Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha: "Khi đi, tôi không nghĩ sẽ có… ngày trở về"

Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha chia sẻ, ông vẫn cảm thấy có một điều gì đó đã luôn níu giữ ông, thôi thúc ông trở lại với chiến trường xưa, với miền Trung, với đồng đội đã ngã xuống.
Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha: "Khi đi, tôi không nghĩ sẽ có… ngày trở về" ảnh 1Lễ tri ân các liệt sỹ trên sông Thạch Hãn. (Ảnh minh họa: TTXVN)

Chiến tranh đã lùi xa nhưng những di chứng của nó thì vẫn hiển hiện trong cuộc sống hôm nay. Trở về từ khói lửa đạn bom, những cảnh tượng tang thương, ký ức về sự chết chóc vẫn cứ đeo bám, ám ảnh tâm hồn những người cựu binh.

Bước ra khỏi cuộc chiến, từ một kỹ sư thông tin, Nguyễn Thụy Kha đã có một sự chuyển hướng đầy táo bạo, tài tình sang nghệ thuật. Bởi, ông tin, nghệ thuật sẽ giúp ông kể lại câu chuyện đời lính một cách sâu lắng hơn, thể hiện sự tri ân đối với những đồng đội đã ngã xuống.

Khởi đầu cho một sự hóa giải

- Năm nay, một lần nữa, ông trở lại chiến trường xưa, đi dọc miền Trung thắp hương cho đồng đội. Sau những cuộc đi-về, tâm trạng của ông thế nào, thưa nhạc sỹ?

Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha: Trong vài năm trở lại đây, tôi thường xuyên trở lại miền Trung và từ những chuyến đi đó, tôi đã viết bộ trường ca về biển, về Quảng Trị…

Thế nhưng, đến năm 2012, tôi thấy mình đã thực sự “có tuổi” và đã đến lúc tôi phải làm điều gì đó thiết thực hơn. Năm đó, tôi đã trực tiếp tham gia một đại lễ cầu siêu ở Quảng Trị. Sau đúng 40 năm chiến đấu ở Quảng Trị, tôi đã trở lại mảnh đất này.

Trong đêm tối, khi đèn hoa đăng được thả xuống dòng Thạch Hãn, có một nhà báo đã chụp được bức ảnh có hai luồng ánh sang lồng sâu vào nhau. Tôi nghĩ, đó là khởi đầu cho một sự hóa giải.

Năm 2013, tôi quay trở lại tổ chức một trại sáng tác về Khe Sanh tại nghĩa trang Khe Sanh. Đó là một đêm hết sức ấn tượng, bà con đến rất đông.

Những năm sau đó, tôi đi qua Chuông Bồn, ngã ba Đồng Lộc, nghĩa trang Trường Sơn, nghĩa trang Đường 9…

Sau mỗi chuyến đi, tôi không thể cầm được nước mắt. Có cái gì đó đã luôn níu giữ tôi ở lại với ngày xưa, với miền Trung, với đồng đội đã ngã xuống.

Đặc biệt hơn, năm nay trong khi tôi đang đi miền Trung thì Đài Truyền hình Việt Nam có tổ chức thu thanh “Người lính mùa Xuân về” - một ca khúc mà nhạc sỹ Doãn Nho đã phổ thơ của tôi.

Sau chiến tranh, tôi về các làng quê, gặp gỡ những người lính đã báo tử rồi lại quay trở về. Họ phải đối mặt với cảnh người yêu đi lấy chồng, con thơ ngơ ngác nhìn như người xa lạ, mẹ già ôm mặt khóc… Rõ ràng những người trong cuộc không có lỗi, lỗi là do chiến tranh.

Năm nay, vừa trở về từ miền Trung, tôi có tham gia chương trình "Chiều biên giới" sẽ phát sóng vào lúc 20 giờ ngày 30/7. Lần đầu tiên chúng ta nhắc đến chuyện biên giới Tây Nam và biên giới phía Bắc. Đó thực sự là chương trình về thương binh, liệt sỹ khiến tôi rất cảm động.

Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha: "Khi đi, tôi không nghĩ sẽ có… ngày trở về" ảnh 2Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha (Tranh Hoàng Tường)

Kỷ niệm… đẫm máu

- Kỷ niệm nào khiến ông nhớ nhất trong quãng đời lính, thưa nhạc sỹ?

Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha: Tôi là lính Đại đội 6 - Trung đoàn Thông tin Lam Sơn. Nhiệm vụ của đoàn là phục vụ thông tin cho chiến trường Quảng Trị.

Tôi có những người bạn rất thân dù không ở cùng trung đoàn. Bây giờ, mỗi lần có dịp gặp lại, anh em vẫn cùng nhau ôn lại kỷ niệm xưa. Thậm chí, có những người vẫn nhớ tôi đã từng đưa đồng đội bị thương vào trạm phẫu thế nào? Tất cả các hoạt động giữa làn mưa bom bão đạn diễn ra thế nào?...

Các chiến sĩ trung đoàn 48 trụ bám ở Thành cổ coi tôi như là một người lính của trung đoàn. Đó là kỷ niệm rất đẹp trong đời tôi mặc dù… đẫm máu.

- “Chiến trường đi chẳng tiếc đời xanh…” Trước khi cầm súng chiến đấu ở chiến trường Quảng Trị ác liệt, liệu ông có hình dung gì về ngày về?

Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha: (Cười ) Thú thực, tôi không hề nghĩ mình sẽ quay trở về. Trước khi đi, tất cả chúng tôi đều có giao kèo với người yêu là: Hãy đi lấy chồng!

- Ông còn rất nặng lòng với Quảng Trị!?

Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha: Vâng, đúng vậy! Năm 2011, tôi có làm chương trình “Quảng Trị - Thuở binh nhì.” Trong đó, tôi có phổ nhạc bài thơ xúc động cuối cùng của liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc mà ca sỹ Minh Hải đã thể hiện rất thành công. Giữa tôi và liệt sỹ Nguyễn Văn Thạc có một sự đồng điệu.

Quảng Trị là mảnh đất gắn bó với tuổi trẻ sôi nổi của chúng tôi và chỉ có Quảng Trị mới cho tôi cảm giác ấy. Nó ám ảnh tôi suốt cuộc đời.

Có lẽ, tôi đã già và thường sống theo hoài niệm. Sự hi sinh của đồng đội là những điều lớn lao!

- Cụ thể, ông đã làm gì để giúp đỡ cho những thương binh?

Nhạc sỹ Nguyễn Thụy Kha: Năm 2012, nhiếp ảnh gia Đoàn Công Tính có tâm sự với tôi rằng: “Tôi là người nổi tiếng vì những bức ảnh nhưng những người mà tôi chụp thì họ vẫn rất nghèo khó.” Tôi cảm thấy rất đau xót vì điều đó!

Sau đó, tôi có nói nói với anh Tính cung cấp cho tôi danh sách 10 người nghèo khó và cũng trong năm đó tôi đã ủng hộ mỗi người 3 triệu đồng.

Ở thành phố, số tiền đó rất nhỏ. Thế nhưng, ở nông thôn, số tiền đó nếu quy ra thóc thì không hề nhỏ. Sau đó, họ có gọi điện cám ơn tôi. Dẫu vậy, tôi nghĩ mình phải cám ơn họ vì nhờ có họ thì mới có nhạc sỹ Thụy Kha như ngày hôm nay.

Tôi cảm thấy trong lòng mình vô cùng thanh thản!

Từ nay cho đến cuối đời, tôi sẽ làm hết sức mình để góp phần tri ân đến các thương binh, liệt sỹ, góp một phần nhỏ bé của mình để làm vơi đi những nỗi đau của chiến tranh.

- Trân trọng cảm ơn ông về cuộc trò chuyện!

Nguyễn Thụy Kha sinh ngày 7/10/1949, quê gốc ở Vĩnh Bảo (Hải Phòng). Hiện nay, ông sống và làm việc tại Hà Nội.

Ông từng tham gia chiến đấu tại chiến trường Quảng Trị, Tây Nguyên…

Hiện nay, ông hoạt động sôi nổi trong nhiều lĩnh vực (văn học, âm nhạc, điện ảnh, báo chí..)
(Vietnam+)

Tin cùng chuyên mục