Người kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh chưa sẵn sàng mở lại cửa hàng

Ngày đầu TP.HCM cho phép hoạt động giao thương trở lại nhưng trên địa bàn các quận, huyện, thành phố Thủ Đức vẫn khá trầm lắng và người dân thành phố vẫn duy trì giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó.”
Người kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh chưa sẵn sàng mở lại cửa hàng ảnh 1Các cửa hàng, quán ăn trên đường Trương Định, quận 1 nghiêm túc đóng cửa. (Ảnh: Xuân Khu/TTXVN)

Trong ngày đầu tiên chính quyền Thành phố Hồ Chí Minh cho phép nhiều nhóm ngành hàng được hoạt động kinh doanh trở lại, ghi nhận trong ngày 9/9 cho thấy không ít người kinh doanh chưa mặn mà mở lại cửa hàng.

Do đó, hoạt động giao thương trên địa bàn các quận, huyện, thành phố Thủ Đức vẫn khá trầm lắng và người dân Thành phố Hồ Chí Minh vẫn duy trì giãn cách xã hội “ai ở đâu ở yên đó.”

Tại nhiều tuyến đường thuộc trung tâm Thành phố Hồ Chí Minh, hay khu vực chuyên kinh doanh các ngành hàng như Điện Biên Phủ, Cách Mạng Tháng Tám, Đồng Khởi, Nguyễn Trãi, Phạm Văn Đồng... đa số cửa hàng vẫn treo bảng tạm ngưng hoạt động kinh doanh và đóng cửa. Trong khi đó, một số đơn vị kinh doanh vẫn có tâm lý thăm dò thị trường nên số lượng hàng hóa nhập về còn khiêm tốn và chủ yếu bán buôn những mặt hàng tồn sẵn có trước thời điểm thực hiện giãn cách xã hội.

Chia sẻ về vấn đề được mở cửa hoạt động kinh doanh trở lại, bà Minh Anh, cư ngụ tại quận 4, Thành phố Hồ Chí Minh đánh giá sức mua trên thị trường ảm đạm vì người dân chưa được mua sắm trực tiếp và đơn vị kinh doanh vẫn bán buôn theo hình thức bán mang đi. Bên cạnh đó, khâu vận chuyển gặp khó khăn và chi phí giao hàng tăng do số lượng người giao hàng (shipper) chưa đáp ứng được nhu cầu nên người dân chủ trương hạn chế mua sắm.

Đồng quan điểm, chị Thanh Hà, chuyên kinh doanh mặt hàng văn phòng phẩm tại quận 3, cho biết cửa hàng thuộc nhóm ngành hàng được mở cửa hoạt động trở lại trong đợt này, nhưng chuỗi cung ứng đang bị đứt hàng cục bộ nên tình hình kinh doanh cũng trong điều kiện không thuận lợi. Hơn thế nữa, nhiều nhà cung cấp thông báo gặp thách thức trong hoạt động sản xuất kinh doanh, nguồn nhân lực... nên thời gian giao hàng cho đại lý, nhà phân phối và điểm bán lẻ sẽ kéo dài hơn thời điểm bình thường.

[TP.HCM cho phép cửa hàng ăn, uống bán mang về từ 6 giờ đến 18 giờ]

Trong khi đó, khảo sát ở lĩnh vực kinh doanh nhiều mặt hàng khác như ăn, uống và thực phẩm chế biến sẵn, hầu hết người kinh doanh cũng có xu hướng không mặn mà với hoạt động mở cửa buôn bán trở lại. Bởi hiện nay chi phí giao hàng gần như tương đương với món hàng hoặc đôi khi vượt giá trị món hàng cần mua nên người kinh doanh có mở cửa buôn bán cũng khó hấp dẫn khách hàng.

Điển hình, nếu sản phẩm ly trà sữa có giá dao động từ 35.000-75.000 đồng/ly, chi phí giao hàng cũng lên đến 30.000-40.000 đồng/đơn hàng. Còn sản phẩm bún bò có giá 45.000 đồng/phần thì chi phí giao hàng lên đến 50.000 đồng/đơn hàng. Chính vì vậy, chỉ khi đặt đơn hàng mua chung hay với số lượng nhiều thì người dân mới ưu tiên ăn, uống bên ngoài.

Trong đêm ngày 8/9 đến rạng sáng ngày 9/9, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền đã hoàn chỉnh phương án tổ chức thí điểm điểm trung chuyển hàng hóa (giai đoạn 1) và chính thức đưa điểm trung chuyển hàng hóa đi vào hoạt động. Đồng thời, bố trí điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa tạm thời từ các tỉnh về Thành phố Hồ Chí Minh với số thương nhân lấp đầy các ô vựa tại chợ với khối lượng hàng đã đăng ký đạt khoảng 150 tấn bao gồm các ngành hàng thịt lợn, thủy hải sản, rau củ quả...

Nhằm đảm bảo tối đa an toàn cho hoạt động tập kết, trung chuyển tại chợ, Công ty Quản lý và Kinh doanh chợ Bình Điền tăng cường kiểm soát phòng chống dịch như tất cả những ai ra vào chợ đều phải có giấy xét nghiệm âm tính COVID-19 và đều phải được tiêm ít nhất 1 mũi vaccine. Riêng những trường hợp không đáp ứng được yêu cầu này đều không được vào chợ.

Theo các chuyên gia, trên thực tế sau thời gian dài thực hiện giãn cách xã hội, người dân Thành phố Hồ Chí Minh đã thay đổi thói quen tiêu dùng; trong đó, ưa chuộng sử dụng kênh mua sắm online và thanh toán chuyển khoản không tiền mặt. Do đó, những đơn vị kinh doanh nào không bắt kịp xu hướng thương mại điện tử hay tiếp cận các nhóm (group) cộng đồng cư dân thì sẽ không giữ được chân khách hàng.

Một số chuyên gia còn phân tích thêm, thực trạng thị trường ảm đạm khi nhiều nhóm ngành hàng đều tất yếu khi trong thời gian giãn cách xã hội mọi giao dịch thương mại gần như chuyển sang kênh online. Trong khi đó, đơn vị kinh doanh cần thời gian nhất định để tái cấu trúc lại thị trường, khách hàng và nhóm ngành hàng kinh doanh. Đặc biệt, đơn vị kinh doanh bắt buộc phải đầu tư ứng dụng công nghệ trong quảng bá, tiếp thị, mua bán, giao nhận... hàng hóa đến người tiêu dùng.

Người kinh doanh tại TP Hồ Chí Minh chưa sẵn sàng mở lại cửa hàng ảnh 2Ảnh minh họa. (Nguồn: thanhnien.vn)

Ở góc độ người tiêu dùng, chị Cát Nguyên, cư ngụ tại quận Bình Thạnh chia sẻ, gia đình ưu tiên tham gia nhóm mua chung của khu dân cư, vì gần như không tốn chi phí giao hàng hoặc rất thấp. Cùng với đó, nhóm mua chung tại khu dân cư cũng giới thiệu đa dạng mặt hàng như thanh long 100.000 đồng/10kg, bưởi da xanh 35.000 đồng/kg, bánh chưng có giá bán 40.000 đồng/sản phẩm, gà ta 180.000 đồng/kg, tôm thẻ 300.000 đồng/kg... Đặc biệt, khi đơn hàng với số lượng lớn, đơn vị kinh doanh còn miễn phí chi phí giao hàng cho người dân tại Thành phố Hồ Chí Minh.

Trước đó, trong văn bản số 2994/UBND-ĐT của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh, về tiếp tục tăng cường các biện pháp kiểm soát trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội vừa công bố tối ngày 7/9/2021, chính quyền thành phố cho phép hệ thống siêu thị, cửa hàng tiện lợi, cửa hàng thực phẩm, đội ngũ shipper trong phạm vi một quận, huyện, thành phố Thủ Đức; cơ sở sản xuất, kinh doanh dược liệu, thuốc, trang thiết bị y tế, vật tư y tế được hoạt động từ 6 giờ đến 21 giờ hàng ngày để đảm bảo phục vụ nhu cầu hàng hóa, nhu yếu phẩm, thuốc chữa bệnh cho người dân.

Đồng thời, giao cho Ủy ban Nhân dân quận 7 và huyện Củ Chi căn cứ tình hình thực tế tại địa phương để xây dựng kế hoạch, phương án triển khai cho phép người dân có thể đi chợ 1 tuần/lần, báo cáo Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh trước ngày 11/9/2021.

Ngoài ra, Thành phố Hồ Chí Minh mở hai điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại chợ đầu mối Bình Điền và Thủ Đức, đồng thời tiếp tục duy trì hoạt động và phát huy hiệu quả của điểm tập kết, trung chuyển hàng hóa nông sản, thực phẩm tại các chợ này để bổ sung nguồn hàng hóa cung ứng cho thị trường Thành phố Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng giao cho Ủy ban Nhân dân thành phố Thủ Đức, quận 8, huyện Hóc Môn phối hợp Sở Công Thương, đơn vị liên quan nhanh chóng đưa vào hoạt động điểm tập kết, trung chuyển, gia tăng lượng hàng hóa, nông sản, thực phẩm với giá cả hợp lý phục vụ nhu cầu của người dân.

Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh cũng cho phép loại hình kinh doanh dịch vụ ăn, uống; cơ sở cung ứng bưu chính, viễn thông, thiết bị tin học văn phòng, thiết bị dụng cụ học tập (có giấy phép đăng ký hộ kinh doanh) được phép hoạt động từ 6 giờ đến 18 giờ hàng ngày, theo hình thức bán hàng mang đi, 3 tại chỗ, chỉ tổ chức kinh doanh thông qua đặt hàng trực tuyến; trong đó, người giao hàng là những đơn vị cung ứng dịch vụ giao nhận hàng hóa có ứng dụng công nghệ phải đảm bảo biện pháp an toàn phòng chống dịch COVID-19./.

Tình hình dịch bệnh tại Việt Nam đến 18h ngày 8/9

Thành phố Hồ Chí Minh

- Số ca nhiễm: 273.674 
- Số ca tử vong: 11.206
- Số tiêm chủng: 6.007.173

Trong nước:
Số ca nhiễm: 563.676
Số ca tử vong: 14.135
Số ca khỏi bệnh: 325.647
Tiêm chủng: Tổng số liều vaccine đã được tiêm là 23.577.917 liều, trong đó tiêm 1 mũi là 19.809.234 liều, tiêm mũi 2 là 3.768.683 liều.

Thế giới:
Số ca nhiễm: 223.491.125
Số ca tử vong: 4.611.473
Số ca hồi phục: 200.033.802

(TTXVN/Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục