thực hiện theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ và Thông tư số 02/2016/TT-BKHĐT ngày 01/3/2016 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).

Vốn đầu tư ít, hiệu quả nhanh

Hiện nay, theo báo cáo VNR, do hiện trạng kết cấu hạ tầng đường sắt, đầu máy toa xe và phương thức tổ chức điều hành chạy tàu thủ công hiện tại còn nhiều hạn chế dẫn đến năng lực thông qua tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh vẫn ở mức không cao, chỉ đạt trung bình khoảng 18-19 đôi tàu/ngày đêm.

Để tăng năng lực thông qua trên tuyến đường sắt Bắc-Nam, lãnh đạo VNR nhận thấy cần phải tăng được tốc độ chạy tàu, tăng năng lực chạy tàu khu gian, giảm thời gian tác nghiệp tại các ga bằng cách áp dụng tiến bộ khoa học công nghệ cho hệ thống thiết bị thông tin tín hiệu phục vụ chạy tàu để tối ưu công tác tổ chức điều hành vận tải, đảm bảo có thể tổ chức chạy tàu kế tiếp an toàn trên tuyến đường sắt đơn hiện có, giúp tăng năng lực chạy tàu thông qua khu gian.

[Đoàn tàu khách và tàu hàng đối đầu nhau tại đoạn gần Biên Hòa]

Hướng đi này được VNR nhìn nhận cho phép triển khai những khoản đầu tư xây dựng và bảo trì thấp hơn, thời gian triển khai nhanh chóng, đáp ứng linh hoạt nhu cầu đã xác định trong các mục tiêu ngắn và trung hạn, có thể đem lại hiệu quả đầu tư hợp lý.

Đây cũng là xu thế mà đường sắt nhiều nước có trình độ phát triển cao như Mỹ hay một số nước châu Âu đã lựa chọn (điển hình là tại Mỹ, nơi các tuyến đường đơn chiếm tới 80% tổng số km của toàn mạng lưới đường sắt).

“Việc nghiên cứu, thực hiện dự án đề xuất của LOT Việt Nam trên đoạn Nha Trang-Sài Gòn nếu đảm bảo an toàn, hiệu quả sẽ là cơ sở để tiếp tục xem xét triển khai những dự án tương tự để ứng dụng rộng rãi, đồng bộ các công nghệ mới này trên toàn tuyến đường sắt Bắc-Nam,” lãnh đạo VNR kỳ vọng./.

(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục