Nghị sỹ Anh phản đối dự thảo tuyên bố về quan hệ tương lai với EU

Theo lãnh đạo Công đảng đối lập, văn kiện này nói lên sự thất bại của đảng Bảo thủ cầm quyền và Thủ tướng May trong suốt hai năm đàm phán và ví thỏa thuận như dải băng bịt mắt đẩy Anh vào "bóng tối."
Thủ tướng Anh Theresa May. (Nguồn: bbc.com)

Ngày 22/11, Thủ tướng Anh Theresa May đã vấp phải sự phản đối của nhiều nghị sỹ với tóm lược tuyên bố về tương lai quan hệ song phương sau khi nước này rời Liên minh châu Âu (EU), hay còn gọi là Brexit.

Lãnh đạo Công đảng đối lập Jeremy Corbyn cho rằng văn kiện này nói lên sự thất bại của đảng Bảo thủ cầm quyền và Thủ tướng May trong suốt hai năm đàm phán. Ông còn ví thỏa thuận như dải băng bịt mắt đẩy Anh vào "bóng tối." Trong bối cảnh đảng Bảo thủ cầm quyền không chiếm thế đa số tại Hạ viện Anh thì sự ủng hộ từ các nghị sỹ đối lập là rất cần thiết.

Một số nghị sỹ có ảnh hưởng trong đảng Bảo thủ cầm quyền ủng hộ Brexit như cựu Ngoại trưởng Boris Johnson cũng đã chỉ trích dự thảo này. Ông cho rằng văn bản này không giúp giải quyết những thực tiễn khó khăn trong quá trình Brexit, đặc biệt là thỏa thuận "rào chắn" hải quan được nêu trong dự thảo thỏa thuận chia tay đạt được hồi tuần trước.

Nếu sau giai đoạn chuyển tiếp, Anh và EU chưa thể đạt được thỏa thuận thương mại và không có biện pháp thay thế nào được đưa ra, Anh sẽ tiếp tục ở lại liên minh thuế quan EU và vùng Bắc Ireland sẽ tiếp tục tuân thủ các quy định của thị trường chung châu Âu nhằm tránh lập biên giới cứng với Cộng hòa Ireland.

Trong khi đó, cựu Bộ trưởng Brexit Dominic Raab cho rằng thỏa thuận này thậm chí còn khiến tương lai về một ngày Anh lấy lại quyền kiểm soát trở nên xa vời hơn bao giờ hết.

Nghị sỹ đến từ đảng Hợp nhất Dân chủ (DUP) Jeffrey Donaldson khẳng định có những lựa chọn khác thay cho thỏa thuận "rào chắn." Bản dự thảo thỏa thuận sẽ chỉ nhận được sự ủng hộ của đảng này khi loại bỏ thỏa thuận "rào chắn" kể trên và có phương án thay thế.

Đảng Bảo thủ của Thủ tướng May và DUP từng hợp tác để đảm bảo thế đa số tại quốc hội nước này và giúp đảng Bảo thủ giữ được vị trí đảng cầm quyền sau cuộc bầu cử sớm hồi tháng 6/2017 với kết quả không đảng nào chiếm đa số cần thiết để tự thành lập chính phủ.

Bà May sẽ tới Brussels vào ngày 24/11 để tham dự các cuộc họp về vấn đề Brexit, trong đó có cuộc gặp với Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker, một ngày trước Hội nghị thượng đỉnh EU dự kiến sẽ thông qua cả bản tyên bố tương lai quan hệ song phương và thỏa thuận "ly hôn."

Thỏa thuận này cần phải được thông qua sớm để kịp thời gian cho Nghị viện châu Âu và Quốc hội Anh phê chuẩn. Nếu bà May không thể có được sự ủng hộ của đa số nghị sỹ trong Quốc hội với dự thảo này thì tương lai Brexit thực sự trở nên mù mịt.

Một số nghị sỹ cho rằng Anh sẽ rời khỏi EU mà không có thỏa thuận, một kịch bản sẽ kéo theo hàng loạt mức thuế đánh vào hàng xuất khẩu của quốc gia này cùng với những biện pháp hạn chế lao động. Trong khi đó, một số khác lại ủng hộ tổ chức một cuộc trưng cầu ý dân khác mong người dân sẽ thay đổi quyết định và chấm dứt hoàn toàn quá trình phức tạp này.

[Thủ tướng Anh đề cao ý nghĩa của dự thảo quan hệ tương lai với EU]

Trước đó, Thủ tướng May đã bảo vệ tuyên bố về tương lai quan hệ song phương Quốc hội Anh, đồng thời thuyết phục Hạ viện tin rằng đây là thỏa thuận tốt nhất có thể. Bà khẳng định hiện là thời khắc quan trọng và Anh cần tập trung mọi nỗ lực trong làm việc với các đối tác châu Âu để có thể hoàn tất tiến trình Brexit.

Theo bản sao mà hãng AFP có được, dự thảo tuyên bố thiết lập giới hạn về một mối quan hệ đối tác đầy tham vọng, sâu rộng và linh hoạt trong hợp tác thương mại, kinh tế cũng như trong các lĩnh vực khác; giai đoạn chuyển giao Brexit có thể kéo dài cho đến cuối năm 2020...

Thủ tướng Anh hy vọng những cam kết về hợp tác tương lai sẽ giúp bà thuyết phục được đảng Bảo thủ cầm quyền và các nghị sỹ đối lập ủng hộ dự thảo thỏa thuận Brexit.

Theo Chủ tịch Hội đồng châu Âu Donald Tusk, dự thảo tuyên bố dài 26 trang về tương lai quan hệ song phương bao gồm các lĩnh vực thương mại, an ninh, môi trường và những vấn đề khác đã được thống nhất về mặt nguyên tắc và sẽ được gửi tới 27 quốc gia thành viên EU để được phê chuẩn.

Tuy nhiên, thỏa thuận này được cho là chưa giải quyết được những vấn đề gai góc như quyền đánh bắt cá hay số phận vùng lãnh thổ Gibraltar, khiến các quốc gia khác trong EU tỏ ra quan ngại.

Trong một diễn biến liên quan, Thủ hiến Gibraltar Fabian Picardo ngày 22/11 tuyên bố chính quyền vùng này sẵn sàng tổ chức đàm phán trực tiếp về tất cả các vấn đề liên quan với Tây Ban Nha, trong và sau Brexit, đồng thời nhấn mạnh sẽ không bàn về vấn đề chủ quyền đối với khu vực này.

Ngay sau khi dự thảo về tương lai quan hệ Anh-EU được công bố, Thủ tướng Tây Ban Nha Pedro Sanchez đã cảnh báo sẽ phản đối trừ khi thỏa thuận này được sửa đổi theo hướng bổ sung các điều khoản đảm bảo các cuộc đàm phán trực tiếp giữa Madrid và London về vấn đề Gibraltar.

Gibraltar là vùng lãnh thổ hải ngoại thuộc Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, nằm gần cực Nam Bán đảo Iberia, bên trên eo biển Gibraltar, giáp Tây Ban Nha ở phía Bắc. Tây Ban Nha nhiều lần yêu cầu Anh trả lại vùng đất mà nước này đã từ bỏ vào năm 1713 theo Hiệp ước Utrecht. Vùng đất này rộng khoảng 6,8 km2 và có khoảng 30.000 dân sinh sống.

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Đức Olaf Scholz cho biết dù nước này hy vọng Brexit sẽ diễn ra theo trình tự, nhưng Berlin cũng chuẩn bị cho việc London rời khỏi liên minh mà không có một thỏa thuận.

Báo Passauer Neue Presse ngày 23/11 dẫn lời Bộ trưởng Scholz nêu rõ Brexit không trình tự sẽ là kết quả tồi tệ nhất cho châu Âu, nhất là với Anh, bởi nó sẽ gây tổn hại nặng nề nền kinh tế nước này. Đức đang chuẩn bị rất kỹ lưỡng cho cả hai kịch bản vốn đều sẽ đặt ra những thách thức cho nước này./.

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục