Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh

Nghị quyết 98/2023/QH15 quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước, quản lý đô thị, tổ chức bộ máy chính quyền.
Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế đặc thù phát triển TP Hồ Chí Minh ảnh 1Một góc Thành phố Hồ Chí Minh. (Nguồn: TTXVN)

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã ký ban hành Nghị quyết số: 98/2023/QH15 về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh.

Nghị quyết này quy định thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh về quản lý đầu tư; tài chính, ngân sách nhà nước; quản lý đô thị, tài nguyên, môi trường; ngành, nghề ưu tiên thu hút nhà đầu tư chiến lược vào Thành phố; quản lý khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo; tổ chức bộ máy của chính quyền Thành phố và Thành phố Thủ Đức.

Về quản lý đầu tư, Hội đồng Nhân dân Thành phố quyết định bố trí vốn đầu tư công để hỗ trợ giảm nghèo, giải quyết việc làm thông qua việc giao Ủy ban nhân dân Thành phố ủy thác cho Ngân hàng Chính sách xã hội chi nhánh Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện chính sách cho vay hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo, giải quyết việc làm. Hội đồng Nhân dân Thành phố quy định tiêu chí, điều kiện, mức, nội dung, hình thức và thời gian hỗ trợ.

Về thí điểm mô hình phát triển đô thị theo định hướng phát triển giao thông công cộng (TOD): Hội đồng Nhân dân Thành phố quyết định sử dụng ngân sách địa phương để triển khai dự án đầu tư công độc lập nhằm thực hiện công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư đối với các dự án đầu tư theo đồ án thiết kế đô thị riêng, đồ án quy hoạch đô thị vùng phụ cận các nhà ga thuộc các tuyến đường sắt được cấp có thẩm quyền phê duyệt, vùng phụ cận các nút giao thông dọc tuyến đường Vành đai 3 thuộc địa phận Thành phố để thu hồi đất, chỉnh trang, phát triển đô thị, thực hiện tái định cư, tạo quỹ đất để đấu giá lựa chọn nhà đầu tư các dự án đầu tư phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ theo quy định của pháp luật.

[Tạo cơ chế, chính sách đặc thù phát triển Thành phố Hồ Chí Minh]

Thẩm quyền, trình tự, thủ tục đầu tư, xây dựng đối với dự án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được thực hiện theo thẩm quyền, trình tự, thủ tục của dự án đầu tư công nhóm A theo tiêu chí quy định của pháp luật về đầu tư công.

Đối với vùng phụ cận các nhà ga, các nút giao thông, Ủy ban Nhân dân Thành phố được quyết định điều chỉnh mật độ xây dựng, chỉ tiêu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội so với quy định tại quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về quy hoạch xây dựng đối với khu vực đô thị hiện hữu nhưng phải bảo đảm đáp ứng về hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội và các chỉ tiêu quy hoạch kiến trúc được xác định trong nội dung đồ án quy hoạch phân khu, quy hoạch chung Thành phố.

Việc thu hồi đất đối với các dự án phải đáp ứng đầy đủ các điều kiện sau đây: dự án đã được phê duyệt chủ trương đầu tư và thuộc kế hoạch đầu tư công trung hạn của thành phố; vị trí, ranh giới, diện tích đất thu hồi của dự án trong vùng phụ cận đã được xác định trong đồ án quy hoạch đô thị, đồ án thiết kế đô thị riêng, quy hoạch sử dụng đất, kế hoạch sử dụng đất hằng năm cấp huyện.

Về các dự án đầu tư theo phương thức đối tác công tư (dự án PPP), ngoài các lĩnh vực đầu tư theo phương thức đối tác công tư quy định tại Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Thành phố được áp dụng đầu tư theo phương thức đối tác công tư đối với các dự án đầu tư trong lĩnh vực thể thao và văn hóa.

Trình tự, thủ tục thực hiện các dự án quy định tại điểm này thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư theo phương thức đối tác công tư và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Quy mô tổng mức đầu tư tối thiểu của dự án PPP trong lĩnh vực y tế, giáo dục-đào tạo, thể thao và văn hóa do Hội đồng Nhân dân Thành phố quy định.

Thành phố được áp dụng loại hợp đồng xây dựng-vận hành-chuyển giao (hợp đồng BOT) đối với dự án đầu tư xây dựng nâng cấp, mở rộng, hiện đại hóa công trình đường bộ hiện hữu, phù hợp theo quy hoạch được phê duyệt đối với loại đường phố chính đô thị, đường trên cao.

Về tài chính, ngân sách nhà nước, Nghị quyết quy định: Hội đồng Nhân dân Thành phố quyết định áp dụng trên địa bàn: phí, lệ phí chưa được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí; điều chỉnh mức hoặc tỷ lệ thu phí, lệ phí đã được cấp có thẩm quyền quyết định đối với các loại phí, lệ phí được quy định trong Danh mục phí, lệ phí ban hành kèm theo Luật Phí và lệ phí, trừ án phí, lệ phí Tòa án và các loại phí thuộc nguồn thu của ngân sách trung ương hưởng 100%.

Ngân sách Thành phố được hưởng 100% số thu tăng thêm từ các khoản thu do việc điều chỉnh chính sách phí, lệ phí để đầu tư cơ sở hạ tầng kinh tế-xã hội và các nhiệm vụ chi khác thuộc nhiệm vụ chi của ngân sách Thành phố; các khoản thu này không dùng để xác định tỷ lệ phần trăm (%) đối với các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và ngân sách thành phố.

Việc thí điểm thực hiện chính sách phí, lệ phí trên địa bàn thành phố phải bảo đảm có lộ trình, phù hợp với khả năng và yêu cầu phát triển của thành phố; tạo môi trường sản xuất, kinh doanh thuận lợi cho doanh nghiệp; bảo đảm sự thống nhất của thị trường, không cản trở lưu thông hàng hóa, dịch vụ; thực hiện điều tiết hợp lý đối với hàng hóa, dịch vụ và nguồn thu nhập hợp pháp của tổ chức, cá nhân trên địa bàn Thành phố; bảo đảm công khai, minh bạch, cải cách hành chính nhà nước.

Căn cứ dự toán ngân sách nhà nước hằng năm đã được Quốc hội quyết định, Thủ tướng Chính phủ giao và tình hình thực tế của thành phố, Hội đồng Nhân dân Thành phố quyết định dự toán, phân bổ ngân sách thành phố bảo đảm phù hợp với định hướng cơ cấu lại ngân sách nhà nước, phát triển kinh tế-xã hội và các lĩnh vực quan trọng theo quy định của Quốc hội và Chính phủ. Thành phố thực hiện cơ chế tạo nguồn thực hiện cải cách tiền lương theo quy định.

Liên quan đến tổ chức bộ máy chính quyền của Thành phố, Nghị quyết nêu rõ: Hội đồng Nhân dân Thành phố thành lập Sở An toàn thực phẩm là cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy của Sở An toàn thực phẩm trên cơ sở chuyển chức năng quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm, thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm hành chính về an toàn thực phẩm, việc cấp giấy chứng nhận kiểm dịch sản phẩm động vật ra khỏi địa bàn Thành phố từ Sở Y tế, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương cho Sở An toàn thực phẩm.

Ủy ban Nhân dân huyện thuộc Thành phố có không quá 3 Phó Chủ tịch. Đối với phường, xã, thị trấn có quy mô dân số từ 50.000 người trở lên thì Ủy ban nhân dân phường, xã, thị trấn có không quá 3 Phó Chủ tịch.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 1/8/2023.

Nghị quyết số 54/2017/QH14 ngày 24/11/2017 của Quốc hội hết hiệu lực kể từ ngày Nghị quyết này có hiệu lực thi hành./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục