Nghệ sỹ Việt-Nhật hợp tác trình diễn Bản giao hưởng mùa hạ

Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam đã phối hợp với đối tác Nhật Bản xây dựng chương trình “Bản giao hưởng mùa hạ” diễn ra tối 5-6/6 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.
Nghệ sỹ Việt-Nhật hợp tác trình diễn Bản giao hưởng mùa hạ ảnh 1Ảnh chỉ có tính minh họa. (Ảnh: Minh Đức/TTXVN)

Thông tin từ Nhà hát Nhạc Vũ kịch Việt Nam (VNOB) ngày 5/6 cho biết Nhà hát đã phối hợp với đối tác Nhật Bản xây dựng chương trình “Bản giao hưởng mùa hạ” diễn ra tối 5-6/6 tại Nhà hát Lớn Hà Nội.

Đây là chương trình đặc biệt để chào đón mùa Hè và giao lưu quốc tế, phát triển nghệ thuật hàn lâm của Nhà hát.

Các nghệ sỹ tham gia “Bản giao hưởng mùa hạ” gồm nhạc trưởng Kotaro Kimura, nghệ sỹ piano nổi tiếng Mika Kawasaki, nghệ sỹ Ryohei Morita, cùng dàn hợp xướng Xuan Voce Choir & Hanoi Freude Choir. Đặc biệt, chương trình có sự tham dự của dàn hợp xướng đến từ Nhật Bản Freude Fukuoka cùng các nghệ sỹ Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam.

Chương trình “Bản giao hưởng mùa hạ” gồm hai phần. Trong phần đầu, các nghệ sỹ sẽ gửi tới người yêu nhạc giao hưởng các tác phẩm kinh điển của L. Beethoven, trong đó có tác phẩm “The Creatures of Prometheus,” Op.43 (Những người thuộc hạ của Promatheus). Đây là vở ballet mà phần overture do Beethoven soạn, phần lời do Salvatore Viganof viết.

Tiếp đó là "Bản giao hưởng số 9" (Symphony No 9 in D minor Op.125-4th movement), cung Rê thứ, Op.125 - tác phẩm giao hưởng trọn vẹn cuối cùng do Beethoven biên soạn. Bản giao hưởng này được hoàn thành vào năm 1824, sử dụng một phần nội dung của bài "Ode An die Freude" ("Ode hoan ca") của Friedrich Schiller làm lời ca cho người đơn ca và đồng ca thể hiện trong chương cuối. Đây là thử nghiệm đầu tiên mà nhà soạn nhạc vĩ đại sử dụng giọng hát con người ở cùng cấp độ với các nhạc cụ trong một bản giao hưởng.

Phần 2 được tiếp nối bằng vở múa đương đại “Khoảnh khắc” do hai biên đạo múa nổi tiếng là Nguyễn Ngọc Anh và Tạ Thùy Chi dàn dựng. Vở múa được lấy ý tưởng từ cuộc sống thường ngày với những khoảnh khắc khác biệt, sự trăn trở với nỗ lực sinh tồn và khát vọng vươn lên.

Nét đặc biệt nhất của vở múa đương đại này là có múa đôi (duo) và múa ba (trio) phức tạp, cùng với sự sắp đặt ánh sáng, đạo cụ, phục trang, gợi mở sự sáng tạo đa chiều, hiện đại với sự trình diễn của 30 diễn viên chuyên nghiệp...

Toàn bộ chương trình “Bản giao hưởng mùa hạ” do nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly, Giám đốc Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam chỉ đạo nghệ thuật; đạo diễn sân khấu là nghệ sỹ ưu tú Nguyễn Hồng Phong.

Nghệ sỹ ưu tú Trần Ly Ly cho biết “Bản giao hưởng mùa hạ” quy tụ số lượng lớn thành viên đến từ các dàn hợp xướng trong nước, quốc tế. Về mặt nghệ thuật, chương 4 của bản giao hưởng số 9 là một chương khó. Vì vậy, sự kết hợp giữa giao hưởng và hợp xướng trong tiết mục này cũng không dễ dàng, đòi hỏi sự kỹ lưỡng của các nghệ sỹ trong tập luyện, biểu diễn. Ở phần 2, múa đương đại có sự phá cách, tạo ra nét tươi mới cả về không gian, thời gian nhưng vẫn giữ được cái chất của ba lê cổ điển.

Kotaro Kimura tham gia chỉ huy đêm diễn là một nhạc trưởng tài ba và có nhiều kinh nghiệm, từng dẫn dắt khá nhiều chương trình tại Việt Nam. Đây là lần thứ ba liên tiếp nhạc trưởng Kotaro Kimura làm việc cùng Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam trong vai trò nhạc trưởng khách mời, sứ giả âm nhạc đến từ Nhật Bản.

Tới Việt Nam lần này, nhạc trưởng Kotaro Kimura đã chỉ huy dàn nhạc và hợp xướng của Nhà hát Nhạc vũ kịch Việt Nam trình diễn tác phẩm mở màn “Ca ngợi Hồ Chủ tịch” trong chương trình nghệ thuật kỷ niệm 70 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi Thi đua yêu nước ngày 3/6 vừa qua./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục